An toàn người bệnh và chăm sóc toàn diện ứng phó dịch Covid-19

27/12/2021 19:22 GMT+7

Việc áp dụng thành công các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị hiện đại đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao sức khỏe người dân, tăng tuổi thọ và giúp cho nhiều người mắc bệnh nan y có thêm cơ hội sống.

Tuy nhiên, quá trình chẩn đoán, điều trị vẫn xảy ra một số sự cố y khoa không mong muốn. Khi đó, người bệnh và gia đình người bệnh, phải gánh chịu hậu quả tổn hại tới sức khỏe, tính mạng, tài chính, tai nạn chồng lên tai nạn. Và các cán bộ y tế liên quan trực tiếp tới sự cố y khoa không mong muốn cũng là có thể bị “tấn công”, chịu áp lực trước dư luận xã hội; họ cũng cần được hỗ trợ về tâm lý khi rủi ro nghề nghiệp xảy ra.

Ngoài ra, an toàn người bệnh còn là vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn, chống nhiễm chéo; chống nhiễm khuẩn giúp người bệnh tránh nguy cơ mắc bệnh khi đi chữa bệnh; và đặc biệt phòng lây nhiễm Covid-19 khi dịch trên diện rộng với các ca mắc tăng nhanh trong cộng đồng.

An toàn người bệnh, chăm sóc toàn diện người bệnh luôn là vấn đề trọng tâm được Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến T.Ư và các đơn vị y tế trên cả nước tại các tuyến điều trị.

Chia sẻ về các vấn đề về ngăn ngừa sự cố y khoa, chống lây nhiễm trong bệnh viện, an toàn mùa dịch Covid-19, Báo Thanh Niên và Bộ Y tế tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “An toàn người bệnh và chăm sóc toàn diện ứng phó dịch Covid-19”.

Các khách mời là các chuyên gia của Bộ Y tế, các bệnh viện đầu ngành sẽ tham dự và chia sẻ thông tin, giải đáp các câu hỏi của bạn đọc về các vấn đề nêu trên.

Thời gian giao lưu trực tuyến từ: 14 - 16 giờ ngày 29.12 (thứ tư) trên Thanh Niên Online.

Mời bạn đọc quan tâm đến chương trình, vui lòng đặt câu hỏi tại box bên cạnh.

Giao lưu trực tuyến
An toàn người bệnh và chăm sóc toàn diện ứng phó dịch Covid-19
Hằng Ny, Hà Nội
Hằng Ny, Hà Nội

Xin chào khách mời. Trước hết, tôi chia sẻ với ngành y tế Hà Nội và lực lượng tham gia chống dịch của thành phố về áp lực công việc lúc này, khi dịch rất căng thẳng. Hiện nay, nhiều người dân đã tự test nhanh sàng lọc Covid-19. Khi tự test có kết quả dương tính, cần liên làm gì để được hỗ trợ? Xin lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết về vấn đề này?

TS. Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội
TS. Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội

Cảm ơn câu hỏi của bạn đọc Báo Thanh Niên! Về vấn đề bạn đọc nêu, thời gian qua lãnh đạo TP cũng như ngành y tế luôn chú trọng và có các giải pháp triển khai. Trong đó, đã thành lập các khu thu dung các ca dương tính SARS-CoV-2 nhẹ; khu điều trị ca bệnh Covid-19 có nguy cơ diễn biến nặng (người trên 50 tuổi, có bệnh nền, bệnh hiểm nghèo...)...

Mới đây nhất, ngày 27.12, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế trong và ngoài công lập căn cứ tình hình dịch bệnh, chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả, tập trung vào công tác xét nghiệm SARS-CoV-2.

Cụ thể, khi phát hiện các trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính, cần nhanh chóng, khẩn trương thực hiện cách ly điều trị, điều tra, khoanh vùng, truy vết, xử lý dịch bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Thực hiện tư vấn, hỗ trợ cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn các biện pháp phòng chống dịch, tránh tình trạng người dân tự điều trị tại nhà không theo hướng dẫn của y tế hoặc tự di chuyển đến bệnh viện, nơi đông người.

Sở Y tế cũng giao nhiệm vụ cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân, đơn vị trên địa bàn chấp hành các quy định phòng chống dịch, đặc biệt là với người dân tự xét nghiệm Covid-19; cần khuyến cáo khi tự thực hiện test nhanh có kết quả dương tính cần liên hệ ngay với y tế địa phương để được tư vấn. Thông qua đó, giúp cho y tế địa phương phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ, khoanh vùng và dập dịch, đồng thời hạn chế lây nhiễm cho cộng đồng.

Đồng thời, thông báo số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế, tổng đài 1022 về việc tư vấn, hướng dẫn người mắc Covid-19 để người dân thực hiện liên hệ và được cung cấp thông tin kịp thời.

Sở Y tế cũng giao nhiệm vụ cho các trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chỉ đạo các trạm y tế thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương.

Trên trang web chính thức của Sở Y tế Hà Nội (https://soyte.hanoi.gov.vn/) đã thông tin cụ thể các số điện thoại hỗ trợ các ca mắc Covid-19.

Số điện thoại đường dây nóng phòng chống dịch: 0969.082.115/0949.396.115

Tổng đài 1022:

Nhánh 1 (bấm phím 1): kết nối đến Trung tâm Cấp cứu 115.

Nhánh 2 (bấm phím 2): kết nối đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội.

Nhánh 3 (bấm phím 3): tiếp nhận thông tin liên quan đến F0 điều trị tại nhà và tư vấn y tế về phòng, chống dịch Covid-19.

Nhánh 4 (bấm phím 4): kết nối đến Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội để phản ánh về vi phạm phòng, chống dịch Covid-19.

Nhánh 5 (bấm phím 5): kết nối đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội để được giải đáp về các vấn đề an sinh xã hội.

Nhánh 6 (bấm phím 6): kết nối đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Hà Nội để đề nghị được giúp đỡ, hỗ trợ nhuyếu phẩm khi gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Nhánh 7 (bấm phím 7): Kết nối đến Sở Thông tin và Truyền thông để hướng dẫn, hỗ trợ về thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến của thành phố.

Bạn đọc tại Quảng Ninh
Bạn đọc tại Quảng Ninh

Xin chào khách mời. Trong dịch Covid-vid này, không chỉ đảm bảo về an toàn về chuyên môn trong điều trị, bệnh viện có giải pháp nào để đảm bảo tránh nguy cơ mắc Covid-19 cho người bệnh và nhân viên y tế?. Nếu ở tỉnh ngoài về khám có cần thực hiện xét nghiệm Covid không?

TS. BS. Đỗ Anh Tú - Phó Giám đốc Bệnh viện K
TS. BS. Đỗ Anh Tú - Phó Giám đốc Bệnh viện K

Đảm bảo an toàn trong khi khám chữa bệnh trong mùa dịch là mục tiêu bắt buộc mà BV phải thực hiện. BV K sẽ tiến hành sàng lọc, xét nghiệm để phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 trước khi vào viện và trong khi điều trị là 1 lần/tuần.

Các phẫu thuật viên rửa tay sạch, đảm bảo về chống nhiễm khuẩn cho người bệnh trong phẫu thuật; phòng ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn...

liên châu

Nếu ở tỉnh ngoài, chúng tôi khuyến khích người bệnh test Covid-19 nhanh hoặc PCR trước khi đến BV. Trong trường hợp, bệnh nhân chưa xét nghiệm chúng tôi sẽ làm xét nghiệm cho bệnh nhân.

Trung Bảo
Trung Bảo

Xin chào khách mời. Tôi được chẩn đoán ung thư đại tràng ở bệnh viện tỉnh, nếu muốn lên điều trị tại BV K, cần thủ tục như thế nào? Trong dịch Covid-19, người đến khám cần thực hiện quy định nào về phòng dịch?

TS. BS. Đỗ Anh Tú - Phó Giám đốc Bệnh viện K
TS. BS. Đỗ Anh Tú - Phó Giám đốc Bệnh viện K

Bác có thể đến BV K để điều trị, tuy nhiên, trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, bệnh nhân cần tuân thủ các quy định về phòng dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế...

Ngoài ra, trong giai đoạn điều trị, bệnh nhân và người nhà phải ở trong BV trong suốt giai đoạn điều trị để đảm bảo an toàn về phòng chống dịch.

Thu Hòa, Bắc Giang
Thu Hòa, Bắc Giang

Xin chào khách mời. Tôi có người quen từng điều trị ung thư tại BV K cho biết, các bác sĩ bệnh viện giỏi nhưng trước đây BV đông bệnh nhân nên nhiều trường hợp có lịch xạ trị vào buổi tối, hiện tại còn áp dụng xạ trị ngoài giờ hành chính không? Và bệnh nhân đông có đảm bảo giãn cách không? Tôi xin trân trọng cảm ơn.

TS. BS. Đỗ Anh Tú - Phó Giám đốc Bệnh viện K
TS. BS. Đỗ Anh Tú - Phó Giám đốc Bệnh viện K

Hiện nay, BV K được trang bị thêm nhiều máy móc hiện đại nên việc điều trị ngoài giờ hành chính cũng đã giảm nhiều.

Tuy nhiên, để đảm bảo giãn cách cũng như điều trị bệnh nhân chu đáo, chúng tôi chia ra nhiều khung giờ để phục vụ các bệnh nhân nội trú và ngoại trú, tránh việc giao thoa có thể nguy cơ mắc Covid-19.

Sau mỗi ca điều trị, chúng tôi đều có vệ sinh khử khuẩn để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, do đó, bệnh nhân có thể yên tâm đến khám và điều trị.

Bạn đọc báo Thanh Niên
Bạn đọc báo Thanh Niên

Xin chào khách mời. Tôi không phàn nàn gì về tinh thần, y đức của bác sĩ điều trị ung thư tại địa phương, nhưng tôi lo ngại về thiết bị cũ có thể không an toàn, kém chính xác, nhất là khi xạ trị. Bác sĩ cho lời khuyên về việc này, vì thực ra nhiều bệnh nhân ở tỉnh như tôi có tâm lý lên bệnh viện trung ương nhưng chuyển lên rất khó. Bệnh viện K trung ương có hỗ trợ các tỉnh như thế nào thiết bị để việc điều trị an toàn cho người bệnh hiểm nghèo như chúng tôi khi không có điều kiện lên trung ương?

TS. BS. Đỗ Anh Tú - Phó Giám đốc Bệnh viện K
TS. BS. Đỗ Anh Tú - Phó Giám đốc Bệnh viện K

Hiện nay, các thiết bị xạ trị lắp đặt tại các địa phương đều là máy mới. BV K đã có mạng lưới hỗ trợ chỉ đạo tuyến cho các BV, cũng như là khoa ung thư tại các địa phương.

TS Đỗ Anh Tú: "BV K đã có mạng lưới hỗ trợ chỉ đạo tuyến cho các BV, cũng như là khoa ung thư tại các địa phương"

hoàng anh

Các nhân viên y tế tại địa phương đều đã được đào tạo và thực hành bởi các bác sĩ BV K hướng dẫn. Người bệnh không nên lo lắng, có thể yên tâm điều trị tại địa phương.

Thanh Hậu
Thanh Hậu

Xin chào khách mời. Tôi ở Hà Nội. Vừa qua tôi đang điều trị ung thư nhưng do nhiễm Covid-19 nên tạm dừng truyền thuốc. Khi nào tôi điều trị trở lại để đảm bảo không gián đoạn điều trị ung thư nhưng vẫn không bị ảnh hưởng lớn do truyền hóa chất vì sau khi mắc Covid-19 cơ thể còn mệt mỏi nhiều ngày.

TS. BS. Đỗ Anh Tú - Phó Giám đốc Bệnh viện K
TS. BS. Đỗ Anh Tú - Phó Giám đốc Bệnh viện K

Sau khi điều trị khỏi Covid-19, bác có thể liên hệ với bác sĩ khám lại để đánh giá lại tình trạng bệnh cụ thể tại thời điểm này.

Theo đó, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp về bệnh ung thư, cũng như chăm sóc nâng đỡ thể trạng.

Trong thời gian chưa đến BV, bác có thể sử dụng các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe.

Bạn đọc tại Hòa Bình
Bạn đọc tại Hòa Bình

Xin chào khách mời. Bố của tôi khám ở địa phương, bác sĩ nghi ung thư dạ dày nên tôi muốn đưa bố lên khám và điều trị tại BV K. nhưng tôi được biết, Bệnh viện K không cho người nhà vào chăm bệnh hoặc rất hạn chế người nhà để phòng Covid. Vậy, bệnh viện có đảm bảo đủ nhân lực để đảm bảo cho theo dõi, chăm sóc bệnh nhân sau khi mổ không, vì chúng tôi thấy BV K tăng cường nhân lực chống dịch cho các tỉnh.

TS. BS. Đỗ Anh Tú - Phó Giám đốc Bệnh viện K
TS. BS. Đỗ Anh Tú - Phó Giám đốc Bệnh viện K

Bạn nên đưa người nhà đến BV K để khám, xác định chính xác bệnh, giai đoạn bệnh. Sau đó, tùy thuộc vào tình trạng bệnh, chúng tôi sẽ có những phương án điều trị phù hợp.

Nếu bố của bạn mà có chỉ định phải phẫu thuật thì BV sẽ phối hợp với gia đình để chăm sóc và điều trị người bệnh trong thời gian bị bệnh.

TS. BS Đỗ Anh Tú trả lời trực tuyến bạn đọc tại tòa soạn Báo Thanh Niên

Hoàng anh

Minh Hường, Thái Bình
Minh Hường, Thái Bình

Xin chào khách mời. BN ung thư dễ trở nặng khi mắc Covid. Bệnh viện thực hiện các biện pháp nào để kiểm soát nguy cơ lây nhiễm như thế nào và có lời khuyên cho bệnh nhân về phòng lây nhiễm Covid khi đi khám ung thư?

TS. BS. Đỗ Anh Tú - Phó Giám đốc Bệnh viện K
TS. BS. Đỗ Anh Tú - Phó Giám đốc Bệnh viện K

Khi bệnh nhân và người nhà đến BV khám, chúng tôi tổ chức sàng lọc về dịch tễ, làm các xét nghiệm để phát hiện SARS-CoV-2. Nếu bệnh nhân âm tính sẽ được tiến hành khám, chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư.

Đại diện Báo Thanh Niên tặng hoa cho khách mời, TS.BS. Đỗ Anh Tú tại buổi giao lưu

hoàng anh

Khi bệnh nhân nằm điều trị trong BV sẽ được xét nghiệm PCR mỗi tuần/lần để phát hiện Covid-19. Các bệnh nhân trước khi phẫu thuật cũng sẽ được xét nghiệm lại bằng test nhanh.

Các bệnh nhân nên tuân thủ các quy định 5K của Bộ Y tế về phòng chống dịch; và tăng cường dinh dưỡng phù hợp để nâng cao thể trạng giúp tăng cường phòng bệnh.

Bạn đọc tại Bắc Ninh
Bạn đọc tại Bắc Ninh

Trước khi được bện viện ở tỉnh chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn 3, tôi có bệnh tiểu đường. Trường hợp của tôi, khi điều trị ung thư phẫu thuật có nguy hiểm không?

TS. BS. Đỗ Anh Tú - Phó Giám đốc Bệnh viện K
TS. BS. Đỗ Anh Tú - Phó Giám đốc Bệnh viện K

Ung thư cổ tử cung giai đoạn 3 không có chỉ định phẫu thuật triệt căn, mà thường phối hợp phương pháp hóa chất kết hợp xạ trị. Có rất nhiều bệnh phối hợp với bệnh ung thư như: tiểu đường, tăng huyết áp, các bệnh tim mạch...

Bệnh nhân có thể đến BV chuyên khoa ung bướu để khám, điều trị ung thư cổ tử cung và phối hợp với các chuyên khoa khác để điều trị các bệnh kèm theo.

Nguyên Đức, Hải Phòng
Nguyên Đức, Hải Phòng

Xin cho biết, hiện tại bệnh viện K có dịch vụ chăm sóc toàn diện không? Nếu có , sẽ áp dụng với bệnh nhân nào và chi phí dịch vụ như thế nào?

TS. BS. Đỗ Anh Tú - Phó Giám đốc Bệnh viện K
TS. BS. Đỗ Anh Tú - Phó Giám đốc Bệnh viện K

Hiện nay, Bệnh viện K chưa có dịch vụ chăm sóc toàn diện, tuy nhiên trong từng giai đoạn, chúng tôi có tổ chức chăm sóc toàn diện về chuyên môn, dinh dưỡng... Đơn cử, trong giai đoạn sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được nhân viên y tế chăm sóc toàn diện. Giai đoạn sau hồi phục, BV và người nhà sẽ cùng phối hợp chăm sóc người bệnh.

Việc tổ chức chăm sóc toàn diện là mục tiêu mà bệnh viện hướng tới trong tương lai. Tuy nhiên, do nguồn nhân lực hiện nay của BV chưa đầy đủ cho nên chúng tôi chưa thể triển khai được.

Mạnh Hải, TP.HCM
Mạnh Hải, TP.HCM

Xin chào khách mời. Trong dịch Covid-19, an toàn người bệnh còn là vấn đề được chẩn đoán đúng về F0, liên quan trực tiếp đến việc được theo dõi sức khỏe, điều trị. Bộ Y tế có chỉ đạo như thế nào để việc chẩn đoán F0 được chính xác, khi gần đây, người dân qua tâm nhiều đến chất lượng kit test chẩn đoán Covid-19?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế

Vâng, vấn đề bạn đọc nêu rất đúng. Xét nghiệm có vai trò quan trọng trong chẩn đoán bệnh. Không phải tại thời điểm này, mà với ngành y tế, xét nghiệm luôn được chú trọng vì kết quả xét nghiệm liên quan đến chẩn đoán bệnh, là một trong những điều trị để bác sĩ có chỉ định điều trị. Do đó, nâng cao chất lượng xét nghiệm, bao gồm nhiều yếu tố về điều kiện về trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm, nhân lực vận hành, yêu cầu về sự tuân thủ quy trình kỹ thuật…

Riêng với xét nghiệm chẩn đoán Covid-19, Bộ Y tế đã có các văn bản hướng dẫn, điều động nhân lực hỗ trợ các tuyến dưới, đồng thời có văn bản chỉ đạo về các vấn đề chất lượng xét nghiệm.

Mới đây, lãnh đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã có công văn khẩn gửi Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học thuộc Trường ĐH Y Hà Nội; Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học thuộc Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Giám đốc Trung tâm kiểm chuẩn xét nghiệm TP.HCM về việc tăng cường giám sát, đảm bảo chất lượng xét nghiệm SARS-CoV-2.

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường trước sự xuất hiện biến thể Omicron và VN cũng ghi nhận ca đầu tiên. Biến thể này được đánh giá là có khả năng lây lan nhanh hơn chủng Delta, hơn nữa dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương; công tác xét nghiệm đã và đang được triển khai tích cực để kịp thời phát hiện, điều trị, ngăn ngừa, cách ly người bệnh góp phần khống chế dịch Covid-19.

Để tiếp tục tăng cường bảo đảm chất lượng xét nghiệm SARS-CoV-2, trong công văn, lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh đã đề nghị giám đốc trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm, trước mắt tập trung thực hiện tăng cường công tác bảo đảm chất lượng xét nghiệm, đánh giá chất lượng sinh phẩm xét nghiệm, trong đó tập trung vào xét nghiệm SARS-CoV-2.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao để hỗ trợ các đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng xét nghiệm, đặc biệt là xét nghiệm SARS-CoV-2.

Chủ động, tích cực theo dõi kiểm tra, giám sát, phân tích nguyên nhân, hạn chế, bài học kinh nghiệm; và đề xuất giải pháp kịp thời để duy trì, cải tiến liên tục nâng cao chất lượng xét nghiệm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Lê Linh, Thái Nguyên
Lê Linh, Thái Nguyên

Xin chào khách mời. An toàn người bệnh, trong đó kiểm soát các yếu tố gây tai biến y khoa, giảm thấp nhất các sự cố không mong muốn trong điều trị người bệnh tại các bệnh viện được Bộ Y tế chú trọng, triển khai các biện pháp cụ thể nào?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế

Cảm ơn câu hỏi của bạn đọc. Về vấn đề bạn nêu, chúng tôi xin chia sẻ, sự cố không mong muốn là tác hại liên quan đến quản lý y tế (khác với biến chứng do bệnh) bao gồm các lĩnh vực chẩn đoán, điều trị, chăm sóc, sử dụng trang thiết bị y tế để cung cấp dịch vụ y tế. Sự cố y khoa có thể phòng ngừa hoặc không thể phòng ngừa được.

Theo Bộ Sức khỏe và Dịch vụ con người của Mỹ, sự cố không mong muốn gây hại cho người bệnh do hậu quả của chăm sóc y tế hoặc trong y tế. Để đo lường sự cố y khoa, các nhà nghiên cứu y học của Mỹ dựa vào 3 nhóm tiêu chí là: các sự cố thuộc danh sách các sự cố nghiêm trọng; các tình trạng/vấn đề sức khỏe người bệnh mắc phải trong bệnh viện; và sự cố dẫn đến 1 trong 4 thiệt hại nghiêm trọng cho người bệnh, gồm: kéo dài ngày điều trị, để lại tổn thương vĩnh viễn, phải can thiệp cấp cứu và chết người.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính hàng năm có khoảng 230 triệu phẫu thuật. Các nghiên cứu ghi nhận tử vong trực tiếp liên quan tới phẫu thuật từ 0,4 - 0,8% và biến chứng do phẫu thuật từ 3-16%.

Sự cố y khoa cũng liên quan đến nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV). Theo số liệu do WHO công bố, khoảng từ 5 - 15% người bệnh nội trú và tỷ lệ NKBV tại các khoa điều trị tích cực từ 9-37%. Năm 2002, theo ước tính của CDC, tại Mỹ có 1,7 triệu người bệnh bị NKBV, trong đó 417,946 người bệnh nhiễm khuẩn bệnh viện tại các khoa hồi sức tích cực (24,6%).

Tại Việt Nam, hàng năm Bộ Y tế đều có chấm điểm, đánh giá bệnh viện với bộ tiêu chí toàn diện, trong đó có các tiêu chí về an toàn người bệnh.

Bộ Y tế cũng đã có các quy định, hướng dẫn và tập huấn về an toàn người bệnh, trong đó có các yêu cầu về đảm bảo an toàn sử dụng thuốc, an toàn trong phẫu thuật, chống nhiễm khuẩn bệnh viện. Các năm gần đây, chúng ta cũng đã hình thành hệ thống báo cáo về sự cố y khoa, qua đó, kịp thời khắc phục cũng như có các giải pháp để tránh lặp lại…

Về lâu dài, cùng với các giải pháp đã triển khai hiệu quả, các đơn vị y tế cần chú trong thực hiện, trong đó có triển khai bảo hiểm nghề nghiệp.

Việc triển khai bảo hiểm nghề nghiệp sẽ giúp bảo vệ người hành nghề, bảo vệ cơ sở y tế. Khi sự cố y khoa xảy ra, cơ quan bảo hiểm có trách nhiệm giải quyết bồi thường cho người bệnh, và sẽ có tác động làm tăng niềm tin của người bệnh và gia đình người bệnh về khả năng đền bù, từ đó sẽ giảm bớt căng thẳng cho thầy thuốc và cơ sở y tế.

Các bệnh viện cũng tiếp tục cải thiện môi trường làm việc và văn hóa an toàn người bệnh, đó là việc bảo đảm nhân lực đáp ứng yêu cầu bệnh viện hoạt động liên tục 24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần. Rà soát lại các thường quy làm việc (khám bệnh, kê đơn, phát thuốc, bàn giao ca kíp…) phát hiện các khoảng trống có nguy cơ tiềm tàng tới sự an toàn người bệnh để chủ động khắc phục, rà soát và cập nhật các hướng dẫn chuyên môn, khắc phục lỗi hệ thống và tăng cường giáo dục, kiểm tra sự tuân thủ của người hành nghề; tăng cường chuyên nghiệp và luôn đặt lợi ích của người bệnh lên trên các lợi ích của cá nhân trong khi hành nghề.

Tại mỗi bệnh viện, cơ sở điều trị cần tăng cường kiểm tra, giám sát sự tuân thủ của người hành nghề, giảm thiểu các sai sót sự cố y khoa liên quan tới việc xác định sai tên người bệnh; thông tin không đầy đủ giữa các cán bộ y tế; sai sót trong dùng thuốc; sai sót trong phẫu thuật, thủ thuật; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn; sử dụng trang thiết bị y tế…

Duy Tùng, Hà Nội
Duy Tùng, Hà Nội

Xin chào khách mời. Xin cho biết về chống nhiễm khuẩn bệnh viện, chống nhiễm chéo trong bệnh viện, đặc biệt ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19 được thực hiện như thế nào, vì tại TP.HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh thành đều đang gia tăng các ca F0 trong cộng đồng, rất dễ gây lây nhiễm vào bệnh viên khi họ đi khám bệnh khác hoặc đi cùng người nhà. Cảm ơn khách mời.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế

Cảm ơn câu hỏi của bạn đọc! Tại Việt Nam, các nghiên cứu của các bệnh viện trong nước về nhiễm khuẩn bệnh viện được báo cáo trong các hội nghị, hội thảo về kiểm soát nhiễm khuẩn cho thấy, nhiễm khuẩn bệnh viện chiếm từ 4,5% - 8% với người bệnh nội trú.

Các năm gần đây, chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện đã được triển khai và có chuyển biến tích cực. Một số nghiên cứu đánh giá cho thấy, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện từ 4,3 - 7,8% (trong các năm 2005 - 2008), và có xu ướng giảm dần. Trong đó, năm 2008, tỷ lệ này giảm còn 4,3%. Tuy nhiên, chống nhiễm khuẩn vẫn là một trong những vấn đề trọng tâm của ngành y tế để tiếp tục được kiểm soát tốt hơn nữa.

Trong bệnh viện, chống lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm luôn được chú trọng, chứ không chỉ khi có dịch Covid-19. Tuy nhiên, phòng lây nhiễm Covid-19 tại thời điểm hiện nay cần được đặc biệt chú trọng để tránh lây nhiễm thành các ổ dịch, khiến người bệnh nội trú có thể diến biến nặng hơn nếu không may lây nhiễm thêm Covid-19.

Ngoài việc áp dụng các quy định chung về chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện, riêng với vấn đề phòng chống lây nhiễm Covid-19 trong các cơ sở điều trị, Bộ Y tế đã có các văn bản chỉ đạo hướng dẫn về phòng chống dịch Covid-19 trong BV như: Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 28.3.2020 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở y tế.

Bộ Y tế cũng đã ban hành Bộ tiêu chí “Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” với 37 tiêu chí.

Bộ tiêu chí này đã cung cấp công cụ và đánh giá thực trạng công tác phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp của bệnh viện; định hướng cho bệnh viện xác định vấn đề ưu tiên để hoạt động khám chữa bệnh an toàn, phòng chống lây nhiễm cho người bệnh, nhân viên y tế; đồng thời, góp phần bảo vệ người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế phòng ngừa lây nhiễm dịch Covid-19, các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp từ cộng đồng và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Song song với đó là bảo đảm duy trì cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh trong và sau khi tiếp nhận người nghi nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp, hoặc dương tính với virus SARS-CoV-2...

Tuy nhiên, chống nhiễm khuẩn chéo trong bệnh viện, phòng ngừa lây nhiễm chéo trong bệnh viện còn cần có sự hợp tác từ người bệnh và người nhà người bệnh khi đến bệnh viện, trong việc cùng phối hợp thực hiện các vấn đề về thực hiện quy định về chống nhiễm khuẩn.

Phương Anh, Hà Nội
Phương Anh, Hà Nội

Xin chào khách mời. Khách mời đánh giá như thế nào về vai trò của người đứng đầu bệnh viện và những vẫn để cần ưu tiên để đảm bảo tốt nhất an toàn người bệnh tại đơn vị.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế

Vâng, cảm ơn câu hỏi của bạn đọc! Vận hành, tổ chức hoạt động bệnh viện trước tiên là trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, có vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, trong đó đảm bảo an toàn người bệnh là yêu cầu quan trọng, trước tiên.

Nhận thức và quan điểm của người quản lý về văn hóa an toàn người bệnh quyết định kết quả triển khai chương trình an toàn người bệnh.

Trước hết, người quản lý cần quan tâm khắc phục lỗi hệ thống. Theo các nhà nghiên cứu y khoa, 70% các sự cố y khoa không mong muốn có nguồn gốc từ các yếu tố của hệ thống và chỉ có 30% là do cá nhân người hành nghề. Trong thực tế, vấn đề sự cố y khoa hiện nay đã trở thành vấn đề y tế công cộng, không thể thành công nếu chỉ trông chờ vào sự khắc phục của các cá nhân người hành nghề mà toàn bộ hệ thống y tế, tất cả các nghề trong lĩnh vực y tế cần vào cuộc.

Kinh nghiệm chỉ ra rằng, khi có một lỗi hoạt động xảy ra thường liên quan tới 3-4 lỗi hệ thống.

Thực hiện những đổi mới về văn hóa kiểm tra đánh giá: cơ sở y tế chủ động áp dụng và tự nội kiểm theo các bộ Tiêu chuẩn chất lượng, loại bỏ lối tư duy đối phó, chạy theo thành tích. Khuyến khích việc ra đời và vận hành các cơ quan đánh giá ngoại kiểm độc lập theo quy định của luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Thực hiện mô hình chăm sóc y tế lấy người bệnh làm trung tâm (patient - Centered Care). Hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc cần được tổ chức theo hướng “Lấy người bệnh làm trung tâm”.

Đồng thời, tăng cường mối quan hệ đối tác giữa một bên là người bệnh/gia đình người bệnh và một bên là cán bộ y tế. Người bệnh và gia đình họ cần được khuyến khích tham gia vào quá trình chăm sóc điều trị, được thông tin đầy đủ, được tư vấn cụ thể để chấp nhận các phương pháp điều trị một cách chủ động...

Minh Tuyết, Hà Tĩnh
Minh Tuyết, Hà Tĩnh

Xin chào khách mời. Tôi có vấn đề băn khoăn mong được giải đáp. Gần đây các bệnh viện tuyến trung ương có tiếp nhận các bệnh nhân ở tỉnh lên phẫu thuât, và hầu hết là các kha khó, nặng. Nhưng, chỉ 1 tuần sau mổ, BV trung ương đã cho bệnh nhân ra viện, ngay cả khi bệnh nhân rất mong muốn được ở lại để được theo dõi, đánh giá diễn biến sau mổ. Như vậy có đúng không? Trân trọng cảm ơn khách mời.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế

Người bệnh sau phẫu thuật, tùy thuộc tình trạng bệnh lý, mức độ hồi phục, bác sĩ điều trị sẽ quyết định cho ra viện. Có những người bệnh chỉ 2 - 3 ngày sau phẫu thuật có thể đã được ra viện, nhưng có những người bệnh phải sau 1 tuần, 1 tháng hoặc thậm chí lâu hơn.

Như vậy, phải căn cứ vào chuyên môn, bác sĩ mới quyết định cho người bệnh ra viện, chỉ cho ra viện đối với những người bệnh đã ổn định sau phẫu thuật.

Theo PGS Lương Ngọc Khuê, căn cứ vào chuyên môn, bác sĩ mới quyết định cho người bệnh ra viện, chỉ cho ra viện đối với những người bệnh đã ổn định sau phẫu thuật

tno

Thực tế cũng có nhiều trường hợp người bệnh phẫu thuật ở tuyến T.Ư, sau giai đoạn nguy kịch có thể chuyển bệnh viện tuyến dưới tiếp tục theo dõi điều trị tiếp cho đến khi người bệnh ổn định mới ra viện, nhưng vẫn bảo đảm quá trình điều trị liên tục và hiệu quả cho người bệnh.

Trong bối cảnh bệnh dịch phức tạp như hiện nay, bệnh viện là nơi liên tục sàng lọc, phát hiện các ca bệnh Covid-19 từ nguồn cộng đồng. Mặc dù các bệnh viện đã rất cố gắng trong công tác phòng chống bệnh dịch song cũng rất khó để tránh khỏi các nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch tại bệnh viện.

Để bảo đảm an toàn cho người bệnh nội trú đặc biệt là người bệnh sau phẫu thuật lớn, các bác sĩ điều trị tại các bệnh viện T.Ư có nguy cơ cao có thể xem xét cho người bệnh sau phẫu thuật ra viện sớm hơn, nếu người bệnh đó có tình trạng bệnh tạm ổn định, có thể tự chăm sóc tại nhà hoặc chuyển sớm về bệnh viện tuyến dưới tại các địa phương có bệnh dịch đỡ phức tạp hơn, nhưng vẫn bảo đảm an toàn về chuyên môn (có thể hẹn tái khám, tư vấn KCB từ xa…).

Dương Thúy, Hà Nội
Dương Thúy, Hà Nội

Gần đây các bệnh viện ở trung ương không cho hoặc rất hạn chế người nhà vào trông bệnh nhân nặng nằm viện. Trong khi đó, tại bệnh viện, nhiều bác sĩ, y tã tăng cường về các địa phương chống dịch; như vậy, có đảm bảo được điều trị chăm sóc các bệnh nhân nội trú không?. Xin cho biết, các bệnh viện có được cung cấp dịch vụ theo yêu cầu trong việc chăm sóc bệnh nhân, do người nhà chi trả không? Vì nếu có, thì bệnh viện có thể có kinh phí huy động thêm nhân viên y tế tham gia, thay thế các nhân viên đi chống dịch.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế

Nghề y là nghề rất vất vả trong công việc thường nhật và đặc biệt trong bối cảnh bệnh dịch bùng phát phức tạp.

Trong thời gian qua, đại dịch kéo dài, diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành y tế, đến bác sĩ, điều dưỡng và các nhân viên y tế khác trong bệnh viện. Bệnh viện phải thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phải bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh thường quy vừa phải bảo đảm công tác phòng chống dịch như sàng lọc, quản lý người bệnh, người nhà người bệnh, lấy bệnh phẩm xét nghiệm định kỳ, ngẫu nhiên, tiêm vắc xin….

Nhân viên y tế tham gia tuyến đầu hỗ trợ các địa phương trực tiếp chống dịch hằng ngày, hằng giờ rất vất vả, căng thẳng, nhân viên y tế không tham gia trực tiếp chống dịch cũng vất vả không kém. Họ phải trực dày hơn, phải làm thay nhiệm vụ của những người trực tiếp làm nhiệm vụ tăng cường chống dịch cho các địa phương, bên cạnh đó họ cũng phải tham gia các nhiệm vụ chống dịch tại đơn vị.

Các nhân viên y tế đang được huy động tối đa tham gia chống dịch và khám chữa bệnh nội trú thông thường

duy tính

Cho đến thời điểm này, ngành y tế vẫn đang cố gắng bảo đảm được chất lượng chăm sóc, điều trị người bệnh nội trú do:

- Số lượng người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh tại các bệnh viện giảm nhiều so với trước đây. Có những bệnh viện giảm chỉ còn 2/3 thậm chí giảm một nửa.

- Điều chỉnh tổ chức chăm sóc người bệnh toàn diện đối với người bệnh nội trú nặng, nguy kịch: trước đây đối tượng người bệnh này được điều dưỡng chăm sóc toàn diện nhưng hiện tại có những bệnh viện vẫn cho phép 1 người nhà ở lại để phối hợp cùng chăm sóc người bệnh với nhân viên y tế, nếu người nhà người bệnh có nguyện vọng. Đối tượng người nhà này được sàng lọc yếu tố nguy cơ và không tham gia các kỹ thuật chuyên môn mà chỉ tham gia chăm sóc cơ bản dới sự giám sát của nhân viên y tế.

- Các nhân viên y tế được huy động tối đa tham gia chống dịch và khám chữa bệnh nội trú thông thường. Nhiều nhân viên y tế không còn ngày nghỉ bù, nghỉ phép, phải gồng mình để bảo đảm có đủ nhân viên y tế điều trị, chăm sóc người bệnh nội trú an toàn, chất lượng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Hiện tại chưa có cơ chế cung cấp dịch vụ chăm sóc theo yêu cầu do người bệnh trả tiền. Nếu bệnh dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài, rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ các cấp, các ngành và toàn thể người dân chung tay cùng ngành y tế trong công tác phòng chống bệnh dịch và khám chữa bệnh nội trú.

Bích Diệp, Hải Dương
Bích Diệp, Hải Dương

Các bệnh nhân nội trú nhiều người chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin, khi vào viện vẫn có nguy cơ nhiễm Covid-19. Xin đại diện của Bộ Y tế cho biết, các công việc thiết yếu cần triển khai để đảm bảo an toàn người bệnh trong dịch Covid-19 này?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế

Về câu hỏi của bạn đọc, chúng tôi xin khẳng định, vấn đề giảm nguy cơ mắc, tăng nặng để kiểm soát nguy cơ tử vong do mắc Covid-19 với người bệnh trong bệnh viện đã được Bộ Y tế và các đơn vị y tế chú trọng.

Ngoài việc tăng cường chống nhiễm khuẩn, phân luồng các ca nghi nhiễm,... mới đây nhất, Bộ Y tế đã có Công văn 10692/BYT-KCB V/v giảm nguy cơ tử vong người bệnh Covid-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế

liên châu

Về dịch Covid-19, đến nay nhiều nước ghi nhận biến chủng mới đáng quan ngại của vi rút SARS-CoV-2, là Omicron (B.1.1.529), được phát hiện đầu tiên tại Nam Phi. Hiện, Việt Nam đã ghi nhận ca đầu tiên do biến chủng Omicron. Ca bệnh được cách ly y tế ngay khi nhập cảnh. Theo báo cáo của Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, đây là ca bệnh không triệu chứng, nguy cơ thấp.

Tuy nhiên, tới đây có thể chúng ta sẽ tiếp tục ghi nhận các ca bệnh có biến chủng này. Các chuyên gia khuyến cáo cùng với các biến chủng đang lưu hành, sẽ gia tăng nguy cơ mắc Covid-19 ở người thuộc nhóm nguy cơ như: nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh nền, chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng đầy đủ.

Vì vậy, việc quản lý, bảo vệ và phát hiện sớm người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19 để kịp thời theo dõi sức khỏe, điều trị sớm nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong là rất cấp thiết; và để tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 vừa an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch vừa phục hồi phát triển kinh tế.

Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia, đã đề nghị giám đốc các đơn vị khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ việc “Phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị” theo Quyết định số 5525/QĐ- BYT ngày 1.12.2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Các cơ sở thu dung, điều trị cần phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện, đồng thời đánh giá mức độ lâm sàng, tiến triển của bệnh nhân để phân luồng vào các khoa, buồng bệnh phù hợp, thuận tiện cho theo dõi, chăm sóc và điều trị.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi tiếp nhận người bệnh, sàng lọc kỹ các đối tượng chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19, kể cả các đối tượng mới tiêm 1 mũi vắc xin; phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật địa phương bố trí tiêm vắc xin cho các đối tượng nguy cơ khi đến khám bệnh, chữa bệnh (lưu ý với tất các trường hợp người bệnh phải nhập viện).

Đặc biệt, các bệnh viện, đơn vị y tế cần rà soát các đối tượng nguy cơ cao là những người trên 50 tuổi, người mắc các bệnh nền, suy giảm miễn dịch,… để quan tâm chăm sóc, dinh dưỡng, điều trị phù hợp và tổ chức tiêm chủng vắc xin đầy đủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.