>> Lo ngay ngáy khi tiêm lại vắc xin Quinvaxem
>> Tiêm bổ sung vắc xin Quinvaxem cho trẻ
>> TP.HCM tiêm lại vắc-xin Quinvaxem từ 11.11
>> Điều tra vụ một cháu bé tử vong sau khi tiêm vắc xin
|
Hôm nay (11.11), TP.HCM đã bắt đầu thực hiện tiêm ngừa trở lại vắc xin "5 trong 1" Quinvaxem cho trẻ em sau 5 tháng tạm ngưng trên cả nước vì nhiều tai biến sau tiêm vắc xin này trên cả nước.
Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên Online, chỉ mới một số trạm y tế phường triển khai tiêm vắc xin Quinvaxem theo lịch tiêm trong ngày hôm nay. Hầu như các trung tâm y tế quận, huyện, điểm tiêm ngừa đều rất cẩn trọng trong việc chủng ngừa trở lại vắc xin này.
Quận Gò Vấp và quận Bình Thạnh là hai nơi có nhiều phường có lịch tiêm chủng ngay trong ngày đầu này. Trong đó, quận Gò Vấp có 4 trạm y tế triển khai tiêm ngừa.
“Cũng hơi lo lo sau mấy trường hợp tai biến sau tiêm được đưa trên báo chí thời gian vừa qua. Nhưng mình nghĩ Nhà nước cho tiêm lại chắc đã có kiểm tra”, chị Thu Thủy (đưa con đi tiêm tại trạm y tế phường 11, quận Gò Vấp) cho biết.
Trong khi đó, bế con ngồi chở theo dõi sau tiêm tại trạm y tế phường 10, quận Bình Thạnh, chị Ngọc Nhung chia sẻ: “Cũng phân vân khi bế con đi tiêm. Nhưng không thể không tiêm ngừa phòng các bệnh nguy hiểm được. Đây là mũi tiêm đầu của bé vì thời gian qua vắc xin bị ngưng nên nói chung là mình đang theo dõi theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ”.
|
Do số trẻ dồn lại nhiều vì 5 tháng gián đoạn việc tiêm chủng nên tất cả các trạm y tế phường đều đã tăng số buổi tiêm. Thay vì chỉ thực hiện tiêm ngừa một ngày mỗi tháng theo lịch thông thường, nay các trạm y tế đều thông báo tiêm trên 2 buổi. Những phường đông trẻ đã có lịch tiêm đến 4 buổi/tháng, thậm chí 15 buổi/tháng.
Đây cũng là biện pháp nhằm tránh quá tải cũng như để giãn số lượng trẻ tiêm mỗi buổi, có thời gian cho bác sĩ khám và dễ theo dõi, xử lý hơn.
Mặt khác, các điểm chủng ngừa cũng chỉ tiêm cho 50 lượt trẻ mỗi buổi và thực hiện đúng quy trình tiêm an toàn theo quy định.
Trẻ đã được khám sàng lọc trước tiêm. Đồng thời phụ huynh được bác sĩ tư vấn các phản ứng có thể xảy ra sau tiêm. Những phản ứng nhẹ sau tiêm là tất yếu, phụ huynh không phải quá hoang mang lo lắng.
Sau khi được tiêm ngừa, phụ huynh buộc phải cùng trẻ ngồi lại trạm y tế 30 phút để theo dõi.
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM chiều nay (11.11), chưa có báo cáo nào về các trường hợp phản ứng nặng, tai biến xảy ra sau tiêm trong ngày hôm nay.
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, cho biết Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đang giám sát chặt chẽ độ an toàn và quy trình tiêm chủng tại các trạm y tế, điểm chủng ngừa trên toàn TP.HCM cũng như theo dõi sát sao việc có xảy ra các phản ứng, tai biến sau tiêm.
Trước đó, Sở Y tế TP.HCM cũng đã kiểm tra và chấn chỉnh hoạt động tiêm chủng tại tất cả các trạm y tế phường, xã - nơi thực hiện việc tiêm chủng vắc xin "5 trong 1" Quinvaxem cho trẻ - nhằm đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Ước tính, TP.HCM có khoảng 72.000 trẻ phải tiêm Quinvaxem theo lịch tiêm và tiêm bù mỗi tháng.
|
Các phản ứng phụ nào có thể xảy ra sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem? Trước đợt tiêm chủng trở lại, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, cho biết phản ứng phụ khi tiêm ngừa tất nhiên phải có, với biểu hiện tùy cơ địa của trẻ. Tuy nhiên, những phản ứng nguy hiểm rất hiếm khi xảy ra. “Các phải ứng nặng, trầm trọng thường xảy ra trong vòng 30 phút sau tiêm. Vì vậy, phụ huynh cần chủ động cùng trẻ ở lại cơ sở y tế 30 phút để theo dõi và được can thiệp y tế ngay khi có các phản ứng này”, bác sĩ Thọ nhắc nhở phụ huynh. Cụ thể các biểu hiện là: nổi ban, mề đay; sưng mội, phù mắt; khó thở, thở khò khè; mất tri giác. Ngoài ra, khi về nhà, phụ huynh cũng cần theo dõi phản ứng của trẻ ít nhất 24 giờ. Các phản ứng phổ biến có thể gặp ở dạng nhẹ là: đau nơi tiêm, sốt, cáu kỉnh, biếng ăn, nổi ban, đau nhức, nhức đầu. “Các phản ứng này kéo dài trong vòng 48 giờ và tự khỏi mà không cần can thiệp y tế”, bác sĩ Thọ nói. Các phản ứng nặng thường là: sốt cao trên 39oC, co giật, khóc thét kéo dài, tím da, khó thở hoặc các biểu hiện bất thường. Bác sĩ Thọ khuyến cáo, khi gặp các biểu hiện này, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện sớm. |
Bài, ảnh: Nguyên Mi
Bình luận (0)