An toàn thực phẩm trong trường học

04/09/2019 09:25 GMT+7

Nguyên liệu chưa kiểm soát được đầy đủ, điều kiện cơ sở chế biến hạn chế và thức ăn đường phố “vây” trường học là những nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm (ATTP) với học sinh.

Nhận diện các nguy cơ

Năm học 2018-2019, toàn tỉnh Nam Định có 133.750 học sinh ăn tại 555 bếp ăn bán trú ở 356 trường học gồm 463 trường mầm non, 80 trường tiểu học, 10 trường trung học cơ sở và 2 trường trung học phổ thông. Việc tổ chức các bếp ăn tập thể tại trường nếu thực hiện không tốt dễ dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm (TP) và bệnh truyền qua TP, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe của học sinh.
Theo đánh giá của Chi Cục ATTP tỉnh Nam Định, nguy cơ ngộ độc TP và bệnh truyền qua TP không chỉ từ bếp ăn của trường mà còn từ thức ăn đường phố được bày bán xung quanh cổng trường, các bữa liên hoan đông người, hoặc TP bổ sung dinh dưỡng. Ðể tăng cường công tác đảm bảo ATTP, Ban Chỉ đạo Liên ngành vệ sinh ATTP của tỉnh đã chú trọng tập huấn kiến thức, tổ chức kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo ATTP tại các trường học.
Qua kiểm tra cho thấy, phần lớn các trường đã thực hiện các quy định như: có giấy chứng nhận/bản cam kết cơ sở đủ điều kiện ATTP; giấy xác nhận kiến thức ATTP, giấy khám sức khỏe định kỳ đối với nhân viên bếp và nhân viên dinh dưỡng. Các điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị - dụng cụ, TP và thực hành vệ sinh tương đối tốt.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, bếp ăn trường học còn một số hạn chế như: kiểm soát nguyên liệu lương thực, TP đầu vào chủ yếu dựa vào các giấy tờ, xác nhận do các đơn vị cung cấp TP chủ động xuất trình mà chưa kiểm tra, kiểm soát từ gốc nên khó kiểm soát được chất lượng và ATTP, khó khăn truy xuất nguồn gốc; kỹ năng thực hành vệ sinh ATTP hạn chế do còn làm theo thói quen; lưu mẫu thức ăn và ghi chép kiểm thực còn mang tính đối phó, hình thức.
Đáng lưu ý, một số trường học chưa đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất như: diện tích bếp chật hẹp, xuống cấp, bếp ăn chưa được thiết kế một chiều, chưa có khu vực vệ sinh và thay đồ riêng cho nhân viên, phòng kho còn để lẫn lộn giữa TP và dụng cụ.

Chặn TP không rõ nguồn gốc

Theo Chi cục ATVSTP tỉnh Nam Định, những năm vừa qua, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra một số vụ ngộ độc TP ở học sinh các cấp từ mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở do thức ăn ở trường, do TP ở các bữa cỗ đông người như: liên hoan lớp, bữa cỗ ở địa phương, dù số mắc không đông.
Tại hội thảo về đảm bảo ATTP trong trường học tổ chức tại Nam Định hồi cuối tháng 8 vừa qua, các đại biểu đã đề xuất giải pháp đảm bảo ATTP trong trường học. Theo đó, chính quyền các cấp cần nâng cao trách nhiệm, tăng cường kiểm tra và kiên quyết không để bán thức ăn đường phố và TP không rõ nguồn gốc tại cổng và xung quanh trường học. Đồng thời các trường cần tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh không sử dụng những thức ăn này.
Tại các trường học có bếp ăn tập thể cần làm tốt một số hoạt động đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, phổ biến kiến thức ATTP cho cán bộ quản lý và đội ngũ nhân viên nhà bếp; bếp ăn trường học phải thực hiện nghiêm túc các quy định về ATTP; ban giám sát ATTP có đại diện của phụ huynh học sinh, chủ động kiểm tra và giám sát bếp của trường. Cần công khai, minh bạch nguồn TP cung cấp cho bếp và kiểm soát TP ở tất cả các khâu; các ngành chức năng tăng cường kiểm tra thường xuyên, đột xuất tại các bếp ăn trường học. Các nhà cung ứng TP phải đủ năng lực, chỉ cung cấp TP an toàn, minh bạch.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.