Ngành nông nghiệp VN không chỉ thất bại trên sân bạn mà sẽ thua ngay trên sân nhà nếu tình trạng sử dụng hóa chất tràn lan gây mất an toàn cho người tiêu dùng như hiện nay.
Các siêu thị, cửa hàng kinh doanh phải kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm khi đưa vào cửa hàng, để đưa thực phẩm sạch đến người tiêu dung - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Tình trạng không an toàn thực phẩm đã đến lúc báo động, không chỉ ảnh hưởng đến phát triển ngành nông nghiệp mà còn đe dọa đến sức khỏe của cộng đồng và như vậy ảnh hưởng đến nguồn nhân lực trong tương lai của đất nước. Để giải quyết tình trạng này, cần phải tìm ra nguyên nhân cơ bản và từ đó có giải pháp phù hợp.
Con người sống cần phải ăn, nhưng ăn cái gì cho an toàn, người nội trợ ngày nay quá khó khăn khi đi chợ mua thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày của gia đình mình. Trước đây, họ lo lắng về rau và trái cây với dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng và thuốc bảo quản; gần đây lại lo lắng về thịt có dư lượng chất cấm trong chăn nuôi như chất tạo nạc (salbutamol) hay chất bảo quản (hàn the). Điều đáng lo là việc ăn rau, trái cây và thịt với dư lượng của những chất trên không thấy tác hại ngay mà nguy hiểm về lâu dài, mỗi ngày tích lũy vào cơ thể một ít, đến mức độ nhất định sẽ gây hậu quả khôn lường.
4 giải pháp
Nguyên nhân cơ bản là thông tin bất cân xứng giữa người mua và người bán. Bằng mắt thường khi ra chợ mua, người tiêu dùng không phân biệt được rau, trái cây và thịt an toàn hay không an toàn, trong khi đó người bán biết được sản phẩm mình bán như thế nào, có an toàn hay không. Nhưng vì chạy theo lợi nhuận, người sản xuất sẵn sàng sử dụng những chất cấm để đạt được năng suất cao, giá thành thấp. Vấn đề “lựa chọn ngược” xảy ra, lúc đầu có những người sản xuất nghiêm túc, vì sức khỏe của người tiêu dùng, không sử dụng chất cấm, nhưng năng suất thấp, giá thành cao, nên phải bán giá cao, do đó không bán được vì người tiêu dùng không phân biệt được sản phẩm nào an toàn. Cuối cùng mọi người chạy theo sản xuất không an toàn và trên thị trường sản phẩm không an toàn luôn tồn tại.
Để giải quyết vấn đề trên cần có bốn giải pháp. Thứ nhất, nhà khoa học nghiên cứu hỗ trợ cho người tiêu dùng nhận dạng sản phẩm không an toàn một cách dễ dàng nhất, khi đó người tiêu dùng sẽ tẩy chay sản phẩm không an toàn, người sản xuất không tiêu thụ được sẽ phải từ bỏ việc sản xuất những sản phẩm không an toàn. Thứ hai, đưa những sản phẩm an toàn có chứng nhận đảm bảo của cơ quan nhà nước ra thị trường để cạnh tranh và thay thế dần sản phẩm không an toàn, bằng cách khuyến khích các công ty, trang trại sản xuất quy mô lớn, sản phẩm an toàn có chứng nhận, đảm bảo độ tin cậy cho người mua. Thứ ba, người sản xuất và kinh doanh tự kiểm soát lẫn nhau, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh phải kiểm soát chất lượng sản phẩm khi đưa vào cửa hàng, chịu trách nhiệm với khách hàng về sản phẩm của mình. Cuối cùng, các cơ quan chức năng tăng cường giám sát toàn bộ chuỗi cung ứng, từ người bán hóa chất đến người sử dụng, áp dụng các quy định của pháp luật hiện hành về kinh doanh và sử dụng chất cấm.
Nếu an toàn thực phẩm không được giải quyết, người tiêu dùng sẽ giảm tiêu dùng, đến lúc nào đó họ sẽ tìm sản phẩm thay thế, đồng thời nông sản an toàn nhập khẩu sẽ tràn về, lúc đó ngành nông nghiệp VN sẽ thất bại ngay trên sân nhà. Hơn nữa, với tình trạng thiếu an toàn như hiện nay, nông sản VN sẽ bị những hàng rào kỹ thuật khi xuất khẩu sang các nước, dẫn đến sẽ thất bại trên sân bạn. Vì vậy, hơn lúc nào hết, ngay bây giờ cần giải quyết ngay vấn đề an toàn thực phẩm để cứu lấy nền nông nghiệp và người dân VN.
Lập đường dây nóng tố giác chất cấm trong chăn nuôi
Đó là khẳng định của ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tại hội nghị giao ban toàn quốc về công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, diễn ra ở Hà Nội ngày 5.11. Ông Phát cho biết chất tạo nạc sử dụng trong chăn nuôi được phát hiện đã 10 năm nay và đang có xu hướng xuất hiện trở lại với diễn biến ngày càng nghiêm trọng và phức tạp. Cụ thể, trong 1.000 mẫu xét nghiệm nước tiểu vật nuôi để kiểm tra chất cấm của Bộ NN-PTNT thì có khoảng 20% cho kết quả dương tính. Trong 58 mẫu thức ăn chăn nuôi được xét nghiệm, tỷ lệ dương tính với chất cấm cũng chiếm tới 16%. Ông Phát cho rằng, để xử lý tận gốc thì không chỉ dừng lại ở xử phạt người chăn nuôi mà phải truy tìm bằng được các đầu nậu đang kinh doanh, buôn bán chất cấm trái phép. Trong tuần tới, Bộ NN-PTNT sẽ công bố số điện thoại đường dây nóng; đồng thời sẽ trao thưởng cho người dân nếu cung cấp thông tin tố giác đơn vị, cá nhân sử dụng và buôn bán các loại chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. “Dự thảo quy định mức thưởng cho người cung cấp thông tin tố giác đang ở mức từ 1 - 5 triệu đồng nhưng Bộ NN-PTNT sẵn sàng trả cao hơn đối với những thông tin đắt giá”, ông Phát nói.
Hoàng Phan
|
Bình luận (0)