Theo báo cáo của Bộ TN-MT, Bộ đã trình Thủ tướng ban hành 10/11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông và đưa vào vận hành ngay trong mùa lũ năm 2014. Phó giám đốc Công ty CP thủy điện A Vương Lê Đình Bản cho hay quy trình vận hành liên hồ mới thay thế quy trình cũ có nhiều điểm mới đáng ghi nhận, trong đó, khẳng định trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi có các hồ chứa thủy điện.
Cụ thể, ông Bản cho biết nhờ quy trình vận hành liên hồ đã tăng dung tích phòng lũ đáng kể của các hồ (riêng với hồ thủy điện A Vương dành ra 32% dung tích hữu ích để phòng lũ, trong khi theo quy trình cũ là 13%). Bên cạnh đó, vai trò của địa phương cũng tăng lên, khi giao quyền chỉ đạo vận hành hồ chứa thủy điện trong thời gian mưa lũ thuộc thẩm quyền của trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh.
Ngoài ra, quy trình mới cũng quy định rõ việc thông tin phòng chống lụt bão đi theo cấp chính quyền, từ tỉnh xuống huyện, xuống xã và từ xã xuống đến tận người dân. Nhờ vậy, việc vận hành liên hồ chứa đã có một ràng buộc, căn cứ pháp lý để thông tin chính thống chính quyền ngành dọc, từ tỉnh xuống huyện xã và xuống người dân...
Tuy nhiên, đây cũng là điểm lo ngại của chính quyền sở tại. Theo ông Phan Đức Tính, Phó chủ tịch UBND H.Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) kiêm Trưởng ban phòng chống lụt bão huyện này, những năm gần đây biến đổi khí hậu khiến thời tiết diễn biến bất thường, công tác dự báo còn chưa có độ chính xác cao, trong khi dung tích phòng lũ từ các hồ thủy điện theo quy trình vận hành liên hồ mới lớn, nếu không được nghiên cứu tính toán cẩn thận, nguy cơ thiếu nước cho mùa kiệt là rất lớn.
Một thực tế là hiện nay mới chỉ có 3 lưu vực sông là sông Ba, sông Sê San và sông Srêpôk có quy trình vận hành liên hồ chứa cho cả mùa lũ và mùa kiệt. Còn lại 8 lưu vực sông chưa có quy trình vận hành cho mùa kiệt. Ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) đơn vị xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện trên các dòng sông cũng thừa nhận, điều này sẽ rất khó khăn cho công tác vận hành của các chủ hồ cũng như chính quyền địa phương khi đồng thời phải đảm bảo cả hai mục tiêu: giảm lũ về mùa mưa, cấp nước về mùa kiệt.
“Mùa lũ thường chỉ có 3 - 4 tháng trong khi mùa cạn tới 8 - 9 tháng. Nếu chúng ta vận hành điều tiết không cẩn thận trong khi dung tích phòng lũ lớn, quy chế vận hành phối hợp không tốt sẽ ảnh hưởng lớn đến đảm bảo nước vào mùa cạn cho hạ du”, ông Vĩnh nói.
Đại diện Bộ TN-MT cũng cho rằng, trách nhiệm dự báo nước về hồ thuộc về các chủ hồ. Vì vậy, bên cạnh công tác dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư thì các chủ hồ phải quan tâm đầu tư hệ thống quan trắc.
Theo các chuyên gia, vấn đề đặt ra là cần sớm ban hành quy trình vận hành liên hồ cho mùa kiệt để đảm bảo không chỉ cắt giảm lũ mà còn đảm bảo được cả lượng nước tưới cho sản xuất và đời sống của nhân dân trong 8 tháng mùa kiệt ở khu vực miền trung, Tây nguyên và khu vực Nam bộ. Các chuyên gia cũng cho rằng để đảm bảo an toàn vận hành liên hồ mùa mưa lũ, cần sự kết nối chặt chẽ hơn giữa địa phương cũng như các nhà máy thủy điện, đặc biệt là vai trò các nhà máy thủy điện như “nhạc trưởng” tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác điều hành.
Nguồn: EVN
Bình luận (0)