Án tử hình cho tài xế taxi giết người sau va quẹt giao thông

21/12/2024 12:02 GMT+7

Một tài xế taxi vừa bị tuyên án tử hình vì giết người do không được giảm tiền bồi thường sau va quẹt. Nhiều vụ việc dùng 'nắm đấm' để giải quyết mâu thuẫn giao thông cũng liên tiếp xảy ra thời gian qua.

TAND TP.Hà Nội vừa mở phiên tòa xét xử, tuyên phạt bị cáo Bùi Bá Hiếu (24 tuổi, trú tại H.Đông Anh, Hà Nội) mức án tử hình về tội giết người.

Hiếu vốn là nhân viên lái xe cho Công ty TNHH vận tải công nghệ Mai Linh Thủ Đô (gọi tắt là Công ty Mai Linh), được giao ô tô để chở khách.

Án tử hình cho tài xế taxi giết người sau va quẹt giao thông- Ảnh 1.

Bị cáo Bùi Bá Hiếu tại tòa

PHÚC BÌNH

Thói bạo lực sau va chạm giao thông

Đầu tháng 6, Hiếu điều khiển ô tô đi đón khách, do vừa lái xe vừa xem bản đồ nên đâm vào ô tô của ông T. đang đậu trên phố Nguyễn Văn Lộc. Không thấy chủ xe ở hiện trường, Hiếu lái ô tô rời đi. 

Ngày hôm sau, vợ ông T. phát hiện xe của gia đình bị xây xước, qua tìm hiểu thì biết do chiếc taxi gây ra, nên gọi điện Công ty Mai Linh và được cung cấp số điện thoại của Hiếu. Vợ ông T. yêu cầu Hiếu đến nhà giải quyết, hai bên thống nhất mang xe đi sửa, toàn bộ chi phí sẽ do Hiếu chịu.

Đơn vị sửa chữa báo giá 29 triệu đồng. Hiếu xin giảm nhưng vợ chồng ông T. không đồng ý. Tiếp đó, Hiếu nhận được tin nhắn trong nhóm Zalo của công ty yêu cầu phải thu xếp tiền sửa xe cho ông T., đồng thời bị đẩy ra khỏi nhóm chat. 

Hiếu cho rằng mình bị mất việc vì ông T., nên dự tính đến gặp xin giảm tiền bồi thường lần cuối, nếu không được sẽ dùng dao trả thù.

Nghĩ là làm, Hiếu mang dao đến nhà ông T., ông này nói chỉ cần bồi thường chi phí sửa xe thì sẽ không đưa vụ việc ra công an. Hiếu liền rút dao đâm ông T. nhiều nhát, khiến nạn nhân tử vong dù đã được đưa đi cấp cứu.

Ngoài vụ án trên, thời gian qua liên tiếp xảy ra tình trạng dùng bạo lực để giải quyết sau va chạm giao thông. Điển hình các vụ việc tại TP.HCM, Bình Phước..., khi tài xế ngang nhiên hành hung người đi đường chỉ vì chút không vừa ý khi tham gia giao thông. 

Nhóm này đều đã bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích hoặc gây rối trật tự công cộng.

Án tử hình cho tài xế taxi giết người sau va quẹt giao thông- Ảnh 2.

Tài xế xe bán tải tại Bình Phước bị khởi tố, bắt tạm giam do hành vi dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn giao thông

ẢNH: T.N

Vì đâu nên nỗi?

Tiến sĩ - thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, nhận định những vụ việc dùng "nắm đấm" để giải quyết khi xảy ra va chạm giao thông cho thấy sự manh động, côn đồ của người vi phạm.

Nguyên nhân của việc này thì có nhiều, trong đó xuất phát từ tính khí nóng nảy, dễ bị kích động và phản ứng bạo lực. Một số người không hiểu rõ, coi thường pháp luật hoặc muốn chứng tỏ "không dễ bị bắt nạt", tin rằng sử dụng vũ lực sẽ giúp mình "giành phần thắng" trong xung đột.

Cũng có trường hợp theo xu hướng đổ lỗi cho đối phương, cho rằng mình là nạn nhân để "hợp thức hóa" hành vi bạo lực. Và điều đáng ngại nhất, đó là những trường hợp không sợ hậu quả pháp lý, họ sử dụng hành vi côn đồ vì không nghĩ đến hậu quả, tin là sẽ không bị trừng phạt nghiêm khắc.

Để tránh sự việc đáng tiếc, mọi người nên giữ bình tĩnh, tránh to tiếng, có lời nói khiêu khích hoặc thái độ thách thức đối phương. Điều này chỉ làm tình hình xấu đi và dễ kích động bạo lực.

Trường hợp căng thẳng, người dân hãy gọi điện báo công an hoặc lực lượng chức năng khác để can thiệp và giải quyết. Người liên quan có thể sử dụng điện thoại hoặc camera hành trình để ghi lại diễn biến sự việc. Những bằng chứng này sẽ bảo vệ họ trước pháp luật.

Luật sư Nguyễn Thị Thúy, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, bày tỏ sự lên án đối với thói bạo lực khi giải quyết mâu thuẫn giao thông. Đặc biệt như vụ án mà TAND TP.Hà Nội vừa xét xử, hành vi này thể hiện sự coi thường tính mạng của người khác.

Xét về góc độ pháp lý, việc sử dụng vũ lực sẽ đối diện với các chế tài nghiêm khắc, có thể là tội gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, thậm chí là tội giết người.

Nữ luật sư khuyến nghị mỗi người dân khi tham gia giao thông cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, luôn giữ "cái đầu lạnh"; tránh trường hợp xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác, còn bản thân thì vướng vào lao lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.