Các đề tài về y tế thông minh lên ngôi
Các bài thi tham gia InnoWorks 2024 ứng dụng công nghệ AIoT (Trí tuệ nhân tạo và vạn vật kết nối) để phát triển các phần mềm và sản phẩm công nghệ phục vụ đời sống.
Trong số 6 đội vào chung kết năm nay, có tới 3 đội dự thi lựa chọn lĩnh vực Y tế và Chăm sóc sức khỏe thông minh. Nhóm Breath Guardians phát triển một hệ thống AIoT để theo dõi chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA), một tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến 1 tỉ người trên toàn cầu. Sử dụng các cảm biến để theo dõi nhịp thở, SpO2 và nhịp tim, kết quả được truyền đến ứng dụng di động/bảng điều khiển, cho phép theo dõi liên tục trong thời gian dài để chẩn đoán và dự đoán chính xác.
Đề tài "Thiết bị không dây life-sign theo dõi nhịp tim và hơi thở" của nhóm Vitaltrack Solutions thì cung cấp khả năng theo dõi sức khỏe liên tục, không tiếp xúc bằng công nghệ FMCW mmRadar 60GHz. Bằng cách phản xạ sóng từ một người, hệ thống trích xuất dữ liệu nhịp tim, nhịp thở và vị trí mà không gây khó chịu. Dữ liệu tổng hợp được cung cấp hàng tuần và hàng tháng, cho phép hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để phát hiện các rủi ro tiềm ẩn.
Cùng về mảng theo dõi và cảnh báo sức khỏe, nhóm CHCT chọn hướng đến đối tượng trẻ em. Dự án này phát triển một hệ thống cảnh báo an toàn cho trẻ em giá cả phải chăng sử dụng cảm biến nhiệt độ, gia tốc kế và SpO2 để theo dõi nhiệt độ cơ thể, chuyển động và mức oxy. Khi đạt đến ngưỡng nguy hiểm, cảnh báo sẽ được gửi qua 4G đến cha mẹ hoặc người giám hộ để phản hồi nhanh chóng.
Thú vị và thực tiễn
Chọn tiếp cận đề tài về môi trường và năng lượng xanh, "Hệ thống phao AIoT theo dõi và dự đoán chất lượng nước" đến từ nhóm VGU Rangers sử dụng các cảm biến chạy bằng năng lượng mặt trời thu thập dữ liệu thời gian thực về độ mặn, độ pH và nhiệt độ tại các vùng nước mở, đặc biệt là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Giải pháp tiết kiệm chi phí và dễ dàng mở rộng quy mô, hỗ trợ quản lý nước và nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và quản lý nước.
Sản phẩm dự thi đến từ nhóm Pomona sử dụng Quang phổ cận hồng ngoại (NIRS) để đánh giá chất lượng thịt, phân loại thịt thành các loại tươi, hỏng hoặc đã qua xử lý bằng chất bảo quản. Thiết bị cũng khuyến nghị thời hạn sử dụng còn lại, tăng cường an toàn thực phẩm cho cả mục đích sử dụng trong công nghiệp và hộ gia đình.
Nhóm PTIT Hexa lại đi theo lĩnh vực Phát triển thành phố thông minh, phát triển một hệ thống AI tối ưu hóa thời gian đèn giao thông và cải thiện sự tuân thủ của người lái xe tại Việt Nam. Hệ thống vừa tính toán mật độ phương tiện để điều chỉnh đèn theo thời gian thực vừa phân tích cơ sở dữ liệu, phát hiện các vi phạm và sự kiện bất thường. Dữ liệu được truyền đến đám mây để phân tích sâu hơn và giám sát liên tục, giảm tình trạng tắc nghẽn và nâng cao hiệu quả quản lý giao thông.
Sẵn sàng cho chung kết
6 đội thi vào chung kết đã có hơn 1 tháng để phát triển và hoàn thành bài thi của mình. Theo đó, mỗi phần dự thi cần có 1 bài thuyết minh đầy đủ về kỹ thuật của dự án, 1 bài trình bày trong 15 phút, và 1 video mô tả dự án.
"Cầm cân nảy mực" lựa chọn đội thi xuất sắc nhất là ban giám khảo danh tiếng:
- PGS.TS Nguyễn Quốc Ý - Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương
- TS Nguyễn Văn Tấn - Trường ĐH Thủ Dầu Một
- Ông Phạm Anh Vũ - Ngân hàng HSBC
- ThS Phạm Thi Vương - Trường Đại học Sài Gòn
- Ông Nguyễn Đức Quế - Intel Vietnam
- Ông Nguyễn Bảo Lâm - Advantech Vietnam
- Ông Trần Kiên - Advantech Vietnam
- TS Nguyễn Huỳnh Trường Gia - Trường ĐH Nông Lâm
Chung kết sẽ diễn ra vào ngày 14.11.2024 tại Trường ĐH Việt Đức. Trước giờ G, tất cả các đội đều đã sẵn sàng để mang đến những phần thi tốt nhất và chạm đến giải thưởng giá trị.
Bình luận (0)