Nữ luật sư Ngô Bá Thành để lại dấu ấn sâu sắc về dũng khí đấu tranh đòi công lý với lòng yêu nước, yêu dân tộc của một trí thức lớn. Cuộc đời nữ luật sư viết nên huyền thoại này đã gắn bó với chiếc áo dài khi xuống đường đòi quyền sống.
Mặc áo dài khi ra nước ngoài
Sinh ngày 25.9.1931, Phạm Thị Thanh Vân là con gái của bác sĩ Phạm Văn Huyến - một trong những bác sĩ thú y đầu tiên của VN. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ luật, đoạt giải thưởng Levy-Ullmann cho luận án tiến sĩ luật đối chiếu xuất sắc nhất Paris, người phụ nữ quê quán đất Hà Tĩnh, lớn lên ở Hà Nội liên tục giành lấy những học hàm, học vị sáng chói khác trên thế giới, thông thạo nhiều thứ tiếng: Pháp, Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha… Thanh Vân không mấy khó khăn trở thành thực tập sinh nội trú Ban Pháp luật Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ). Bà còn là giáo sư, giám đốc tổ chức và nghiên cứu khoa học Đại học Quốc tế, giảng dạy luật đối chiếu tại Strasbourg (Pháp)... Kết hôn cùng bác sĩ trẻ Ngô Bá Thành, bà lấy tên chồng để hoạt động cách mạng và người phụ nữ ấy đã gắn chặt tên Ngô Bá Thành như một định mệnh.
Trang phục bà mặc khi sống ở nước ngoài hầu hết là áo dài. Bà muốn chứng minh cho bạn bè thế giới biết, một phụ nữ mang quốc tịch VN không thua kém bất cứ sinh viên nào, ngay cả những nước phát triển trên thế giới. Tháng ngày trôi qua, kiên trì, tất bật, thông minh, nhẫn nại, trong tà áo dài, bà hòa vào dòng người, dòng xe cộ ào ạt, cuộn chảy và đã tạo cho mình một sự nghiệp, một chỗ đứng, gây nên sự khâm phục cho chính những sinh viên chính quốc cùng học với bà. Áo dài đã gắn chặt với bà trong sinh hoạt hằng ngày nơi đất khách. Bà từng vượt qua những mặc cảm, những định kiến về sự “mông muội” của người nước ngoài đối với dân thuộc địa bằng năng lực học tập và khả năng làm việc của mình. Các thầy giáo hướng dẫn rất quý mến bà và tận tình giúp đỡ bà vượt qua những kỳ bảo vệ luận án với tấm bằng tiến sĩ luật sáng giá.
Bị bắt trong tà áo dài
Về VN, bà lao vào phong trào yêu nước với trái tim quả cảm, mà Phong trào phụ nữ đòi quyền sống ra đời những năm 1970 là một trang rực rỡ, mang đậm tính cách bà Ngô Bá Thành. Bà kể về những ngày đầu mùa hè đẫm máu năm 1970, khi cuộc thảm sát dã man hàng ngàn Việt kiều tại Campuchia do chính phủ Lon Non tiến hành gây nên làn sóng căm phẫn và làm bùng dậy các phong trào đấu tranh của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Liên tiếp các cuộc biểu tình của sinh viên, học sinh diễn ra, cao điểm là cuộc tiến công vào tòa đại sứ Campuchia, thu hút đông đảo mọi tầng lớp đồng bào, có cả giới nhân sĩ trí thức, tu sĩ, công nhân lao động, nông dân… đặc biệt là phụ nữ. Mặt trận đấu tranh công khai, rộng lớn, độc đáo của phụ nữ thành phố Sài Gòn ra đời, nhanh chóng lan rộng khắp miền Nam, ban đầu là Ủy ban Phụ nữ đòi quyền sống, sau đổi là Phong trào phụ nữ đòi quyền sống.
Bà kể: “Tại nhà riêng của tôi ở đường Cao Bá Quát, Sài Gòn vào tháng 5.1971 đã diễn ra cuộc hội thảo quốc tế với sự tham dự của 5 vị chủ tịch phụ nữ các quốc gia: Mỹ, Pháp, Canada, New Zealand và Úc. Hội thảo ra quyết nghị, cũng được xem là tuyên ngôn chính trị đầu tiên của phong trào phụ nữ đòi quyền sống của VN. Chúng tôi, đại diện cho phụ nữ các nước nói trên lên án Nixon và Nguyễn Văn Thiệu đưa thanh niên ra chiến trường, đòi Mỹ rút quân, lập chính phủ ba thành phần, đòi bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm cho phụ nữ. Sở dĩ bản tuyên bố chính trị này có tiếng vang lớn, bởi nó không chỉ khuấy động dư luận, được nhiều giới trong nước hưởng ứng mà còn lan rộng trên thế giới”. Tại hội thảo này, bà cũng mặc áo dài tiếp khách.
Những chiến sĩ của phong trào là những phụ nữ đẹp, trí tuệ, bản lĩnh trong những tà áo dài đủ màu sắc, tỏa đi nhiều tỉnh thành đòi hòa bình, đòi Mỹ rút quân về nước. Tháng 8.1971, cùng các dân biểu và nghị sĩ đối lập trong quốc hội Sài Gòn, Phong trào phụ nữ đòi quyền sống huy động lực lượng chống chính quyền, đốt thẻ cử tri ngay trước trụ sở Hạ nghị viện, bị chính quyền Sài Gòn thẳng tay đàn áp. Bà Ngô Bá Thành và chị Trần Thị Lan bị quẳng lên xe trong tà áo dài xuống đường.
Trong các nhà tù Chí Hòa, Thủ Đức, Tân Hiệp, bà Ngô Bá Thành và chị Trần Thị Lan vẫn tiếp tục chiến đấu ngoan cường bằng cách riêng của mình. Bất chấp những ngón đòn tra tấn tàn bạo, những mua chuộc, lung lạc, các chị vẫn giữ vững phẩm cách và ý chí. Trong những ngày hòa bình, thế hệ lớn lên sau chiến tranh được gặp bà ở các cương vị công tác khác: được bầu vào Quốc hội, Ủy ban T.Ư MTTQ VN, Ủy viên Hội Pháp quốc luật học đối chiếu Paris, cố vấn nhiều dự án sáng tạo và phát triển. Với các cương vị công tác nào, bà vẫn trung thành với tà áo dài truyền thống trong các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với công chúng và báo chí quốc tế.
Tháng 2.2004, người phụ nữ VN từng được Trung tâm tiểu sử quốc tế (IBC) bầu chọn “Người phụ nữ quốc tế của thiên niên kỷ” vĩnh viễn ra đi nhưng vẫn còn kịp để lại cho cuộc đời những tà áo dài trong lịch sử xuống đường của những người phụ nữ đòi quyền sống.
Bình luận (0)