Trong công tác chuẩn bị chiến trường phục vụ cho Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, để phục vụ cho trận đánh của biệt động, đặc công vào các mục tiêu của địch, Cụm tình báo A.18 - H.63 (do ông Tư Cang làm cụm trưởng) mà bà Tám Thảo công tác được cấp trên giao nhiệm vụ điều tra, cung cấp sơ đồ chi tiết, sự bố trí lực lượng phòng thủ bên trong của Bộ Tư lệnh hải quân chính quyền Sài Gòn.
Việc quan sát mục tiêu bên ngoài do cụm trưởng và một cơ sở nội thành đảm trách, bằng cách mướn một xuồng con chèo dạo mát trên sông buổi chiều. Còn bên trong hang ổ tòa nhà bí hiểm, kiên cố này thật không dễ thực hiện nhiệm vụ nếu không có Tám Thảo, như đánh giá của cụm trưởng tình báo: “Cô đã vẽ sơ đồ các tòa nhà cùng với sự bố trí phòng ốc bên trong, cung cấp chính xác lực lượng phòng vệ, số quân trực chiến ban đêm. Ngoài ra, cô còn trao cho tôi một xấp ảnh, trong đó cô đứng chụp chung với tên thiếu tá Mỹ trước những tòa nhà quan trọng trong Bộ Tư lệnh hải quân. Với những bức ảnh này, anh em biệt động đặc công sẽ dễ nhận dạng mục tiêu trong chiến đấu”.
Thật không thể ngờ, đó là chiến công của một cô gái “sinh ra trong nhung lụa, lớn lên được cha mẹ cưng chiều, suốt ngày ngoài việc học, tôi chỉ biết mơ mộng và đọc tiểu thuyết” như chính bà Tám Thảo tự nhận.
|
Trăm bộ áo dài
Năm ấy, những giọt nước mắt vì bị tổn thương của cô phiên dịch xinh đẹp do “bị tra xét hoài” đã làm mềm lòng John - thiếu tá tình báo Mỹ trong Bộ Tư lệnh hải quân. Cũng từ đó, chỉ có Tám Thảo khi ra khỏi văn phòng là không bị xét cặp, xắc tay, túi xách. Những tên lính gác thoáng nhìn thấy gương mặt rạng rỡ, tỏa sáng, với tà áo dài tha thướt của Tám Thảo là mỉm cười chào, khoát tay cho cô đi.
Mỗi ngày một bộ quần áo dài, có thể nói, những tà áo dài mong manh góp phần làm nên vỏ bọc hoàn hảo cho một tiểu thư con nhà tư sản bán tơ lụa hoạt động tình báo. “Cô ta đi làm để khoe nhan sắc thôi, chớ không cần tiền. Xem này, cô ta có hơn trăm bộ quần áo dài, mỗi ngày cô ta diện một bộ. Cô ta cũng chẳng thích làm ngoài giờ vì gia đình cô ta có cửa hàng tơ lụa ngoài chợ Bến Thành, rất khá giả” - một sĩ quan trong sở làm có lần bảo vệ cô trước sự nghi ngờ của sếp đã giải thích như thế. Từ đó, những tài liệu của Bộ Tư lệnh hải quân được chuyển dần ra ngoài...
Cụm trưởng Tư Cang đánh giá những tài liệu quan trọng mà Tám Thảo lấy được: “Đó thường là những hiểu biết, những đánh giá của tình báo Mỹ, của chính quyền Sài Gòn về lực lượng của ta, những phán đoán về ý đồ hành động của ta trong thời gian tới”.
Những tấm ảnh may mắn
Thật không dễ dàng để Tám Thảo có được những bức ảnh quý giá chụp trong Bộ Tư lệnh hải quân để chuyển giao cho cấp trên, nếu như không có được một dịp may mắn.
Hôm ấy, Tám Thảo bước vào phòng làm việc với nỗi lòng trĩu nặng. Cô chưa biết bằng cách nào để hoàn thành nhiệm vụ cung cấp sơ đồ bên trong của Bộ Tư lệnh hải quân. Điều cô băn khoăn là sơ đồ ấy dù có vẽ lại tỉ mỉ đến đâu cũng sẽ rất mơ hồ cho người thực hiện trận đánh nếu như họ chưa bao giờ vào được hang ổ, tường tận từng ngóc ngách như cô. Sơ đồ ấy cần phải có thêm những bức ảnh minh họa cụ thể.
Cô che giấu nỗi lo lắng của mình bằng cách cắm lại những cành hoa trong chiếc bình pha lê. Chợt thiếu tá Mỹ bước vào, giơ cao chiếc máy ảnh mới toanh về phía cô, tươi cười: “Mỹ Nhung, tôi mới vừa mua được chiếc máy ảnh cực tốt, chụp được tự động. Tôi đoan chắc với cô, đây là cái duy nhứt ở châu Á. Tôi muốn cùng cô chụp tự động bức ảnh đầu tiên!”. Tám Thảo không tin vào tai mình. Đó là vận may mà cô không bao giờ ngờ tới. Mừng vô kể nhưng cô cố kềm nén cơn xúc động, bẽn lẽn nói: “Tôi chỉ sợ mình xấu, làm hư máy ảnh của anh!”. John nắm tay cô: “Mỹ Nhung đừng nói vậy! Hôm nay, cô mặc áo dài rất đẹp. Tôi thích chụp ảnh con gái Sài Gòn mặc áo dài”. Làm ra vẻ miễn cưỡng nhận lời vì nể chứ thực lòng chẳng mấy thích, Tám Thảo đi theo John. Họ đến góc trái, góc phải của tòa nhà, dừng lại ở những vị trí mà John cho rằng có “background” đẹp, có ánh sáng tuyệt hảo. Tám Thảo tạo dáng trong tà áo dài mềm mại. Mê mải chụp ảnh, một lúc sau, chính Tám Thảo khéo léo “điều khiển” sếp đến những vị trí quan trọng. Kết quả là cô có được trong tay những bức ảnh quý giá từ chính phía đối phương thực hiện.
Tám Thảo trầm ngâm: “Thật oái oăm, một cô gái lãng mạn, đa cảm như tôi lại trở thành tình báo, tự mình phán đoán, tự mình chiến đấu ngay trong hang ổ của kẻ thù. Tôi nghĩ chắc là anh Tư Cang hay những đồng đội khác cũng giống như tôi. Chúng tôi chưa bao giờ được đào tạo qua trường lớp huấn luyện tình báo chuyên nghiệp. Điểm yếu ở đó mà điểm mạnh cũng chính ở đó. Vì yêu nước mà chúng tôi nhận lấy những công tác đặc biệt. Cũng vì yêu nước mà chúng tôi làm được những điều ngỡ như là không thể”.
tin liên quan
Ấn tượng áo dài: Những tà áo dài trên mặt trận ngoại giaoTrong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, hình ảnh những phụ nữ VN
trong tà áo dài mềm mại đi khắp nơi làm công tác ngoại giao đã gây ấn
tượng đặc biệt với giới báo chí và nhân dân các nước.
Bình luận (0)