Ấn tượng Bùi Giáng

15/09/2013 03:00 GMT+7

Hơn 300 người đã có mặt tại Tọa đàm khoa học đầu tiên về Bùi Giáng vào sáng 14.9 tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.


Bùi Giáng - Ảnh: Thanh Hoài cung cấp 

Trong diễn văn khai mạc, PGS- TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Trưởng ban tổ chức, nêu: “Bùi Giáng đã tham gia đời sống giáo dục, văn chương và học thuật của giới trí thức yêu nước tiến bộ ở Sài Gòn, ông cùng một số trí thức viết thư gửi năm nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng thế giới là Marin Luther King, Jean Paul Sartre, André Malraux, René Char, Henry Miller để phản đối chiến tranh và kêu gọi hòa bình cho Việt Nam vào năm 1965.

Trong nửa thế kỷ sống và viết “Bùi Giáng đã để lại một khối lượng đồ sộ đến gần 60 tác phẩm, chủ yếu ở 4 lĩnh vực: thơ ca, bình giảng văn chương, nghiên cứu triết học và dịch thuật”. Về phong cách sáng tác, PGS-TS Võ Văn Sen nhấn mạnh đến khả năng diễn đạt của ngôn ngữ tiếng Việt qua các tác phẩm của Bùi Giáng: “Ông đã thể hiện tình yêu với văn hóa dân tộc qua việc bình giảng thơ ca cổ điển: Chinh phụ ngâm, Truyện Phan Trần, Quan m Thị Kính, Thơ Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Tản Đà... Ông đưa triết học, văn chương phương Tây đến với độc giả Việt Nam qua việc dịch thuật những danh tác cổ điển”. Bùi Giáng hiện vẫn có những tác phẩm tiếp tục được tái bản nhiều lần vào thập niên đầu của thế kỷ 21.

Tọa đàm ghi nhận những tham luận đánh giá những giá trị về sáng tác và dịch phẩm của thi sĩ Bùi Giáng: “Không chỉ thân thiết với Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà… mà (Bùi Giáng) còn làm quen với những tâm hồn xứ lạ của Martin Heidegger, Saint Exupéry, Gérard de Nerval, André Gide, Allbert Camus… ông chơi với cái cổ điển nhất cũng hết mình như chơi với cái tân kỳ nhất” (Huỳnh Như Phương). Một cách nhìn khác của PGS-TS Hồ Thế Hà về Bùi Giáng “một tài năng thơ đa diện và đa chất” - đi đến phân tích “những nghịch lý trong sáng tạo nghệ thuật của Bùi Giáng đã làm thành tổng hòa của sự hội tụ chứ không phải là sự phân hóa thi pháp thơ - nhưng cũng vì vậy mà trong cái bông đùa, cà rỡn có sự thăng hoa của đau xót miên trường”. Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cho là “Bùi Giáng tung ngọc vào bùn, chẳng cần quan tâm thị phi, khinh trọng” và thế giới của Bùi Giáng đầy những “nhân danh địa danh nửa có nửa bịa - các trích dẫn chương cú hư hư thực thực - những đối thoại tưởng tượng (với Nguyễn Du, Nietzsche, Trang Tử, Simone Weil, với các “mẫu thân”, với chính mình, với cả châu chấu, chuồn chuồn) thì quá ư tiếu ngạo, trộn lẫn mọi thứ có thể và không thể”.

Trước đây, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn đã có những tọa đàm khoa học về Nguyễn An Ninh, Trần Tuấn Khải, Trần Huy Liệu, Trần Văn Giáp và bây giờ là Bùi Giáng. Vậy, theo nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn nhà thơ có mặt tại tọa đàm, thì trường cũng nên tổ chức thêm các tọa đàm về những danh nhân văn hóa nổi tiếng.

Tọa đàm kết thúc trong ngày, nhưng những nhận định, phân tích, và nhất là lòng kính trọng, yêu quý đối với tác phẩm và phong thái sống bay bướm tuyệt vời của Bùi Giáng sẽ còn kéo dài tới nhiều năm tháng, nhiều thế hệ mai sau nữa… 

Giao Hưởng

>> Bùi Giáng và bài thơ 'phù thủy
>> Tọa đàm khoa học đầu tiên về Bùi Giáng
>> Người vợ của Bùi Giáng
>> Đoản văn của Bùi Giáng
>> Tọa đàm thơ Bùi Giáng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.