Ấn tượng kinh tế - xã hội Khánh Hòa năm 2022

19/12/2022 08:00 GMT+7

Nếu như 2 năm trước tỉnh Khánh Hòa luôn nằm trong Top cuối bảng về mức tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), năm nay tỉnh đã có bước bứt phá ngoạn mục khi 15/16 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt hoặc vượt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, GRDP đứng đầu 63 tỉnh, thành phố.

Dự án đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công

ảnh: Hiền Lương

Năm 2022, trong bối cảnh chung tình hình thế giới và trong nước có những thách thức đáng kể, song với sự đoàn kết nhất trí cao của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa phục hồi rõ nét. So với năm 2021, GRDP năm 2022 ước tăng 20,7%, đứng đầu 63 tỉnh, thành phố; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 21,68%; tổng mức bán lẻ tăng 52,4%. Đặc biệt, doanh thu du lịch trong thời điểm kinh tế mới trải qua dịch bệnh nhưng tăng gấp 5,6 lần so với năm ngoái, ước đạt 13.500 tỉ đồng; kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng gần 23%, ước đạt trên 1.600 triệu USD. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 16.016 tỉ đồng, vượt 33,3% dự toán và tăng 13,8% so với cùng kỳ.

Ngoài những con số ấn tượng trên, trong năm 2022, nhiều công trình hạ tầng tại Khánh Hòa gấp rút được triển khai, hoàn thành tiến độ đề ra. Theo ông Lê Hữu Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, tỉnh đang tập trung nguồn lực đầu tư công bố trí cho các dự án có tính chất lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, như: Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8); Đập ngăn mặn sông Cái Nha Trang; Môi trường bền vững các thành phố Duyên Hải - Tiểu dự án thành phố Nha Trang; Tỉnh lộ 2 (ĐT.653); Tỉnh lộ 3; Bệnh viện đa khoa Nha Trang; Bệnh viện Ung bướu; Đường D30 - kết nối đường 23.10 với đường Võ Nguyên Giáp… Đồng thời, tích cực triển khai thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm, như: Đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng; Cung Văn hóa Thiếu nhi Khánh Hòa; các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế…

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, trong năm 2023, tỉnh đặt ra mục tiêu đẩy nhanh việc tổ chức thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và tích cực mời gọi, thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Khánh Hòa nhằm tranh thủ tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 55 của Quốc hội; tập trung triển khai các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết kết quả năm 2022 là rất tích cực, nhưng với mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc T.Ư, đòi hỏi những năm tiếp theo tỉnh phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa. Trong đó, cần tập trung triển khai tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch của Đề án quy hoạch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Điều chỉnh quy hoạch chung TP.Nha Trang đến 2040; Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong tầm nhìn 2050 và quy hoạch Khu đô thị mới Cam Lâm đến 2045.

Bên cạnh đó, Khánh Hòa tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị với các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể tại kế hoạch được ban hành theo Quyết định 1165 của UBND tỉnh. Trong đó, hoàn thành đề án xây dựng Khánh Hòa đạt tiêu chí đô thị loại 1; hoàn thành Đề án xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển của cả nước… Ngoài ra, tỉnh đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2023. Tổ chức rà soát lại các dự án chưa cấp bách, chưa thực sự cần thiết để tập trung vốn cho các dự án trọng điểm, trong đó có dự án cao tốc Nha Trang - Vân Phong, dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Một vấn đề quan trọng khác, năm 2023, Khánh Hòa tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đồng thời, tỉnh sẽ ban hành các danh mục dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng 2030, nhất là thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong giai đoạn 2022-2025 theo Nghị quyết 55 của Quốc hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.