Một lễ hội mang đậm màu sắc văn hóa Khmer Nam bộ đã diễn ra tưng bừng tại một vùng nông thôn dọc biên giới VN - Campuchia.
Đó là “Ngày hội văn hóa - thể thao và du lịch vùng đồng bào Khmer Nam bộ lần 5-2011” diễn ra từ 1 - 5.12 tại huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Lần đầu tiên người dân các dân tộc ở vùng biên giới này được thưởng thức một lễ hội tưng bừng và hoành tráng ngay trên vùng đất heo hút mình đang sống.
Trong 5 ngày liền, bà con nông dân vùng này hết kéo nhau về chùa Thơ Mít (xã Vĩnh Trung) coi đua bò Bảy Núi Cúp Truyền hình An Giang lại đổ xô về dòng kênh Trà Sư đứng kín hai bên bờ để cổ vũ cho hội thi đua ghe ngo, rồi các cuộc thi chạy việt dã, đẩy gậy, bóng đá, bóng chuyền, đội cà om, ẩm thực… Nhưng đáng nói hơn hết là, đêm sân khấu hóa lễ khai mạc, một đêm hội mang đậm màu sắc đặc trưng của văn hóa Khmer truyền thống được thể hiện trong hơi thở hiện đại.
|
Tham dự chương trình biểu diễn nghệ thuật có đến 12 đoàn của các tỉnh thành. Nếu như các đoàn An Giang, Tây Ninh, Bình Phước diễu hành qua khán đài với những xe ngựa, xe bò thì các đoàn Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ hiện diện quanh những chiếc ghe ngo dài đến 25m, đoàn TP.HCM với chiếc xe hoa mang biểu trưng chợ Bến Thành |
Trong lời dẫn dắt của hai MC (1 Việt, 1 Khmer), trên sân khấu chính luôn tái hiện các lễ hội đặc trưng của đồng bào Khmer Nam bộ. Đặc biệt, những ca khúc biểu diễn đều do các nhạc sĩ người dân tộc sáng tác nên rất đậm âm sắc Khmer qua các giọng ca “đặc sản Khmer”: Triệu Sa Rết (Sóc Trăng), Kim Thị Chanh Tha (Trà Vinh), Mily (Sóc Trăng) cùng hai giọng ca đến từ TP.HCM: ca sĩ Thanh Thúy và nghệ sĩ Quế Trân đã làm cho đêm hội thêm đặc sắc, phong phú. Các màn múa đồng diễn do NSND Đặng Hùng, Dương Thảo và nhóm Thạch Bine dàn dựng rất đa dạng, chỉ tiếc loại hình kịch múa Dù kê và Rămrobam chưa thật rõ nét.
Ngoài sân khấu chính, còn có một sân khấu phụ. Đây là nơi các thiếu nữ Khmer cầm đèn hoa đăng thả xuống ao trong lễ hội Đôn ta. Nơi đó cũng có ngôi nhà sàn đặc trưng với ụ rơm, bánh xe bò vào những đêm trăng sáng, người trong phum sóc quây quần nghe các cụ bô lão vừa đàn hát vừa kể chuyện qua tiếng đàn chà pây.
Không chỉ đề cao những giá trị văn hóa của người Khmer Nam bộ, lễ hội còn thể hiện sự đoàn kết hữu hảo với vương quốc lân bang. Trong chương trình còn có sự xuất hiện của hai bà phó tỉnh trưởng các tỉnh Takeo và Kandal (Campuchia) bên hai cột mốc 241 và 281 (giữa tỉnh An Giang và Campuchia) nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác và góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa hai nước.
Hà Đình Nguyên
Bình luận (0)