Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Ninh 2012 đã khép lại, nhưng dư âm về một vùng đất nơi địa đầu Đông Bắc với những khát vọng đột phá và sự chuyển mình mạnh mẽ vẫn còn đọng lại. “Ngày hội đầu tư” đã thêm một lần làm rạng danh “thương hiệu Quảng Ninh”, để mỗi người dân nơi đây luôn tự hào.
Giữa lúc kinh tế khó khăn, ngày 23-24.2, tỉnh Quảng Ninh (QN) vẫn tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư (HNXTĐT) quy mô lớn nhất từ trước tới nay với hơn 1.100 khách. Trong đó, hơn 500 khách quốc tế, hơn 600 doanh nhân, quan chức... đã tham dự để cùng tìm hiểu, chia sẻ cơ hội hợp tác và đầu tư. Đặc biệt hơn, HNXTĐT của QN đã vinh dự đón Thủ tướng Chính phủ, gần 10 vị bộ trưởng cùng lãnh đạo các ban ngành trung ương về dự, một vinh dự mà ít địa phương nào có.
Nhìn cờ hoa, biểu ngữ trải dọc từ Đông Triều ra đến Móng Cái, nhiều người đặt câu hỏi: Có phải QN quá phô trương, lãng phí? Ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh, trả lời công khai: “Chúng tôi huy động kinh phí được 8,3 tỉ đồng từ các nhà tài trợ để tổ chức hội nghị, trong đó đóng góp lớn nhất là Techcombank với 5 tỉ đồng”.
|
Không phải doanh nghiệp trong tỉnh mà là một ngân hàng TMCP từ Hà Nội đã tài trợ cho QN tới 5 tỉ đồng để tổ chức HNXTĐT. Lý do, như ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank, giải thích: “Techcombank nhận thấy tiềm lực to lớn của tỉnh QN, đồng thời tin tưởng vào sự phát triển nhanh và bền vững trong tương lai không xa của địa phương này. Chúng tôi mong muốn được đồng hành cùng sự phát triển kinh tế của tỉnh!". Đây chính là hiệu quả của "triết lý win win", doanh nghiệp chung sức với chính quyền tạo ra môi trường phát triển để sau này cùng được thụ hưởng thành quả.
|
Và cờ hoa, biểu ngữ được chăng khắp nơi, để chào mừng các vị khách quý chỉ là một mặt. Thông điệp ở mặt còn lại của tấm biểu ngữ là dành để hướng về phía người dân và cán bộ chính quyền từ cấp huyện, thị xuống đến phường, xã. Chính quyền QN mong muốn rằng: sự thay đổi nhận thức sẽ dẫn đến việc thay đổi hành vi; người dân và chính quyền các cấp ở địa phương sẽ thêm đồng thuận với chủ trương của lãnh đạo tỉnh, để từ đó tạo ra cho QN một môi trường đầu tư thân thiện và hấp dẫn nhất.
Quảng Ninh với “tiêu chuẩn thế giới”
Là thủ phủ của khai thác than nhưng thông điệp xuyên suốt HNXTĐT của QN lại là triết lý "tăng trưởng xanh" để phát triển bền vững. Nhiều người đi từ ngạc nhiên đến hứng thú khi ông Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính khẳng định: "Chúng tôi sẽ chuyển từ tăng trưởng nóng sang tăng trưởng xanh, từ phát triển không bền vững sang phát triển bền vững. Trước mắt, tỉnh QN đang đẩy mạnh hạ tầng giao thông, để chuyển dịch công nghiệp nặng vào sâu trong nội địa. Những vùng du lịch và xung quanh vịnh Hạ Long, trong tương lai du khách sẽ không còn thấy khói đen hay bụi than nữa. Du lịch, dịch vụ và ngành công nghiệp giải trí chất lượng cao sẽ là hướng chủ đạo cho tiến trình phát triển của tỉnh".
Thêm một điều lý thú là HNXTĐT cho một địa phương nhưng lại được áp dụng những "chuẩn mực toàn cầu". Nói về cạnh tranh, ông Tomoyki Kimura, Giám đốc quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á, nêu bật lợi thế và cũng là áp lực khi QN nằm kề đường biên với Trung Quốc, nơi đang là công xưởng của cả thế giới: "Chính quyền tỉnh đã được chúc mừng với thành tích ấn tượng. Tuy nhiên, giờ đây QN ngày càng phải tự xem xét và đánh giá mình với một chuẩn mực toàn cầu".
Cả về thu hút đầu tư lẫn du lịch, lãnh đạo QN đã khẳng định họ sẽ đáp ứng những bộ tiêu chuẩn khắt khe của thế giới. Ông Phạm Minh Chính phân tích: "QN có vịnh Hạ Long, được ví như một Hoa hậu Thế giới, nên chúng tôi phải cư xử với cô Hoa hậu ấy bằng một chuẩn mực mang tính toàn cầu. Khi đưa ra bất kỳ một chính sách nào, từ điều kiện an toàn đến tôn tạo cảnh quan, chúng tôi cũng phải đáp ứng những tiêu chí mang tính quốc tế. Kể cả trong quy hoạch, phát triển công nghiệp công nghệ cao lẫn thu hút nhân lực, QN hiện đã, đang và sẽ thuê tư vấn uy tín trên thế giới để áp dụng những chuẩn mực của những nước tiên tiến".
Thành Long
Bình luận (0)