(iHay) Những ngày còn là sinh viên kỹ sư cơ khí ô tô, anh Phạm Minh Trí đã ấn tượng với tre.
Rồi khi đi làm anh dành thời gian nghiên cứu chất liệu thuần Việt này như một sở thích để đến năm 2012 chính thức bắt tay hiện thực hóa lý thuyết trên giấy. Câu chuyện của thương hiệu xe đạp tre Viet Bamboo Bike bắt đầu từ đó với mơ ước mang tre Việt đi chinh phục thế giới.
Đồng bộ hóa Bằng tre
Sau khi “nháp” với 20 chiếc khung xe đạp tre, anh mới tìm được bí quyết để tạo chiếc sườn bằng tre rắn chắc cho xe đạp. Dẫu vẫn chỉ là “nghề tay trái” nhưng ngay từ lúc bắt đầu, anh Phạm Minh Trí đã đưa ra kế hoạch dài hơi cho dòng sản phẩm xe đạp bằng tre độc đáo của mình.
Anh chia sẻ: “Ban đầu chỉ là dùng tre làm sườn thay cho kim loại, rồi tôi mày mò nghiên cứu, thấy có nhiều phụ tùng thay thế bằng tre vẫn đạt chuẩn chất lượng mà lại có tính mỹ thuật cao hơn. Tôi tìm cách dùng tre làm pedan, vành xe, phuộc xe để đồng bộ hóa các chi tiết. Chỉ các khớp nối giữa yên với thân xe, kẹp gắp kết nối với đĩa và bánh, hoặc cổ xe vẫn chưa thay thế hoàn toàn bằng loại nguyên liệu tự nhiên”.
|
Gần như các công nghệ, kiểu mẫu của thế giới đều được anh áp dụng, cải tiến cho phù hợp với... tre. “Tôi chọn tre vì chất liệu thân thiện với môi trường, hoàn toàn tự nhiên và đẹp nữa. Ở Việt Nam có nhiều loại tre như tầm vông, tre ngà… tùy theo từng kiểu xe mà mình chọn loại tre khác nhau. Xe đạp kiểu cổ điển dùng đi vòng vòng thành phố thì dùng tầm vông thông thường, sấy khô chống mối mọt, chống ẩm xong rồi đưa vào gò, dùng sợi tổng hợp quấn lại mà thành. Thật ra lớp vỏ tre bên ngoài đã là lớp phủ tự nhiên bền đẹp rồi, nhưng nếu muốn phá cách có thể cạo lớp vỏ, sơn nhiều màu, hoặc dùng bút lửa khắc tên, vẽ tranh trên thân xe. Cứ mỗi ngày lại áp dụng thêm một thứ, cho đến bây giờ, mỗi chiếc xe khi xuất xưởng có chất lượng đồng đều nhưng có chút khác biệt về thiết kế để xe dù sản xuất hàng loạt nhưng không đụng hàng”.
Tre gấp
Tại cuộc triển lãm vào tháng 12 tại Q.7, anh Trí trình làng chiếc xe đạp gấp gọn. Ít những nhà sản xuất xe đạp khung tre nghĩ đến điều này bởi chi phí cao mà lại khó để gấp chiếc xe có chiều dài 1,6 m còn 80 cm có thể bỏ vào gầm xe hơi khi đi xa hoặc tiết kiệm diện tích trong nhà. Anh Trí và cộng sự đã làm được điều này, chi phí chỉ tăng lên 20% so với số tiền dùng để mua nguyên chiếc tại nước ngoài.
Anh kể: “Tôi không phải là người đi đầu trong xu hướng chế tạo xe đạp gấp gọn nhưng kết hợp với xe đạp bằng tre thì tôi là người đầu tiên. Một bộ khóa để dùng cho việc gấp xe đạp nếu nhập khẩu từ nước ngoài phải hơn 550 USD nhưng tôi tự làm một chiếc máy để sản xuất bộ phận này. Với ưu thế về kỹ thuật cũng như nhân công, chúng tôi tiết kiệm được chi phí sản xuất”.
Xe đạp gỗ
Không chỉ dùng tre, anh Trí tiếp tục chế mẫu xe đạp có sườn gỗ. Anh sử dụng kỹ thuật ghép gỗ kết hợp với sợi carbon, bên trong để rỗng giúp giảm trọng lượng của xe. Đặc biệt với kỹ thuật ghép từng miếng gỗ nhỏ lại với nhau, anh Trí có thể tạo cho vẻ ngoài của khung xe những hoa văn tự nhiên rất độc đáo với vân gỗ lạ. Hơn nữa, khung gỗ còn dễ chế tác trang trí bên ngoài, chạm trổ hoa văn mà không sợ ảnh hưởng đến kết cấu.
Anh Trí cho biết: “Xe đạp tre hay gỗ có thể tạo nhiều hoa văn khác nhau, vẽ ảnh gia đình lên xe, khắc tên… có thể chịu được nắng, mưa của vùng nhiệt đới nhưng chống chỉ định với chặt chém, hay dùng xăng đốt gỗ và tre cháy đượm lắm (cười)”.
Nguyên Trang
Ảnh: NVCC
>> Những khoảnh khắc đẹp hút hồn ở Hội An
>> Cà phê 'không ngủ' ở Sài Gòn
>> Trải nghiệm những điều khác lạ ở Myanmar
Bình luận (0)