Là người con xứ dừa, lớn lên với những làn điệu dân ca vọng cổ, lại trưởng thành từ "màu áo xanh" và có hơn 16 năm gắn bó cùng phong trào tình nguyện, nên anh Phan Thanh Trẻ đã dành tâm huyết để sáng tác bài ca cổ về 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, cũng là một phần tư thế kỷ của bước chân tình nguyện về với Bến Tre góp xây những công trình, phần việc ý nghĩa.
Lần đầu làm chuyện khó
Anh Phan Thanh Trẻ hiện là Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Bến Tre. Xuất thân từ gia đình khó khăn, ngày trước cha mẹ đi làm thuê các công việc như cấy lúa, bồi bùn… ở ấp Thành Hóa I (xã Tân Thành Bình, H.Mỏ Cày Bắc), đã hình thành cho anh Trẻ một lòng kiên trì, bền dạ và không quản ngại khó khăn. Lớn lên, chàng trai ấy đã chọn "màu áo xanh" và các phong trào thanh niên tình nguyện để gửi trọn thanh xuân, cùng những người trẻ khác cống hiến cho quê hương.
Trong những chia sẻ của người cán bộ Đoàn này, tôi cảm nhận được rõ tình yêu mà anh dành cho màu áo xanh và các chiến dịch tình nguyện.
Dù chưa một lần sáng tác ca cổ, cũng không được đào tạo bài bản qua trường lớp, nhưng vì muốn tạo nên điều gì đó thật đặc biệt để tổng kết một phần tư thế kỷ của Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè nhiều dấu ấn, anh Trẻ đã không ngại những khó khăn và thử thách, mày mò nghiên cứu, tìm người để tầm sư học đạo và tập tành sáng tác.
"Tham gia chiến dịch đến nay đã được 16 năm, qua từng đó thời gian có những dấu ấn riêng và để lại cho mình rất nhiều kỷ niệm. Song song đó, năm nay là 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, khi được nghe các cô chú nguyên là lãnh đạo tỉnh, những người đầu tiên trong việc tổ chức chiến dịch tại tỉnh, kể về các câu chuyện, mình càng thấy được giá trị của chiến dịch với cộng đồng và mỗi người trẻ", anh Trẻ nói về động lực thôi thúc anh quyết tâm sáng tác bài ca cổ và kể thêm: "Khi mình đang còn là học sinh THPT, đã có các anh chị Mùa hè xanh về với quê hương và mình đã tham gia cùng. Từ đó thấy yêu hơn các hoạt động Đoàn và mình biết tình nguyện, cống hiến là như thế nào… Dấu ấn của 25 năm này thật sự rất đặc biệt".
Chặng đường nhiều dấu ấn
Giới thiệu về "đứa con tinh thần" của mình, anh Trẻ cho biết bài viết ca ngợi tinh thần, tình cảm và nhiệt huyết của thanh niên tình nguyện về với quê hương Bến Tre, các bạn đã để lại công sức của mình thông qua những công trình, phần việc. Những hình ảnh đẹp đó của màu áo xanh luôn ở trong lòng của người dân Bến Tre.
Bên cạnh đó, trong bài ca cổ còn thấy được sự thôi thúc của tinh thần tình nguyện. Anh Trẻ kể, từ năm 2000, có 716 thanh niên tình nguyện từ TP.HCM về Bến Tre để tổ chức chiến dịch, thì đến nay số lượt sinh viên, thanh niên về tham gia cùng với lực lượng tại chỗ thực hiện những công trình ý nghĩa là không đếm xuể.
"Trong phần đoạn lý đêm trăng, mình có nhắc đến các địa phương của Bến Tre, mỗi nơi đều có ghi dấu ấn và tình cảm của thanh niên, sinh viên tình nguyện. Đặc biệt câu Về Mỏ Cày Nam sao luyến lưu Mỏ Cày Bắc, nghệ sĩ hát đến đây sẽ ngưng 2 nhịp để thấy được sự luyến lưu, tình cảm dạt dào của thanh niên tình nguyện để lại cho các địa phương", anh Trẻ lý giải và cho biết câu vọng cổ số 5 và 6 đúc kết lại qua 25 năm có những giá trị luôn tiếp nối, những công trình được dựng xây để góp phần phát triển kinh tế - xã hội; và càng đặc biệt hơn khi qua 25 năm có những thanh niên tình nguyện đã làm rể, làm dâu xứ dừa…
Điều đặc biệt, xuyên suốt bài ca cổ, anh Trẻ luôn nhắc đến hình ảnh của những thanh niên, sinh viên tình nguyện học tập và công tác tại TP.HCM, mỗi năm dành trọn mùa hè về với người dân Bến Tre.
"Các bạn đến từ mọi miền của đất nước, khi có lời hiệu triệu thì ngay lập tức hăng hái đăng ký về với quê hương Bến Tre. Thay vì nghỉ hè về quê với gia đình, đi chơi, du lịch cùng bạn bè thì chọn tham gia tình nguyện, đem công sức của mình góp phần làm nên những công trình ý nghĩa. Và càng ý nghĩa hơn, khi thông qua chiến dịch có những gia đình nuôi quân, các bạn có thêm những người ba, má nuôi; người dân Bến Tre lại có thêm những đứa con nặng nghĩa tình", tác giả bài ca cổ bày tỏ.
Anh Trần Thanh Hưng, Trưởng đoàn Nghệ thuật cải lương tỉnh Bến Tre, người đã hướng dẫn anh Trẻ hoàn thành bài ca cổ tâm huyết này, nhìn nhận: "Mới bắt tay vào viết ca cổ thì phải nói là cực kỳ khó. Viết một bài văn, bài phát biểu thì dễ nhưng ca cổ thì phải đúng giai điệu, khuông, nhịp… Nhưng Trẻ đã nắm bắt nhanh và làm bài ca cổ này rất tốt. Nội dung ý nghĩa đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa rất tốt. Trước giờ các bạn trẻ thường nghe bài nhạc nên nay được phổ biến bài ca cổ này vừa lạ mà cũng có hình ảnh của mỗi bạn trẻ tình nguyện trong bài".
Đặc biệt, anh Hưng cho biết dù là thể loại ca cổ truyền thống, nhưng sản phẩm của chàng cán bộ Đoàn có rất nhiều sự tươi trẻ và mới. "Chẳng hạn như Trẻ đã sử dụng lời nhạc của bài Mùa hè xanh để sáng tạo và chuyển thể thành tân cổ giao duyên. Điều này là rất sáng tạo", anh Hưng nhận xét.
Vừa trải qua một mùa hè dãi nắng dầm mưa tại xứ dừa, nên khi nghe bài ca cổ này, Nhan Hữu Hiếu, Đội trưởng Đội hình Mùa hè xanh Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM tại tỉnh Bến Tre năm 2024, xúc động nói: "Mình cảm nhận sâu sắc hình bóng của bản thân và đồng đội hiện lên trong từng lời hát. Những chiến sĩ áo xanh, như mình và các bạn đã không ngại khó khăn để chung tay góp một phần sức dù bé nhỏ để xây dựng quê hương Bến Tre. Hình ảnh các tuyến đường bùn đất mà chúng mình đã hỗ trợ bê tông hóa thành những con đường thẳng tắp, nhớ cả những ngày giúp bà con chuyển đổi số tại xã An Bình Tây, H.Ba Tri, cùng cầm chiếc điện thoại nhưng giúp được người dân tiếp cận gần hơn điều kiện mới…".
Không chỉ là những công trình, phần việc ý nghĩa, qua bài ca cổ, Hiếu còn nhớ mãi tình cảm nồng hậu mà người dân địa phương dành cho sinh viên tình nguyện. "Được nghe bài ca cổ, mình như sống lại những ngày tháng tình nguyện đầy kỷ niệm, đong đầy yêu thương và gắn bó với mảnh đất xứ dừa", Hiếu bày tỏ.
Bài ca cổ: 25 năm - Màu xanh tình nguyện
Hò: Hò… hơ… Thương sao chiến sĩ hè xanh/Khắp nơi hội tụ góp xanh xứ dừa/ Như ong chăm chỉ say sưa/Dân tin, dân nhớ…/Hò hơ… dân tin dân nhớ… quê dừa lưu danh.
Cao phi: Ơi mùa hè xanh, thắm nghĩa tình chiến sĩ đồng bào/Dạt dào niềm tin, đi dân nhớ ở dân thương/Tuổi trẻ đẹp nhất, một thời thanh niên đầy nhiệt huyết/Khơi dậy tinh thần, yêu thương nhân ái nghĩa tình quân dân/Xây dựng những công trình, nông thôn mới đẹp giàu quê hương.
Câu 1: Mùa hè xanh, tiếng gọi thân thương đã thúc giục bao lớp thanh niên hăng hái lên đường tham gia chiến dịch. Lan tỏa yêu thương, luyện rèn nhân cách sống, cống hiến tuổi xuân theo từng nhịp bước quân hành/Ý Đảng tình dân trên dưới một lòng/Những chiến sĩ áo xanh đến từ thành phố mang tên Bác/Cùng với thanh niên xứ dừa góp phần làm cuộc Đồng Khởi mới trên quê hương/Tựa đàn chim tung bay trên những nhịp cầu tre/Mùa hè xanh xôn xao nâng bước chân ta về/Những con đường bùn đất thôn quê/Giờ đã phẳng lì bê tông khắp chốn…
Câu 2: Tiếp bước cha anh, phát huy truyền thống/Bao lớp thanh niên mang dòng máu Lạc hồng/Hăng hái xung phong, tình nguyện lên đường/Hành trang là chiếc ba lô đã bạc màu theo năm tháng/Cùng trái tim hồng đầy nhiệt huyết tuổi đôi mươi/Xây dựng những chiếc cầu nối nhịp bờ quê/Khám chữa bệnh cho dân, tuyên truyền pháp luật/Để mọi người cùng nâng cao nhận thức/Bảo vệ môi trường, xây nông thôn mới văn minh.
Nói lối: Còn biết bao việc làm ý nghĩa của thanh niên/Những chiến sĩ mùa hè xanh trong mỗi mùa chiến dịch/Thăm hỏi quan tâm từng gia đình chính sách/Chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng/Chuyển đổi số tiên phong…
Lý đêm trăng: Lòng đầy hân hoan, đi đắp xây nhiều niềm vui mới/Đến Ba Tri, nặng mang nghĩa tình/Về Giồng Trôm, vấn vương bóng hình/Tiếng em thơ, trong đêm hè dạt dào hồn quê/Nhớ thương câu hò, chiều buông Thạnh Phú/Về Mỏ Cày Nam sao luyến lưu Mỏ Cày Bắc/Mến yêu sao Bình Đại, Châu Thành/Chợ Lách ơi! Vấn vương bao tình/Thành phố Bến Tre, khắc sâu tim mình.
Câu 5: Hai mươi lăm năm đã trôi qua những dấu ấn của Chiến dịch Mùa hè xanh luôn khắc ghi bao hình ảnh đẹp. Là tấm lòng của bà con xứ sở của những người chị người anh đã quan tâm chăm sóc người chiến sĩ áo xanh trong những lúc xa nhà/Gần gũi, thân quen tha thiết đậm đà/Các mẹ các anh chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ/Lo lắng trăm bề khi có chiến sĩ bệnh tật ốm đau/Làm sao quên công sức hộ nuôi quân/Sống gần gũi, yêu thương như con cháu/Ở dân thương, đi dân nhớ, làm dân tin/Là phương châm nhắc nhớ bên mình.
Câu 6: Hai mươi lăm năm biết bao ký ức/Nhiều tấm gương tiêu biểu, kiên cường/Có những người đã trở thành dâu, thành rể/Của quê hương xứ dừa, là câu chuyện Mùa hè xanh/Hai mươi lăm năm, một phần tư thế kỷ/Là hai mươi lăm năm quê dừa luôn chung thủy với những người chiến sĩ áo xanh/Tự hào truyền thống cha anh/Thanh niên tiếp bước dựng xây quê nhà/Mỗi mùa chiến dịch đi qua/Quê hương lại xuất hiện nhiều công trình dân sinh thiết thực/Là môi trường luyện rèn, giáo dục/Để tuổi trẻ trưởng thành phụng sự cho quê hương.
Bình luận (0)