Vào tháng chạp, khí hậu chủ yếu là giá rét, con người dễ bị các chứng bệnh do phong hàn gây ra như trúng phong (đột quỵ, tai biến mạch máu não), nhồi máu cơ tim, viêm khí quản mãn tính, hen suyễn, loét dạ dày, viêm khớp do phong hàn thấp, bệnh ngoài da…
Vì thế, phép ẩm thực trong mùa đông cần lưu ý: Thực phẩm phải có hàm lượng dinh dưỡng cao, cung cấp đầy đủ nhiệt lượng cần thiết; thực phẩm cần có tính ấm, nhiệt để trợ giúp cho dương khí của cơ thể chống lại hàn khí bên ngoài.
Những thực phẩm hoặc gia vị có tính ôn, tính nhiệt là các loại thịt như chó, bò, gà, dê, rắn, tôm; các loại khoai mài, ý dĩ, hạt sen, đậu nành, đậu ván, cà rốt, củ cải, bí đỏ, củ hành ta, hành tây, củ tỏi, tỏi tây, hồ tiêu, gừng, riềng, nghệ, quế, thảo quả, rau hẹ, thìa là, húng quế, khoai tây, khoai lang; các loại trái như nhãn, đại táo, vải, mận, lựu, nho, xoài chín...
Về phép bổ dưỡng có thể phân làm 2 loại là: Dùng thuốc để bổ dưỡng (dược bổ) và ăn uống để bổ dưỡng (thực bổ). Đông y luôn quan niệm rằng dược bổ không bằng thực bổ. Tất nhiên dược bổ và thực bổ mỗi loại đều có chỗ đắc dụng riêng. Thường với người bị bệnh mà hư chứng rõ ràng hoặc cơ thể quá hư nhược sau khi bệnh cần dùng dược bổ ở thời gian đầu. Nếu hư chứng không rõ ràng nên áp dụng thực bổ để vừa tăng cường khí lực vừa tăng khả năng đề kháng của cơ thể, giúp phòng ngừa bệnh tật.
Vào mùa đông, tốt nhất nên kết hợp việc ăn uống với dùng thuốc để tăng cường hiệu quả của phép bổ dưỡng. Nếu cơ thể hấp thu tốt thì có thể dùng thịt dê hầm với đại táo, gừng tươi hoặc dùng món củ cải và cà rốt hầm với tôm sẽ tăng cường công hiệu bổ dưỡng. Trong khi dùng thực phẩm để bổ dưỡng, tốt nhất không nên ăn thức ăn quá nhiều dầu mỡ để tránh làm trở ngại công năng tiêu hóa của tì vị, ảnh hưởng đến việc hấp thụ các chất bổ.
Nếu đang bị cảm mạo, phát sốt, đi tả thì nên tạm dừng sử dụng các thực phẩm bổ dưỡng để phòng ngừa bệnh tình sẽ phát nặng hơn. Sau khi khôi phục sức khỏe mới tiếp tục dùng phép bổ dưỡng. Cần tránh thực phẩm có tính lạnh, mát làm tổn hại đến dương khí của cơ thể trong mùa đông, như: thịt vịt, thịt trâu, cua, ốc, nghêu, sò, hến…; các loại rau quả như bí đao, bí xanh, cà chua, dưa leo, dưa gang, mồng tơi, giá đậu, bông súng, ngó sen, rau xà lách, xà lách xoong…
Khi muốn dùng những thực phẩm nêu trên, cần phải phối hợp với các gia vị và thực phẩm có tính ấm nóng. Ví dụ như thịt vịt nên kho với gừng, canh cải bẹ xanh nấu với cá rô và gừng tươi, cá trê kho nghệ hoặc kho tiêu, rau muống xào tỏi...
Một số trái cây có tính mát, không nên ăn vào mùa đông như dừa, thanh long, dưa hấu, lê, bưởi, dâu tây, hồng, khế, kiwi… Nước giải khát ướp lạnh cũng không nên dùng.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)