Ở đâu cũng thanh toán bằng smartphone
Tại Trung Quốc, rất ít người sử dụng thẻ tín dụng mà thay vào đó họ ngày càng dựa vào phương thức thanh toán bằng smartphone. Nguyên nhân xuất phát từ việc thẻ tín dụng ít lựa chọn, bên cạnh những hạn chế về “nợ xấu”, yêu cầu thu nhập và đặc biệt là việc giao dịch với các ngân hàng nhà nước cần nhiều thủ tục phức tạp. Trong khi đó hạ tầng thanh toán di động đã có sẵn từ trước tạo cơ sở cho nền tảng này phát triển.
Báo cáo cho thấy thị trường thanh toán di động ở Trung Quốc đã đạt tới giá trị 16.000 tỉ USD trong suốt 15 năm qua. Chỉ tính riêng năm 2016, thanh toán di động ở Trung Quốc đạt 9.000 tỉ USD, cao hơn nhiều lần so với 112 tỉ USD của Mỹ. Hai nền tảng thanh toán di động lớn nhất tại đây là Alibaba Group với Alipay và Tencent với WeChat Pay, tương ứng lượng người dùng 500 triệu và 900 triệu. Để so sánh, ngay cả Apple Pay của Apple cũng chỉ đạt 127 triệu người dùng trên toàn cầu.
|
Sự tiện lợi của mã QR
Theo Business Insider, chính nhờ lợi thế này mà mã QR có thể quét bằng smartphone xuất hiện ngày càng nhiều tại Trung Quốc, bao gồm các cửa hàng hoặc siêu thị mà không cần đầu đọc thẻ chuyên dụng… Chỉ đơn giản là một tài khoản và mã QR cá nhân, sau đó in ra giấy và bất cứ ai đi ngang qua cũng có thể gửi tiền cho bạn.
Nhưng cũng chính nhờ sự xuất hiện của mã QR mà hình ảnh những “cái bang” tại Trung Quốc đã không còn hoạt động như truyền thống nữa. Thay vì ngửa tay xin những đồng tiền lẻ bố thí từ người đi đường, những người ăn mày này đã sử dụng mã QR liên kết với ví điện tử, vì vậy bạn thật khó để viện cớ không mang theo tiền mặt khi muốn từ chối bố thí tiền.
Các báo cáo cho rằng những người ăn xin ở Trung Quốc đã sử dụng thanh toán di động để tăng cơ hội nhận được tiền bố thí. Họ có thể được tìm thấy gần các địa điểm du lịch và ga tàu điện ngầm trên khắp các tỉnh của Trung Quốc. Những tiền xin được sẽ được gửi vào tài khoản ví điện tử của họ.
|
Theo báo cáo, trong một tuần 45 giờ, một người ăn mày có thể kiếm được khoản tiền lên đến 4.500 nhân dân tệ (khoảng 15,14 triệu đồng) bằng phương thức này. Đó quả thực là một con số mà nhiều lao động phổ thông ở Trung Quốc cũng phải "ghen tị".
Bình luận (0)