Ăn xổi

12/12/2011 01:04 GMT+7

Hiệp hội Mía đường (VSSA) vừa có văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị cho phép xuất khẩu (XK) đường ăn với lý do trong nước đã đủ dùng và nhu cầu tiêu thụ đường tại Trung Quốc đang tăng lên, việc XK với giá cao sẽ có lợi cho những người sản xuất.

Hiệp hội Mía đường (VSSA) vừa có văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị cho phép xuất khẩu (XK) đường ăn với lý do trong nước đã đủ dùng và nhu cầu tiêu thụ đường tại Trung Quốc đang tăng lên, việc XK với giá cao sẽ có lợi cho những người sản xuất.

Theo VSSA, năm nay sản lượng đường trong nước ước đạt 1,4 triệu tấn, tăng trên 250.000 tấn so với năm 2010 và 500.000 tấn so với năm 2009. Nhu cầu tiêu thụ đường trong nước vào khoảng 1,3 - 1,4 triệu tấn đường/năm, cho nên nguồn cung đường trong nước hoàn toàn đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và có thể XK.

Tính toán như vậy, nhưng VSSA quên rằng ngành đường VN hiện nay vẫn đang phải nhập khẩu đường theo quota chính ngạch lẫn nhập lậu từ biên giới. Theo nhận định của nhiều chuyên gia nông nghiệp, sản xuất mía đường trong nước hiện đang có năng lực cạnh tranh kém so với các nông sản khác, khi vùng nguyên liệu vẫn chưa ổn định, giá thu mua mía vẫn năm được năm thất. Mỗi lần Chính phủ có động thái cho nhập khẩu đường để bình ổn thị trường thì ngay lập tức, VSSA lại viện dẫn ra những số liệu tồn kho để biện minh cho việc không cần thiết phải nhập thêm đường hoặc xin hoãn thời gian nhập khẩu để DN trong nước có đủ thời gian bán hàng ra thị trường. Điển hình như những tháng giữa năm nay, khi lượng đường trong nước tồn kho lớn, các DN mía đường đã kiến nghị Bộ Công thương dừng nhập khẩu đường theo quota đã cấp để giữ giá trong nước. Trớ trêu là sau khi nhận được sự hậu thuẫn của cơ quan quản lý, các nhà máy lại xuất bán đường qua Trung Quốc. Hậu quả là giá đường trong nước luôn đứng ở mức cao, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở mức 23.000-24.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VSSA, cho rằng: “Trung bình mỗi người chỉ tiêu thụ khoảng 10 kg đường/năm. Nếu giá có tăng nhẹ thì mỗi năm người tiêu dùng cũng chỉ phải bỏ ra thêm vài chục ngàn đồng. Chắc chắn họ sẽ không kêu ca gì về điều này. Chỉ có những DN sản xuất bánh kẹo, nước giải khát kêu để tranh thủ tăng giá bán”. Tính toán như vậy nhưng ông Long quên rằng ngoài việc tiêu thụ đường trực tiếp, người dân cũng phải chịu thêm tác động tăng giá của các mặt hàng sữa, bánh kẹo...

Xin XK đường, các DN cho rằng đây là tín hiệu vui vì chúng ta đã có dư đường để XK. Tuy nhiên, con số chính xác thì vẫn phải suy xét lại. Nếu không có đường nhập lậu và đường nhập khẩu theo quota, liệu ngành mía đường trong nước có đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu thị trường? Ngay Chủ tịch VSSA cũng thừa nhận: “Hiện tại đã dần hình thành quy luật: đường Việt Nam chảy sang Trung Quốc, còn người tiêu dùng trong nước thì ăn đường nhập lậu từ Thái Lan. Theo quan điểm của tôi, nếu nông dân mình bán được sản phẩm giá cao thì nên khuyến khích. Tại thời điểm này mình xuất thì mình có lời hơn, rồi đến khi nào thiếu thì mình nhập”. Rõ ràng, quan điểm “thấy lợi trước mắt” của VSSA khó chấp nhận được. Lẽ ra, với sự bảo hộ của Chính phủ, ngành mía đường phải tự vươn lên để sản xuất hiệu quả bền vững, góp phần nâng cao đời sống nông dân trồng mía. Nhưng hiện tại các nhà máy đường vẫn sản xuất kinh doanh theo kiểu “ăn đong từng bữa” và chỉ nhìn thấy những lợi ích trong ngắn hạn.

Thuần - Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.