Đây là lần thứ hai ông Obama chủ động ra đề nghị giải trừ vũ khí hạt nhân. Lần trước cách đây 4 năm ở Prague (CH Czech), Tổng thống Mỹ còn đi xa hơn khi đề cập một thế giới “không vũ khí hạt nhân”.
Xem ra, giờ đây ông Obama đã trở nên thực tế hơn. Điều đó thể hiện trong mọi chính sách và cung cách cầm quyền của ông trong nhiệm kỳ này. Nhưng đề nghị mới tại Đức không hẳn là thiện chí giải trừ vũ khí hạt nhân mà là sự tận dụng vấn đề này.
Trên thực tế, ông Obama chỉ được chứ không mất gì khi vừa thể hiện thiện chí vừa đẩy Nga vào thế bị động. Nếu không đáp ứng thì Nga sẽ bị thiên hạ coi là không thiện chí và Tổng thống Mỹ có thể đổ mọi trách nhiệm cho Moscow. Nếu Nga đáp ứng thì ông Obama lại càng thêm lợi vì 2 nước mà đi vào giải trừ vũ khí hạt nhân thì bên ngoài phải công nhận là công lao thuộc về Mỹ.
Cắt giảm kho vũ khí hạt nhân giúp Washington tiết kiệm rất nhiều tiền bảo dưỡng, bảo vệ trong khi có giảm 1/3 đi nữa thì vẫn còn thừa để xác lập ưu thế nổi trội. Hơn nữa, vũ khí hạt nhân của Mỹ giờ chỉ còn dùng để duy trì thế cân bằng chiến lược với Nga chứ đâu có thể tiến hành chiến tranh. Ông Obama thừa biết Nga và tất cả các nước sở hữu vũ khí hạt nhân khác chẳng mặn mà hưởng ứng đề nghị của mình, nhưng trong mọi trường hợp thì ông vẫn được lợi.
La Phù
Bình luận (0)