“Bà ơi, con đem cơm đến nè bà ơi”, giọng anh chàng Lê Phú Cường, bí thư Đoàn phường 2, Q.Phú Nhuận (TP.HCM), nghe tha thiết. Anh là tác giả của “Bữa cơm nhân ái” do Đoàn phường phụ trách.
Nhân dịp sinh nhật của Đoàn (26-3) sắp tới, Cường vinh dự được Trung ương Đoàn xét trao giải thưởng 26-3 dành cho những cán bộ Đoàn xuất sắc.
Hôm nay như mọi hôm, đến giờ nghỉ trưa, Cường nhanh chân đến quán cơm Ti Ti lấy suất ăn cho vào hộp, sau đó anh len lỏi trong những con hẻm nhỏ, dưới cái nắng gay gắt tranh thủ đến đưa cơm cho các cụ già neo đơn.
|
Vừa vào căn nhà nhỏ của cụ Võ Thị Châu 80 tuổi, Cường nhanh tay lấy cơm cho vào chén, đưa đũa mời cụ dùng bữa trưa. Căn nhà chừng 6m2, đồ đạc bừa bộn được Cường dọn nhanh để có chỗ cho bà ngồi ăn cơm.
“Tui sống có một mình, trưa nào tụi nhỏ cũng đến đưa cơm. Dù nắng hay mưa tụi nó cũng đến, tui xúc động lắm...” - cụ Châu cho biết.
Năm 2009, vừa chân ướt chân ráo về làm bí thư Đoàn phường 2, Lê Phú Cường đã cho ra đời công trình “Bữa cơm nhân ái” cho các cụ già neo đơn trên địa bàn phường. Trưa nào Cường cũng mang cơm đến tận nhà cho các cụ, không bỏ bữa nào dù là ngày lễ. Công trình đã bước sang năm thứ ba với tám suất cơm được vận động mang đến nhà vào bữa trưa cho các cụ.
“Đa số các cụ đều sống một mình, hoàn cảnh khó khăn nên một bữa cơm ngon cũng khó có được”, Cường bộc bạch. Chính vì ý nghĩa đẹp của việc làm này - lá lành đùm lá rách - mà Cường nhận được sự ủng hộ của những tiệm cơm anh đến vận động xin phần ăn trưa cho người già khó khăn.
“Mình có cơm, mấy em bên Đoàn có công mang đến cho các cụ, xem như cùng nhau chia sẻ khó khăn với bà con mà thôi” - chị Khánh Lê, chủ quán cơm Ti Ti, chia sẻ.
Cường đã xây dựng nhóm xung kích để các bạn trẻ chia nhau đưa cơm. Cường cho biết: “Nhiều bạn sau khi tham gia những bữa đưa cơm đã thổ lộ họ được học thêm bài học yêu thương và muốn được chia sẻ với những người khó khăn hơn...”. Những dịp lễ, tết ngoài những phần quà vận động được, Cường và các bạn còn dọn dẹp vệ sinh, trang hoàng nhà cửa giúp các cụ thêm không khí ngày vui...
Với Cường, công trình “Bữa cơm nhân ái” cũng là cách để Đoàn phường chuyển tải bài học về tình người của Bác Hồ đến với đoàn viên thanh niên trong phường. “Riêng bản thân tôi còn học được ở Bác hai chữ cần - kiệm, tôi thực hành thường xuyên để góp phần phát triển đơn vị, xã hội”.
Cường là tác giả của nhiều công trình khác như “Phổ cập tin học và ngoại ngữ cho thanh niên”, “Đồng hành cùng người lính”, sổ tiết kiệm “Vì người bạn tòng quân”; giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề miễn phí hoặc vay vốn làm ăn, học tập cho thanh niên xuất ngũ. Cường còn vận động các chiến sĩ công an trẻ thành lập đội hình xung kích lập chốt để truy quét và xóa dần nạn đua xe trên địa bàn.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)