Hình ảnh đầy choáng ngợp cho thấy hơn 50.000 ngôi sao và những đám mây hỗn loạn ở trung tâm, tức vùng lõi, của Dải Ngân hà chúng ta. Đây là khu vực cách siêu hố đen khoảng 300 năm ánh sáng và 25.000 năm ánh sáng so với trái đất.
Trong khi các nhà thiên văn học từ lâu đã biết về những đặc điểm của khu vực trên, hình ảnh mới cuối cùng có thể mang đến câu trả lời cho những bí ẩn về môi trường dữ dội tại phần lõi Dải Ngân hà.
Nhà điều tra trưởng của nhóm nghiên cứu là Samuel Crowe, hiện là sinh viên Đại học Virginia ở thành phố Charlottesville cho hay: "Trước đây chưa từng có dữ liệu hồng ngoại nào về khu vực trên với cấp độ phân giải và độ nhạy cao như chúng ta được kính James Webb cung cấp như hiện nay. Vì thế chúng tôi lần đầu tiên quan sát được nhiều đặc điểm ở lõi Dải Ngân hà".
"Kính James Webb tiết lộ những chi tiết ấn tượng, cho phép chúng tôi nghiên cứu hoạt động hình thành sao bên trong môi trường theo cách thức chưa từng thực hiện được trước đây", anh Crowe cho biết.
Hình ảnh trên đã được ghi nhận nhờ vào camare hồng ngoại của JWST là NIRCam. Đây là thiết bị phát hiện ánh sáng từ những ngôi sao cổ xưa nhất và các thiên hà đang trong quá trình tượng hình, cộng đồng sao ở những thiên hà kế cận, những ngôi sao trẻ của Dải Ngân hà và các thiên thể ở Vành đai Kuiper.
Nhờ kính James Webb, đội ngũ chuyên gia cũng có thể nghiên cứu từng ngôi sao ở trung tâm Dải Ngân hà, cho phép họ biết được cách thức chúng hình thành và môi trường ảnh hưởng như thế nào đối với quá trình này.
Chẳng hạn, họ phát hiện một phôi sao chưa từng biết trước đó, với khối lượng lớn gấp 30 lần mặt trời. Từ đó, nhóm chuyên gia hy vọng có thể tìm ra câu trả lời tại sao trung tâm Dải Ngân hà lại sản sinh ra nhiều ngôi sao khổng lồ hơn so với cấu trúc hình xoắn ốc của nó.
Các ngôi sao khổng lồ là nơi sản sinh những nguyên tố nặng ở lõi hạt nhân. Do vậy việc tìm hiểu những đối tượng này góp phần vào nỗ lực tăng cường sự hiểu biết về câu chuyện nguồn gốc của đa số vũ trụ.
Bình luận (0)