Anh, Đức thắt chặt quan hệ quốc phòng giữa quan ngại hậu bầu cử Mỹ

Trí Đỗ
Trí Đỗ
25/07/2024 14:09 GMT+7

Anh và Đức ngày 24.7 ra một tuyên bố quốc phòng chung nhằm thắt chặt quan hệ hợp tác, tăng cường ngành công nghiệp quốc phòng, củng cố an ninh châu Âu và hỗ trợ Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey ngày 24.7 có cuộc hội đàm với người đồng cấp Đức Boris Pistorius tại Berlin (Đức). Chuyến thăm của ông Healey nằm trong khuôn khổ chặng công du kéo dài 2 ngày đến một loạt nước gồm Pháp, Ba Lan và Estonia nhằm nhắn gửi cam kết của chính phủ Lao động mới về việc tăng cường quan hệ quốc phòng với các đồng minh trong Liên minh châu Âu (EU), theo Reuters.

Anh, Đức thắt chặt quan hệ quốc phòng giữa quan ngại hậu bầu cử Mỹ- Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius (phải) chào đón Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey tại Berlin ngày 24.7.2024

AFP

Bộ trưởng Healey cho biết trong một tuyên bố: "Những chuyến thăm này gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng an ninh châu Âu sẽ là ưu tiên hàng đầu về quốc phòng và đối ngoại của chính phủ này. Trong đó, tuyên bố quốc phòng mới giữa Anh và Đức sẽ khởi động một mối quan hệ quốc phòng mới và sâu sắc, được xây dựng dựa trên các giá trị chung của hai quốc gia".

Về phần mình, Bộ trưởng Pistorius cho biết: "Chúng tôi muốn củng cố ngành công nghiệp vũ khí của mình. Chúng tôi muốn hợp tác chặt chẽ hơn trong việc phát triển, sản xuất và mua sắm vũ khí và đạn dược".

Theo tuyên bố chung sau hội đàm, Anh và Đức sẽ tìm cách duy trì và phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng ở châu Âu, thúc đẩy các sáng kiến mua sắm chung và cùng hợp tác nghiên cứu để cải thiện sản xuất và đổi mới.

Theo Politico, mặc dù thỏa thuận trên không đánh dấu sự thay đổi lớn ngay lập tức trong quan hệ giữa quân đội và bộ quốc phòng hai nước, nhưng cả hai bên sẽ dần chuẩn hóa hệ thống vũ khí và đạn dược.

Việc thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn diễn ra khi NATO gần đây đánh giá chi phí khổng lồ để sửa chữa và nâng cấp hệ thống phòng thủ yếu kém của châu Âu nhằm ứng phó lo ngại gia tăng về kịch bản hậu xung đột Nga - Ukraine.

Bên cạnh đó, hợp tác Anh - Đức khi quan ngại ngày càng tăng về chiến thắng của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 tới có thể gây ra thảm họa cho an ninh châu Âu và đe dọa đến các khoản viện trợ cho Ukraine. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI-Thụy Điển), Anh và Đức là 2 quốc gia viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine ở châu Âu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.