Để tưởng nhớ ông, Thanh Niên xin giới thiệu một bài viết của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trích trong sách Hồ Nghinh, một chiến sĩ, một con người (NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003).
Tôi được đề nghị viết về anh Hồ Nghinh nhân dịp anh 90 tuổi, một vị lão thành cách mạng tâm huyết, có chủ kiến và trung thực. Tôi đánh giá đó là một người cộng sản chân chính và tôi kính trọng những con người như vậy. Anh lớn hơn tôi gần một con giáp, khi còn trong chiến tranh chống Mỹ, ở chiến trường Khu V tôi thường được biết đến anh Võ Chí Công, anh Tư Thuận, và lúc ấy tôi chưa có dịp tiếp xúc với anh Hồ Nghinh.
Sau ngày thống nhất đất nước, tôi gặp anh Hồ Nghinh lần đầu tiên vào đầu những năm 1980, trên đỉnh đèo Hải Vân, ranh giới giữa Huế và Đà Nẵng, khi tôi là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước về làm việc với các tỉnh miền Trung. Lúc đó, anh là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Lần gặp đầu tiên, chúng tôi làm việc như một mối quan hệ bình thường, quan hệ giữa Trung ương và tỉnh, chúng tôi trao đổi với nhau trong công việc. Anh Nghinh báo cáo tình hình của tỉnh và những khác biệt giữa điều hành vĩ mô với thực tế các mặt kinh tế, chính trị, xã hội ở các địa phương.
Chúng tôi hiểu nhau và thực sự chia sẻ được nhiều quan điểm với nhau, nhất là trong mối quan hệ giữa địa phương trong chiến tranh và sau khi giải phóng miền Nam ở TP.HCM, và anh Nghinh cũng từng làm Bí thư tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nên từ những thực tế lãnh đạo và những vướng mắc cần tháo gỡ ở các địa phương đã làm cho chúng tôi dễ cảm thông nhau.
Sau Đại hội V, anh về công tác ở Ban Kinh tế T.Ư. Anh Nghinh cùng một số anh em có đồng quan điểm như anh Hà Nghiệp, anh Đoàn Duy Thành, cùng các chuyên viên đã góp phần làm rõ những nguyên nhân dẫn đến trì trệ trong xây dựng kinh tế do cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp ngự trị quá lâu, cần phải đổi mới toàn diện. Những trăn trở suy nghĩ đó được bộc lộ khá mạnh từ phía anh, đã góp phần cho quá trình chuẩn bị Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, một nghị quyết đóng vai trò then chốt để đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay. Tiếp sau trong quá trình thực hiện tôi có dịp gặp gỡ trao đổi riêng với anh Hồ Nghinh. Anh vẫn kiên định về sự nghiệp đổi mới của đất nước và thường bày tỏ sự lo ngại về lực cản của sự phát triển.
Tôi thấy ở anh có một chủ kiến và không rào đón. Anh rất ghét các loại cơ hội, bảo thủ và lý luận suông không gắn liền với thực tiễn cuộc sống của đất nước.
Thêm nữa, tôi có một ấn tượng đẹp về anh Hồ Nghinh, anh phát biểu về quan điểm và ý kiến khác của mình để làm sáng tỏ những ý kiến khác nhau. Tôi cho đó là việc bình thường, cần thiết, và đặc biệt ở anh tôi không thấy ý thức cục bộ, biệt phái.
Tôi với anh Hồ Nghinh còn gặp nhau ở một vấn đề khác, trong đánh giá cán bộ không qua nói hay, nói đúng đường lối, quan điểm của Đảng, mà vấn đề là thực sự làm có hiệu quả, đó là tiêu chí hàng đầu - là dám làm, dám chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng.
Khi anh nghỉ hưu rồi, tôi vẫn còn tiếp tục công tác, có những vấn đề về cán bộ ở Quảng Nam Đà Nẵng có dịp gặp tôi vẫn tham khảo ý kiến anh, tôi thấy anh vẫn còn minh mẫn trong đánh giá cán bộ, có kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn và khách quan.
Tôi hiểu biết về anh Hồ Nghinh so với nhiều đồng chí chắc chắn là còn hạn hẹp và tất nhiên là không ai trên đời này đều hoàn hảo ở mọi mặt. Song những gì tôi biết và viết về anh ở trong bài này là những nét căn bản. Với sự quý trọng đối với một con người, tôi xin góp phần khiêm tốn của mình vào những sáng kiến viết một tập sách về cuộc đời và sự nghiệp của anh Hồ Nghinh.
Võ Văn Kiệt (Nguyên Thủ tướng Chính phủ)
Bình luận (0)