Từ nuôi bò sang nuôi trâu
Giữa Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi có một mối thâm tình đặc biệt. Có lẽ, đàn trâu Mura với 502 con được đưa từ Ấn Độ về Việt Nam cũng được bắt nguồn từ mối thâm tình này. Trại thực nghiệm trâu Mura Sông Bé tiếp nhận đàn trâu Mura từ Ấn Độ với không ít băn khoăn vì đây là giống trâu rất đặc biệt. Hồ Giáo được điều từ Ba Vì về trại trâu này không phải vì ông “thân thiết” với Thủ tướng Phạm Văn Đồng mà cái chính là Hồ Giáo, bằng kinh nghiệm mấy chục năm nuôi bò ở Ba Vì, sẽ giúp cho đàn trâu Mura không chỉ tồn tại trên quê hương mới mà còn phát triển một cách tốt nhất. Và ông đã đáp lại kỳ vọng đó cho đến lúc về hưu lần thứ nhất (1990).
|
Ông Thế, một cựu sĩ quan quân đội, nói về người cậu của mình: “Ra Bắc mấy chục năm, lại là đại biểu Quốc hội nữa, nổi tiếng khắp nơi, nhắc đến tên Hồ Giáo ai cũng biết, những tưởng cậu Giáo của tôi dành dụm được ít nhiều, nào ngờ trong túi chỉ có mấy nghìn lận lưng, không có lấy một chiếc xe đạp mà đi nữa. Hỏi cậu “mợ đâu?”, cậu lắc đầu cười trừ”. Về Quảng Ngãi thăm quê được vài hôm, ông đáp tàu lửa vô Sài Gòn rồi ngược lên Sông Bé. Bấy giờ, Hồ Giáo cũng đã ngót nghét năm mươi, ông vẫn “cô đơn toàn phần”. Đàn trâu Mura vẫn là “lực hút” duy nhất đối với ông.
Trong suốt gần 15 năm gắn với Trại thí nghiệm trâu Mura ở Sông Bé, “khẩu hiệu” mà Hồ Giáo luôn luôn dành cho đàn trâu là: “Ăn tốt, đẻ đều, không bệnh” để “cho thịt nhiều, sữa nhiều và lai tạo đàn hiệu quả”. Về Sông Bé, ông lại gắn với những cánh đồng cỏ như thời Ba Vì, lại kham khổ với những “tiêu chí” do chính ông đặt ra và thuần dưỡng những con trâu cứng đầu cứng cổ, ông tiếp tục cô đơn trong niềm vui công việc mỗi ngày... Hồ Giáo không nói nhiều về quãng thời gian gần 15 năm gắn bó với đàn trâu Mura ở Sông Bé. Tính ông lâu nay vẫn vậy, ít khi ông nói về mình và về công việc nhọc nhằn mà số phận đã sắp đặt cho ông, ngay cả cái việc ông nhận danh hiệu Anh hùng Lao động lần thứ 2 năm 1986 ông cũng không buồn nhớ. Ông là người đầu tiên ở Việt Nam nhận danh hiệu cao quý ấy 2 lần trong đời, mỗi lần cách nhau 20 năm, cho mỗi một việc là nuôi bò/trâu. “Kỷ lục” ấy, nếu rơi vào người khác, hẳn số phận của họ đã thay đổi, nhưng với Hồ Giáo thì không. Có lần tôi hỏi ông: “Có khi nào bác mơ đến chức... giám đốc không?”. Ông nhỏ nhẹ đến hiền lành: “Tôi chỉ mong làm sao hoàn thành tốt nhất công việc nuôi trâu của mình thôi. Không nên ham những gì mà khả năng mình không có. Cũng có lần người ta “gợi ý” chức này chức kia nhưng tôi từ chối”.
Quê nhà tôi ơi...
Cuối năm 1990, Hồ Giáo nhận sổ hưu. Cứ ngỡ đàn trâu Mura mà ông gắn bó gần 15 năm ấy sẽ “tiễn” ông về Sài Gòn theo lời mời của một ông chủ trại bò sữa ở Hóc Môn với mức lương tính ra vàng thời đó là 3 chỉ/tháng. Hồ Giáo còn đang lưỡng lự với mức lương hấp dẫn ấy thì một “lời nhắn” từ Hà Nội đã xua tan ý định ấy của ông. Hồ Giáo kể: “Thực ra thì tôi muốn được tiếp tục nuôi bò chứ không hẳn là đã ham số tiền quá lớn ấy. Bác Phạm Văn Đồng đã cho người vô tận Sông Bé gọi tôi về Quảng Ngãi. Trại trâu ở đây đã “biếu” cụ 15 con trâu Mura, giao cho tôi mang về quê để tiếp tục nuôi với kỳ vọng là sẽ “Mura hóa” đàn trâu cỏ của tỉnh nhà. Thế là tôi về cùng đàn trâu, lên tận Nghĩa Hành như anh biết đấy”.
Trở lại quê nhà cùng chiếc túi đã sờn và vài bộ quần áo cũ, Hồ Giáo lại bắt đầu một công việc mới nhưng không xa lạ với ông: tiếp tục nuôi trâu! Hành trang trở lại quê lần này của ông có đàn trâu Mura 15 con và hai danh hiệu Anh hùng lao động. Riêng “tài sản”, nói như ông Thế - cháu Hồ Giáo, thì “vẫn trắng tay”. Bù lại, khác với những lần thăm quê trước đó, Hồ Giáo cô độc giữa sân ga, lần này, ra đón ông còn có vợ và con gái.
Trại trâu Mura ở xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, cách nhà Hồ Giáo chừng 6 km. Không đi được xe đạp, lại chưa từng sở hữu “phương tiện hiện đại” này lần nào nên Hồ Giáo đành cuốc bộ. Với trai trẻ, 6 km hay xa hơn nữa thì cũng chẳng là gì nhưng với một ông già đã qua tuổi 60 như Hồ Giáo, đó là một khoảng không gian vời vợi. Những người đàn bà đi chợ mai từ huyện Nghĩa Hành về TP.Quảng Ngãi đã quá quen với hình ảnh này: Có một ông cụ mặc bộ quân phục đã cũ, đầu đội nón lá (sau này thì đội mũ bảo hiểm), chân mang dép nhựa mòn vẹt, tay cắp lồng cơm, lặng lẽ đi trong sương sớm, nhằm hướng Nghĩa Hành trực chỉ, người đó là Hồ Giáo. Ngày nào cũng vậy, bất kỳ đó là ngày lễ hay chủ nhật, ông vẫn không bỏ đàn trâu.
Có những năm, ông lui cui cắt cỏ đến tận chiều 30 tết với lý do là “người ăn tết, trâu cũng phải ăn no chứ”. Có lần, tôi hỏi ông Giáo: “Họ trả cho bác mỗi tháng bao nhiêu?”. Ông ngập ngừng một lát rồi nói: “300.000 đồng anh à”. Đó là đầu những năm 2000. Đến khi Hồ Giáo “về hưu lần 2” năm 2011, lương của ông được “nâng” lên 700.000 đồng/tháng. 700.000 đồng/tháng cho công việc nuôi trâu không nghỉ ngày nào, Hồ Giáo quả là “anh hùng”! Nhưng ông có niềm vui trong công việc mà không phải ai cũng có được. Nhớ có lần Quảng Ngãi lụt lớn, nước băng cầu Xóm Xiết, phong tỏa đường lên trại trâu khiến lòng ông như lửa đốt. Hai ngày sau, Hồ Giáo mới có mặt tại trại trâu. Nhìn cảnh đàn trâu được ông đặt tên cho từng con, này là Thọ Lộc (nơi đặt Đài phát thanh Nam bộ trong kháng chiến chống Pháp), này con Quang Thạnh (nơi lính Đại Hàn sát hại hàng trăm người dân), kia con Lý Sơn... cứ ùa ra vây lấy ông như thể đón mẹ chợ về, mới hiểu vì sao Hồ Giáo suốt đời yêu quý con trâu đến thế.
Đàn trâu Mura giờ đã “giải thể”, bao kỳ vọng của Hồ Giáo đã tiêu tan nhưng những cái tên yêu mến mà ông đặt cho từng con trâu ấy cứ đêm đêm thức ngủ giữa lòng già.
Trần Đăng
Bình luận (0)