Anh hùng Hồ Giáo - Kỳ 6: Yêu như Hồ Giáo

02/02/2013 00:50 GMT+7

Có 4 người đàn bà đi qua cuộc đời Hồ Giáo nhưng ông chọn bến đỗ cuối cùng cho đời mình: bà Huỳnh Thị Thành, một o bộ đội vừa mới chuyển ngành, không cần tỏ tình, chẳng lời hẹn ước nhưng lại se tơ kết tóc trăm năm.

>> Anh hùng Hồ Giáo - Kỳ 5: Con nghé mang tên Lý Sơn

Mắc nợ với buồng cau

Năm 1953, từ chiến trường Kon Tum về, Hồ Giáo quyết định lấy vợ. Ông kể: “Bấy giờ tôi đang là bộ đội, nay đây mai đó, chết sống lúc nào không biết nên lấy vợ chi cho khổ người ta. Nhưng “trốn” mãi cũng chẳng được, cha mẹ tôi nói như ra lệnh: Giáo phải lấy vợ trong năm nay! Nhưng cũng chỉ mới bỏ lễ bằng một buồng cau thôi. Hẹn qua năm là cưới nhưng rồi Hiệp định đình chiến năm 1954, tôi phải đi tập kết. Thế là đành dở dang”. Nhưng khổ nỗi, trong lý lịch của mình, bao giờ Hồ Giáo cũng khai là đã có vợ. Sự “thiệt thà” này vô tình đã trói chặt ông suốt mấy chục năm sau đó trên đất bắc.

Ngày đứa con gái của ông với bà Huỳnh Thị Thành lấy chồng, tôi là nhà báo duy nhất được ông mời ăn cưới, với lý do “tôi muốn trả ơn anh”. Vì sao phải “trả ơn”, tôi sẽ kể sau. Dự đám cưới đứa con gái của ông, tôi nhìn khắp lượt, thấy toàn người lạ, dù Hồ Giáo mà mời cưới cho con, không một vị lãnh đạo nào trong tỉnh vắng mặt. Thì ra ông “trốn” hết, chỉ mời một vài người ở trại trâu, bà con quanh xóm ông đang ở và một ít khách ở quê. “Bây giờ, ai cũng “kêu” cho cái chuyện mời ăn cưới nên tôi không muốn làm phiền anh à”. Ông nói lý do vì sao đám cưới đứa con gái duy nhất của ông chỉ có khoảng 5 mâm cỗ.

Anh hùng Hồ Giáo - Kỳ 6: Yêu như Hồ Giáo
Hồ Giáo và các “thiếu nữ Đội 8” năm xưa. Bà Huệ, người đứng cạnh Hồ Giáo - Ảnh: Trần Đăng

Dù Hồ Giáo “trốn” rất nhiều vị khách đáng được mời, song có một vị khách đặc biệt mà ông không thể “quên”. Đó là bà Ngô Thị Trúc, người vợ mà ông chỉ kịp đính hôn trước khi đi tập kết, người đã “trói” ông, đúng hơn là ông “tự trói” mình bằng mấy dòng ghi trong lý lịch. Ông luôn cảm thấy mắc nợ với “người ấy” chỉ vì một buồng cau ngày ăn hỏi. Nói ông thủy chung thì cũng không hẳn, song ông là điển hình của sự nghiêm túc và nguyên tắc. Nguyên tắc đến nỗi, người cháu gọi ông bằng cậu, anh Thế, năm 1969 vượt Trường Sơn ra bắc và theo học lớp sĩ quan tại Sơn Tây đã viết cho ông cái giấy xác nhận là bà Trúc đã có chồng rồi để ông được “giải phóng”, nhưng Hồ Giáo vẫn bán tín bán nghi để rồi  tiếp tục cô đơn cùng mấy dòng “đã có vợ” ghi trong lý lịch. 

Những người “bí mật”

Ngày bà Trúc từ quê xuống dự đám cưới con gái Hồ Giáo ở TP.Quảng Ngãi, cả nhà ông chẳng ai biết người phụ nữ “lạ hoắc” này. Bà Thành vợ ông tò mò hỏi: “Ông ơi, người phụ nữ tóc bạc kia là ai vậy mà tôi không biết?”. Ông Giáo chỉ đáp gọn trơn: “Bà Trúc, vợ cũ của tôi chớ ai!”. Ở với nhau đã đầu bạc răng long rồi mà cho đến hôm đó, bà Thành mới được ông Giáo hé lộ một “góc khuất” của đời ông.

Mà đâu chỉ “mối tình đầu” với bà Trúc, ông Giáo mới giữ kín bưng như vậy. Hôm ngồi trò chuyện với anh Thế, cháu gọi Hồ Giáo bằng cậu, tôi mới biết thêm về những người đàn bà đã đi qua đời ông. Anh Thế kể: “Năm tôi ra bắc để theo học một lớp huấn luyện cấp tốc tại Sơn Tây, chỉ cách Nông trường Ba Vì mươi phút xe đạp mà nào có biết cậu Giáo của tôi đang ở đó. Tình cờ có người mách cho địa chỉ của cậu, tôi ghé thăm. Cứ tưởng cậu tôi nhà cửa vợ con đàng hoàng rồi, nào ngờ vẫn là “lính phòng không”. Cũng trong thời gian đó, trong một lần đi họp Quốc hội dưới Hà Nội, cậu Giáo được ông Phạm Văn Đồng mời ăn cơm. Trong bữa cơm, ông Đồng có “đặt vấn đề” chuyện vợ con cho cậu Giáo. Người phụ nữ ấy là một cán bộ lãnh đạo của tỉnh Hà Tây, có chồng hy sinh tại chiến trường Lào. Cô ấy là người thông minh và khá sắc sảo. Hôm ông Đồng “sắp xếp” cho hai bên gặp nhau, suốt bữa cơm cậu Giáo chỉ... cười. Cô kia thì “độc chiếm diễn đàn” bằng hàng loạt tình hình thời sự trong nước. Thấy cậu Giáo chẳng phản đối, cứ tưởng như thế là xong, nào ngờ, mấy tháng sau ông Đồng “kiểm tra”, cậu Giáo trả lời: Cháu thấy cô ấy cũng xinh, nhưng cổ nói chính trị quá chú. Thế là... hết phim”. Năm 1975, trong lần về quê ngắn ngủi với gánh lốp xe, Hồ Giáo gặp lại bạn cũ đang là Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh. Thấy Giáo U.50 rồi mà vẫn cô đơn, ông bạn bèn mai mối cho một cô đang là chủ tịch công đoàn của một ngành trong huyện. Ông bí thư dàn xếp để hai bên gặp nhau. Hồ Giáo vẫn cứ... cười cười. Những tưởng đã được, nào ngờ sau buổi gặp ấy, ông bạn bí thư hỏi Hồ Giáo: “Chừng nào có thể đốt pháo được vậy?”. Giáo nói luôn: “Cô ấy lúc nào cũng nói chuyện tiền bạc, tôi đau đầu lắm anh ơi. Thôi vậy”. Ông bí thư chỉ còn biết kêu trời.

Năm tôi đưa ông Giáo trở lại Ba Vì, một “góc khuất” nữa của đời ông đã được lộ sáng. Trong những cô “thiếu nữ Đội 8” ấy có một người khá xinh đẹp. Dù đã bước sang tuổi 70 nhưng trên khuôn mặt của bà vẫn còn vương những nét thanh xuân thời thiếu nữ. “Cô Huệ”, tên người đàn bà ấy, vẫn không thôi ray rứt Hồ Giáo mấy chục năm qua. “Cô Huệ” chẳng nói chính trị, cũng không đề cập đến chuyện tiền bạc, lại xinh xắn nữa, không ngớt “tấn công” Hồ Giáo nhưng bao giờ Giáo cũng nói “tôi đã có vợ trong nam rồi”. Hôm gặp lại Hồ Giáo, bà Huệ đặt tay mình lên vai “người cũ”, giọng vẫn còn hờn trách: “Anh Giáo chê em chứ không thì giờ con đàn cháu đống rồi”. Hồ Giáo nói như an ủi: “Tôi nào dám chê, cô Huệ ơi! Lỡ ghi trong lý lịch có vợ rồi nên mới thế”. Cả hai cùng cười mà mắt ai cũng đỏ hoe. Tất cả những người đàn bà vừa kể ấy, Hồ Giáo đã “bí mật” với bà Thành hơn 30 năm nay. Khi nghe tôi “thống kê” những cuộc tình của ông Giáo, bà Thành chỉ cười: “Chỉ có tôi là ông ấy mới công khai thôi”.

Cho mãi đến năm 51 tuổi (1981), Hồ Giáo mới chính thức lấy vợ. Bà Thành, vợ ông bây giờ, nguyên là bộ đội, nhỏ hơn Hồ Giáo 17 tuổi. Thấy cậu mình cứ “lang thang cơ nhỡ”, suốt ngày mê trâu chứ không mê đàn bà mà tuổi thì ngày càng chồng chất, anh Thế mới “mai dong” bà Thành cho ông cậu. Chẳng tán tỉnh thư từ gì, ông Giáo chỉ hỏi một câu chắc cú: “Thành có muốn lấy anh không?”. Bà Thành đỏ mặt. Thế là kết thúc chuỗi cô đơn của người anh hùng. Ba ngày sau đám cưới, đàn trâu Mura tận Sông Bé đã “gọi” Hồ Giáo lên đường. Ông chỉ kịp để lại cho bà Thành một giọt máu mang tên Hồ Thị Tuyết Minh một năm sau đó.

Trần Đăng

>> Anh hùng Hồ Giáo - Bên ngoài trang sách
>> Đưa hài cốt anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh về quê nhà
>> Mùa xuân thăm mẹ anh hùng
>> Mẹ anh hùng hiến đất xây trường
>> Mở rộng diện tặng danh hiệu “Bà mẹ VN anh hùng”  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.