Anh hùng Hồ Giáo - Kỳ 5: Con nghé mang tên Lý Sơn

Anh hùng Hồ Giáo - Kỳ 5: Con nghé mang tên Lý Sơn

01/02/2013 00:15 GMT+7

Có lần ông Hồ Giáo nói với tôi: “Tôi chỉ có mỗi một đứa con gái, đặt luôn tên cháu là Minh - Hồ Thị Tuyết Minh, nhưng những cái tên mà tôi đặt cho các chú bê, chú nghé thì nhiều vô kể. Những chú bê, chú nghé ấy, tôi cũng coi chẳng khác con mình”.

>> Anh hùng Hồ Giáo - Kỳ 4: Ba Vì xanh thẳm

Đặt tên quê cho nhớ

Năm 1999, trận lũ lịch sử nước dâng tứ bề khiến Hồ Giáo phải đứng bên này cầu Xóm Xiết thuộc xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa để nhìn về trại trâu Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành trong nỗi lo lắng đầy xót thương. Cách nhau có một con suối nhưng mà vời vợi nghìn trùng do nước lũ đã tràn mặt lộ, không một phương tiện nào dám liều mạng qua lại. Hồ Giáo đành cắp cặp lồng cơm nguội ngắt mà quay về nhà. Hôm sau lại quay lên, lũ vẫn chưa chịu rút. Ông đành thở dài bất lực. Thực ra, anh em công nhân ở trại trâu Hành Thuận vẫn cho trâu ăn đều đặn, không bỏ đói bữa nào nhưng Hồ Giáo vẫn không an tâm. Bao giờ ông cũng muốn mình phải là người trực tiếp chăm sóc chúng.

Ông Hồ Giáo với đàn trâu Mura ở Nghĩa Hành
Ông Hồ Giáo với đàn trâu Mura ở Nghĩa Hành - Ảnh: Trần Đăng 

Sau 3 ngày bị nước lũ phong tỏa, Hồ Giáo mới trở lại trại trâu Mura Nghĩa Hành. Tôi theo chân ông đến trại trâu và quá đỗi ngạc nhiên khi lần đầu tiên được chứng kiến cảnh “trâu mừng bác Giáo”. Trừ những con trâu lớn được nhốt trong chuồng, rào chắn cẩn thận, đàn nghé chừng vài ba tháng tuổi được thả tự do. Thấy ông Giáo thập thò đầu ngõ, chúng lao đến bên ông và kêu inh ỏi. Không vội “đáp lễ” sự vui mừng ấy, ông Giáo vẫy tay chào rồi bước vào căn phòng vẫn dành riêng cho ông lưu lại mỗi buổi trưa. Ông đặt cặp lồng cơm lên bàn, thay bộ đồ “vía” bằng một bộ quần áo rất tã. Tôi theo chân ông Giáo lên đây là để... chụp hình, nhưng ăn mặc thế kia thì còn gì là ảnh với hình! Nghĩ vậy, tôi can ông Giáo: “Ấy chết, bác để nguyên bộ đồ lúc nãy rồi ra gặp đàn trâu để cháu chụp ảnh chớ!”. Ông Giáo dứt khoát: “Không được đâu anh. Mấy con trâu nghé này đời nào nó chịu tôi ra chăm nó mà ăn bận sạch sẽ như vậy! Nó đã quá quen với mùi mồ hôi từ những bộ quần áo cũ này rồi”. Bấy giờ tôi mới vỡ lẽ vì sao tại căn phòng mà người ta sắp xếp cho ông nghỉ lại buổi trưa, bao giờ ông cũng để hai, ba bộ quần áo quá cũ nhưng chẳng chịu “tân trang”.

Mặc bộ đồ cũ, loang lổ những vết sờn, ông Giáo vơ vội chiếc liềm rồi xăm xúi ra vườn cỏ. Đàn nghé, sau khi được bác Giáo “chào xã giao”, chúng lặng lẽ trở về vị trí của mình một bên trại trâu. Thấy ông ra vườn cỏ, chúng lại tiếp tục... mừng. Hồ Giáo quan sát thấy thiếu một con, ông í ới gọi: “Lý Sơn đâu?”. Một chú nghé mải chơi phía sau chuồng, vội vã chạy đến. Ông Giáo đã đem đến cho tôi một bất ngờ nữa khi xướng lên cái tên Lý Sơn quen thuộc ấy. Tôi hỏi: “Sao lại là Lý Sơn hả bác?”. “Ừ thì con này có vẻ “sóng gió”, nó nghịch nhất nên đặt tên vậy”. Tôi lấn tới: “Vậy, con nào cũng có tên?”. “Đúng rồi, đây là con Thọ Lộc, kia là con Tịnh Sơn, còn con xa xa kia là Quang Thạnh”. Rồi ông hỏi tôi: “Anh có biết Quang Thạnh không?”. Tôi ậm ừ, cố moi trong bộ nhớ của mình để trả lời với ông về cái địa danh vừa quen vừa lạ ấy. Ông giải thích liền: “Đó là tên một đồi tranh thuộc xã Tịnh Thọ, nơi từng diễn ra trận đánh giữa mình với lính Đại Hàn năm 1967, ta tổn thất nhiều nhất. Năm ngoái (1998), ngành thương binh đã phát hiện hàng trăm hài cốt của anh em mình nằm ở đó mấy chục năm nay. Tôi đặt tên cho con nghé này nhân sự kiện đó, cho dễ nhớ ấy mà”. Thì ra ông Giáo “đáo để” hơn tôi tưởng. Ông đặt những cái tên cho mỗi con trâu bao giờ cũng gắn với một địa danh của quê ông, riêng con Lý Sơn thì lại mang một hàm nghĩa khác.

Giải thể

Mang 15 con trâu Mura từ Sông Bé về Quảng Ngãi với mục tiêu đặt ra của các nhà quản lý tỉnh này là sau 10-15 năm, bằng kinh nghiệm của mình, ông Hồ Giáo sẽ “Mura hóa” đàn trâu cỏ vốn còi cọc trong tỉnh. Thế nhưng, sau 20 năm, khi Hồ Giáo “về hưu lần thứ 2”, đàn trâu Mura không những không phát triển như dự định mà teo tóp lại còn có 8 con, trong đó có 1 con không còn khả năng sinh sản nữa. Không phải ông Giáo kém mà người ta đã không chịu nghe ông.

Ông Giáo phân tích: “Con trâu Mura nặng gần cả tấn, không thể phối giống trực tiếp do sự chênh lệch trọng lượng nên trâu cỏ sẽ rất sợ nếu lần đầu nhìn thấy “bạn tình” của mình. Vì vậy, tôi đã đề xuất là, ngay từ bé, nên cho hai con nghé Mura và nghé cỏ làm bạn với nhau để nó “quen nhìn”, sau này nếu phối giống sẽ rất thuận lợi. Nhưng đề xuất đó có ai chịu nghe tôi đâu. Cho nên mấy chục năm qua, những con trâu Mura mang về ngày ấy chỉ sinh sản với nhau thôi, mà sản sinh như vậy sẽ rất dễ bị thoái hóa giống”.

Đúng ra là, không phải đàn trâu Mura 15 con mang về từ Sông Bé ấy, nay chỉ còn 8 con. Số liệu trên là do người ta chỉ thống kê những con trâu còn lại ở trại trâu Hành Thuận. Những năm trước đây, một số con trâu sinh ra từ trại trâu này cũng đã được “phân phối” về các địa phương nhưng kỳ vọng “Mura hóa” đàn trâu cỏ đã thất bại vì những lý do như ông Giáo đã phân tích. Báo cáo của tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đã có 45 con trâu Mura được “xuất xưởng” từ trại trâu này để “về trong dân” nhưng cho đến nay, các nhà quản lý cũng chẳng biết nó còn hay đã cho vào lò mổ rồi. Thực ra, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã quá ngán ngẩm với đàn trâu Mura vì tính hiệu quả của nó không cao. Chẳng qua vì bị “ấn xuống” nên đành chấp nhận mà nuôi như một nghĩa vụ bắt buộc phải làm. Cho nên, khi Hồ Giáo “về hưu lần 2” thì cũng là lúc người ta “tính sổ” luôn cho những con trâu còn lại.

Hay tin giải thể đàn trâu Mura tại trại trâu Hành Thuận vào cuối năm rồi, Hồ Giáo ngậm ngùi. Ông chẳng nói một lời nào nhưng tôi đọc được trong sự lặng im ấy, những cái tên Thọ Lộc, Quang Thạnh, Lý Sơn... lại thầm khẽ trong ông.

Trần Đăng

>> Anh hùng Hồ Giáo - Bên ngoài trang sách
>> Đưa hài cốt anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh về quê nhà
>> Mùa xuân thăm mẹ anh hùng
>> Mẹ anh hùng hiến đất xây trường
>> Mở rộng diện tặng danh hiệu “Bà mẹ VN anh hùng”  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.