“Anh hùng phải có giấy chớ !”
Cách đây khoảng 15 năm, ông Giáo ốm nặng. Có lẽ đó là trận ốm nặng duy nhất trong đời ông. Người nhà đưa ông xuống Bệnh viện Quảng Ngãi cấp cứu. Nhân viên bệnh viện chỉ “cấp cứu” cho ông Giáo khỏi chết, còn sau đó thì vẫn “lạnh lùng” trong đối xử như bao bệnh nhân khác. Thấy lạ, người cháu của ông mới hỏi: “Bác tôi anh hùng mà, sao lại không được nằm phòng như những cán bộ trung cao?”. Cô nhân viên của bệnh viện nói tỉnh queo: “Anh hùng phải có giấy chớ!”. Sau khi người cháu nói đây là anh hùng Hồ Giáo thì sự “tử tế” mới đến với ông. Tính Hồ Giáo là vậy, chả so đo, cò kè gì. Nếu hôm đó chỉ cần ông nói: “Tôi là Hồ Giáo đây”, hẳn sự lạnh lùng chẳng bao giờ xuất hiện trên khuôn mặt của các nhân viên y tế. Cam chịu, đó là một trong những “thuộc tính” của Hồ Giáo.
|
Năm 2004, Hồ Thị Tuyết Minh, con gái ông Giáo tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, ngành lịch sử, loại trung bình. Chiếu theo quy định của tỉnh Quảng Ngãi bấy giờ, chỉ những sinh viên tốt nghiệp “bằng đỏ” thì mới có quyền chọn trường nên người ta phân cho Minh lên Sơn Bao, một xã vùng cao của huyện miền núi Sơn Hà, để dạy học. Tôi biết, ông Giáo chỉ cần chịu khó đi “gõ cửa” một vài địa chỉ cần “gõ” là quyết định điều động con gái ông lên Sơn Bao sẽ được thay đổi. Nhưng ông chọn cái cách mà lâu nay ông vẫn ứng xử ở đời: im lặng trong cam chịu. Không phải ngành giáo dục ghét bỏ gì ông nhưng họ, một phần vì quá máy móc, phần vì không biết Hồ Thị Tuyết Minh là con gái duy nhất của một người có hai lần được tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Những vị lãnh đạo của tỉnh Quảng Ngãi thời ấy thì lại quá quan liêu với lập luận “con có khóc thì mẹ mới cho bú”! Họ nào biết ông Hồ Giáo đã phải đêm đêm khóc thầm khi nghĩ đến đứa con gái bé bỏng của mình phải sống giữa vùng rừng heo hút ấy.
Ghé thăm ông Giáo lần nào, tôi cũng thấy vợ chồng ông chép miệng thở dài khi nhắc đến đứa con. Và rồi, tôi đã làm cái việc phải làm trước nghịch cảnh ấy: viết một bài báo “kêu khổ” cho ông. Đọc bài báo ấy xong, mấy vị lãnh đạo ở Quảng Ngãi mới “à” lên một tiếng. Một năm sau thì Minh được điều về dạy tại một trường trung học cơ sở ở TP.Quảng Ngãi cho đến giờ. Ông Giáo đã trả ơn tôi bằng một thiệp mời đám cưới con ông là vì lý do như vậy.
Hồ Giáo còn là người của những ơn nghĩa. Chỉ mấy tập giấy vở và hộp bút của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi tặng để ông được “xóa mù” từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước ấy thôi mà suốt đời ông đau đáu. Vào Sông Bé với đàn trâu Mura được mang về từ Ấn Độ, rồi hồi hương về Quảng Ngãi để tiếp tục “bài ca Mura” ấy suốt 20 năm sau đó cũng vì điều ơn nghĩa ấy. Đã có một số ông chủ nuôi bò sữa ở miền Nam đến “đặt vấn đề” với Hồ Giáo bằng một mức lương hấp dẫn sau khi ông về hưu lần thứ nhất năm 1990, nhưng ông từ chối và chọn con đường về quê để tiếp tục nuôi trâu Mura với những đồng tiền “thù lao” mà nói ra chẳng mấy ai tin: 300.000 đồng/tháng rồi nhích lên 700.000 đồng/tháng trước khi ông nghỉ hẳn.
Người tử tế
Cỏ và trâu luôn gắn với đời Hồ Giáo. Nhưng với ông, đó phải là thứ cỏ sạch tuyệt đối. Và Hồ Giáo cũng “sạch tuyệt đối” như thứ cỏ mà ông vẫn cho trâu ăn hằng ngày. Anh Thế, cháu ông Giáo kể: “Hồi cậu Giáo còn ở Sông Bé, biết cậu tôi chẳng có nhà cửa gì ở quê, mấy anh lãnh đạo tỉnh này có nhã ý tặng ông 50 tấm tôn và 6 m3 gỗ sao để cậu làm nhà, sau này về hưu có chỗ mà ra vào. Họ nhắn tôi vô Sông Bé mang về. Tôi thuê chuyến xe, lòng khấp khởi mừng thầm. Đến nơi, hỏi cậu số gỗ và tôn đó đang để đâu cháu chở về, cậu Giáo gạt phắt: “Cậu có cái phòng tập thể ngoài quê rồi, mang gỗ về làm chi!”. Tôi lủi thủi ra về mà lòng nghe mặn đắng”. Còn nhớ năm 1992, ông Phạm Văn Đồng về Quảng Ngãi thăm quê. Ông gọi Hồ Giáo đến để thăm hỏi chuyện gia đình. Cuối buổi trò chuyện, ông Đồng hỏi: “Hằng ngày, Giáo có theo dõi thời sự không?”. Hồ Giáo đáp: “Dạ có, nhưng cháu chỉ nghe bằng chiếc radio mà cháu mang về từ ngoài bắc chú à”. Ông Đồng im lặng, chẳng nói gì thêm. Ông nhờ người dẫn Hồ Giáo ra tiệm bán đồ điện tử để Giáo chọn chiếc ti vi tùy thích. Hồ Giáo đã chọn chiếc ti vi mà ai cũng ngạc nhiên: chiếc Viettronic trắng đen! Mới đây, nhân ghé thăm ông Giáo, tôi hỏi chiếc ti vi ngày ấy giờ còn sử dụng không? Bà Thành, vợ ông nhanh nhảu: “Thằng con rể nó thay bằng chiếc ti vi màu rồi, còn chiếc trắng đen ấy, giờ thành chiếc... bẫy chuột anh à”. Hồ Giáo là vậy, nhận “của cho” thôi mà cũng sợ phiền người cho.
Nhớ chuyến đi Hà Nội cùng ông, có người bạn tôi biết Hồ Giáo đang có mặt tại thủ đô, anh ghé thăm ông và tặng ông cái phong bì. Tối về Hồ Giáo mở ra xem. Hết lấy ra săm soi rồi lại cất vào. Không biết mấy tờ bạc màu xanh “khác thường” ấy là gì, ông bèn hỏi tôi: “Anh à, bạn anh tặng tôi cái này, vừa giống tờ bạc lại vừa không giống. Nó là cái gì vậy?”. Tôi mở phong bì ra xem và thật bất ngờ: 300 USD. Rồi nói với ông Giáo: “Đô la đấy cụ!”. “Là nó bao nhiêu?”. “5 triệu đấy!”. Ông Giáo thốt lên: “Chu cha, chi mà nhiều dữ vậy?”. Hai lần anh hùng nhưng đó là lần đầu tiên ông thấy tận mắt, sờ tận tay và sở hữu tờ bạc mà cả “thế giới anh hùng” đều quen thuộc, chỉ mình Hồ Giáo là xa lạ mà thôi.
Năm cả nước bắt buộc mọi người ra đường phải đội mũ bảo hiểm, dù Hồ Giáo không biết đi xe đạp nhưng ông vẫn sai con gái đi mua cho ông một chiếc. Hỏi mua chi vậy? Ông bảo, đám thanh niên nó chạy xe máy ẩu lắm, mình đội mũ bảo hiểm, nhỡ nó có tông thì vẫn còn giữ được cái đầu. Tôi nghe đài nói nhiều về chuyện này mà!
Có người đặt câu hỏi: Vì sao Hồ Giáo nhận danh hiệu anh hùng, mà những 2 lần? Chơi với ông đã 20 năm nay, tôi cũng đã từng tự hỏi lòng mình như thế. Bây giờ thì tôi mới rõ: vì ông là… Hồ Giáo, một Hồ Giáo luôn tận tụy và trách nhiệm với công việc, một Hồ Giáo luôn luôn sạch, một Hồ Giáo không bao giờ quá phận, hay cơ cầu mà luôn tử tế với mọi người kể cả khi người ta chẳng chịu “tử tế” với ông.
Trần Đăng
>> Làm giàu từ nghề nông
>> Công nhận sản phẩm công nghệ nông thôn tiêu biểu
Bình luận (0)