Anh hùng Lao động Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk: Biến đối thủ thành đối tác

29/10/2005 21:28 GMT+7

Đầu tháng 10, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đã trúng thầu một hợp đồng xuất khẩu 15.000 tấn sữa bột vào Iraq trị giá hơn 51 triệu USD. Với hợp đồng này, dự kiến năm 2005, Vinamilk đạt kim ngạch xuất khẩu 137 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2004. Đây là hợp đồng xuất khẩu trở lại vào thị trường Iraq sau 1 năm bị gián đoạn. Thanh Niên đã có một cuộc trao đổi thú vị với người luôn gắn liền với những thành công của Vinamilk, Anh hùng Lao động Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk.

Đột phá tìm thị trường, công nghệ mới

Bà Mai Kiều Liên không giấu được niềm tự hào khi nói về thắng lợi trong việc trúng thầu cung cấp sữa vào thị trường Iraq. Bởi từ năm 1998, Vinamilk đã xuất khẩu trực tiếp vào thị trường này. Thành công này có được sau 2 lần liền bà đến Iraq khi chiến sự chực chờ để tìm hiểu thị trường. Thế nhưng, từ năm 2002, biến động chính trị tại khu vực Trung Đông đã làm giảm mạnh lượng hàng xuất khẩu của công ty. Năm 2004, sản phẩm của Vinamilk đã phải dừng lại bên ngoài biên giới Iraq do những người có trách nhiệm mới ở Iraq muốn có một sự thay đổi về nhiều lĩnh vực, trong đó cả những quan hệ kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi xét thầu sơ bộ, họ phải mời Vinamilk tham gia. Và Vinamilk đã vượt qua khoảng 15 hãng sữa lớn nhất, danh tiếng nhất thế giới để thắng thầu nhờ các yếu tố chất lượng sản phẩm, giá cả và thời gian giao hàng mọi lúc, mọi nơi. Tại những thị trường khác như Mỹ, Úc, sản phẩm Vinamilk đều được xuất khẩu trực tiếp bằng nhãn hiệu của mình với kim ngạch từ 1-2 triệu USD/năm.

AHLĐ Mai Kiều Liên trong dịp khai trương Nhà máy sữa Vinamilk tại Nghệ An vừa qua. Ảnh: N.S

Không chỉ bôn ba khắp nơi để tìm kiếm thị trường mới, Tổng giám đốc Mai Kiều Liên cũng là người đã mở ra phong trào nuôi bò sữa trong nước, tạo lập các vùng nguyên liệu sữa để giảm dần nguyên liệu nhập ngoại vào những năm đầu thập niên 1990. Để làm được điều này, Vinamilk đã mạnh dạn nhập máy móc hiện đại nhất để sản xuất sữa tươi tiệt trùng và thu mua sữa của nông dân với giá cao hơn nguyên liệu sữa nhập khẩu. "Chúng tôi chấp nhận giảm lãi để khuyến khích, phát triển đàn bò sữa trong nước. Nếu như năm 1990-1991 chỉ mới có 3.000 con thì nay đàn bò đã lên đến 107.000 con, cho sản lượng sữa 120 triệu lít/năm, chiếm 25% tổng nguyên liệu sản xuất của công ty. Chúng tôi phấn đấu phát triển để đến năm 2010 sẽ đáp ứng được 50% nguyên liệu sữa cho sản xuất" - bà Liên nói.

Hàng loạt chính sách hỗ trợ cho nông dân được Vinamilk thực hiện. "Khi công ty cổ phần hóa, nông dân cũng được mua cổ phần ưu đãi với giá chỉ bằng 70% mệnh giá. Số lượng cổ phần tùy theo số lượng sữa nông dân bán cho công ty. Những nông dân không có tiền mua cổ phần cũng được công ty bảo lãnh vay vốn để mua", bà Liên cho biết. Khá nhiều người đã biết đến câu chuyện khôi phục thành công Nhà máy sữa bột Dielac bằng trí tuệ các nhà khoa học trong nuớc, các thiết bị sản xuất trong nước với kinh phí 200.000 USD thay vì phải sử dụng chuyên gia nước ngoài và nhập khẩu thiết bị với giá 3 triệu USD. Đánh giá về sự đột phá này, bà Liên nhận định: "Thành công đó đã khởi đầu cho phương thức sau này mà tôi luôn áp dụng là kết hợp chặt chẽ với các nhà khoa học trong nước, chủ động về kỹ thuật chứ không vội vàng đi mua thiết bị từ các nước hay phải liên doanh liên kết với nước ngoài để chuyển giao công nghệ". Từ đó đến nay, Vinamilk đã có nhiều sản phẩm được sản xuất từ các nghiên cứu của chính bà Liên như sữa chua, sữa chua kem, sữa bột cho trẻ em sơ sinh, sữa đặc có đường sản xuất từ dầu thực vật... Có lẽ đó cũng là nguyên nhân khiến Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO trao tặng cho bà bằng khen về "Giải nhất lao động sáng tạo năm 2004".

Biến đối thủ thành đối tác

Bên cạnh những huy chương, bằng khen về thành tích trong công tác, Tổng giám đốc Mai Kiều Liên còn nhận được nhiều bằng khen dành cho người phụ nữ đảm đang, giải thưởng người phụ nữ tiêu biểu, vì sự tiến bộ của phụ nữ... Điều thú vị hơn ở vị nữ giám đốc anh hùng này là xem việc nấu ăn hằng ngày như một sự thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng ở công ty. Chính vì vậy, gia đình bà không bao giờ ăn cơm hộp và nhà cũng không có người giúp việc.

Một trong những điều tự hào nhất của mình, bà Mai Kiều Liên cho biết là công ty luôn bảo đảm đời sống, các chế độ... cho người lao động. Bình quân thu nhập của công nhân lên đến 4 triệu đồng/tháng.

Không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu, doanh số hằng tháng trên thị trường nội địa của Vinamilk đạt khoảng 400 tỉ đồng/tháng, mức tăng trưởng trung bình đạt 40%. Nếu rất nhiều doanh nhân đang lo lắng về việc sức ép cạnh tranh ngay trên sân nhà đang ngày càng lớn theo đã hội nhập mạnh mẽ của nước ta thì bà Mai Kiều Liên rất tự tin cho biết Vinamilk hoàn toàn không sợ cạnh tranh với các nhãn hiệu nước ngoài. Điều mà bà lo nhất là tâm lý chuộng hàng ngoại của nhiều người Việt Nam. "Cần phải có thời gian nhiều hơn để thắng được tâm lý đó", bà Liên tâm sự.

Nhờ tự lực ngay từ đầu nên giờ đây, quy trình sản xuất, hệ thống phân phối, nguồn nhân lực... của Công ty Vinamilk đã được chuẩn hóa. Bên cạnh sự tìm tòi, nghiên cứu những công nghệ sản xuất mới, thì việc liên doanh liên kết với các đối tác là một phương châm hành động của vị nữ giám đốc trên con đường phát triển doanh nghiệp. Từ năm 1988, để tạo ra nguồn ngoại tệ nhập khẩu nguyên liệu và thiết bị, bà Mai Kiều Liên (khi đó là Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh - PV) đã mạnh dạn đưa ra phương thức liên kết đổi sản phẩm với những công ty trong nước. Và mới nhất là liên doanh với Tập đoàn Campina (Hà Lan)... "Gần đây có nhiều tập đoàn nước ngoài đề nghị liên doanh xây dựng thêm các nhà máy sản xuất mới theo tỷ lệ 70:30 (nước ngoài góp 70% vốn, Vinamilk góp 30% vốn). Chúng tôi không đồng ý vì hiện nay, chúng tôi chỉ muốn liên doanh ở tư thế bình đẳng 50:50" - bà Liên nhấn mạnh. Cũng theo bà Liên, thay vì đối đầu, Vinamilk chủ động liên doanh với các đối tác nước ngoài để tận dụng những điểm mạnh của họ cho sự phát triển của công ty. Đó là hệ thống phân phối trên toàn thế giới, chiến lược marketing toàn cầu... của các tập đoàn lớn. Tham vọng của Vinamilk không chỉ dừng lại ở việc khẳng định một thương hiệu Việt, mà là trở thành một tập đoàn thực phẩm lớn mạnh trong khu vực và thế giới. Bước khởi đầu cho chiến dịch này chính là việc Vinamilk đang đầu tư vào những dự án sản xuất ra những sản phẩm mới như bia, cà phê, bánh...

Ngọc Sơn - Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.