Cách đây mấy ngày, cô giáo B.T.T.N, giáo viên lớp 4, Trường Tiểu học Bình Chánh (Bến Lức, Long An) đã phạt học sinh quỳ gối trong lớp. Sau đó, một số học sinh vì sợ không dám đến lớp nên phụ huynh đã vào tận lớp học la mắng, yêu cầu giáo viên xin lỗi. Mặc dù đã giải thích và hứa sẽ khắc phục, nhưng những phụ huynh này không đồng ý, tạo áp lực đến mức cô giáo phải quỳ gối xuống đất xin lỗi.
Phản cảm đối với truyền thống tôn sư trọng đạo
Sự việc này không chỉ tạo nên phản ứng gay gắt trên mạng xã hội, mà còn trở thành đề tài tranh luận giữa các giáo viên, phụ huynh ngoài đời.
tin liên quan
Dạy học sinh lớn khônCô giáo Nguyễn Mỹ Hạnh, trường THCS Phước Thiền, Nhơn Trạch, (Đồng Nai) chia sẻ: “Bản thân mình chưa bao giờ rơi vào tình huống rắc rối và khó xử trên, nhưng mình thấy cách ứng xử giữa giáo viên và phụ huynh như vậy gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc giáo dục trẻ. Học sinh hư, giáo viên vẫn cần có những hình phạt phù hợp để giúp các em biết được lỗi, cố gắng học tập nhiều hơn. Cha mẹ vì thương con nên có thể chưa cần biết đúng sai đã lên đòi gặp thầy cô, rồi la mắng, thậm chí đánh. Hình ảnh này vô cùng phản cảm đối với truyền thống tôn sư trọng đạo, điều mà nền giáo dục cách đây vài chục năm không bao giờ xảy ra”.
|
Ông Nguyễn Văn Tài, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, thì cảm thấy buồn và “không thể hiểu nổi”. Ông Tài cho rằng, trường học không phải là cái nhà trẻ để phụ huynh gửi con vào chỉ để học chữ và giữ con cho phụ huynh đi làm. Trường học còn là nơi giáo dục trẻ cách sống, cách ứng xử. “Vẫn biết là cha mẹ luôn xót con nhưng nuông chiều để chúng trở thành những con gà công nghiệp thì không hay chút nào. Tới trường tìm gặp cô giáo để la mắng và hơn thua, sẽ chỉ khiến đứa trẻ thêm hư. Một khi phụ huynh coi thường cô giáo của con mình, thì đứa bé cũng sẽ coi thường. Nó sẽ học được gì đây nếu không biết tôn sư trọng đạo?”, ông Tài nhận định.
Là phụ huynh có con học lớp 3 Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, Q. Tân Phú, TP.HCM, ông Nguyễn Khắc Tùng, chia sẻ: “Mỗi lần con về kể chuyện cô giáo la con, la bạn này bạn kia hoặc dùng thước đánh vào mông vì viết chữ ẩu, nói chuyện trong lớp, dù tôi rất xót con, nhưng tôi vẫn cố gắng thông cảm với cô. Tôi nghĩ rằng không có cô giáo nào tự dưng mà phạt con trẻ. Con phải mắc lỗi nào đó cô mới vậy. Những hình phạt đó, tôi thấy tạm chấp nhận được. Tôi chỉ không chấp nhận khi giáo viên dùng bạo lực bằng hành động hay lời nói gây tâm lý sợ hãi, hoảng loạn cho học sinh”.
Trong trường hợp nếu con có tâm lý sợ hãi không muốn đi học vì bị cô la, đánh, anh Tùng cho rằng, điều đầu tiên mình làm sẽ là gặp cô giáo để trao đổi. Nếu quá đáng lắm thì sẽ phản ánh lên hiệu trưởng, chứ không có chuyện xông vào lớp la mắng hoặc đánh giáo viên.
Ông Thái Hoàng, phụ huynh đang sống tại Q. Bình Thanh, TP.HCM thì lắc đầu cảm thán: “Đây là biểu hiện rõ nhất sự xuống cấp của giáo dục và đạo đức. Ngày xưa, người thầy nghiêm khắc gấp nhiều lần bây giờ, nhưng từ người nông dân, người buôn bán cho đến trí thức, họ đều trân trọng và tin tưởng. Sao ngày nay, trò chửi thầy, phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối, thật đau xót”.
Trao đổi về vấn đề này, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Văn Nam, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng: “Là một đất nước có truyền thống tôn sư trọng đạo, việc giáo viên đến thẳng lớp la mắng cô giáo, gây áp lực để cô giáo phải quỳ gối xin lỗi, là khó chấp nhận được. Trong tình huống này, phụ huynh cần suy xét thấu đáo xem con mình mắc lỗi gì, hình phạt đó gây ảnh hưởng tới con như thế nào. Nếu thấy bức xúc thì có thể gặp riêng cô để hỏi rõ. Khi cô giáo đã giải thích và hứa không lặp lại, thì phụ huynh cũng nên dừng lại. Nếu điều đó tiếp tục thì phản ánh lên hiệu trưởng”.
Cần sự kết hợp nhịp nhàng giữa nhà trường và phụ huynh Sự việc này là biểu hiện của “giọt nước tràn ly” cho sự rạn nứt, trật khớp trong mối quan hệ giữa cha mẹ học sinh và nhà trường vốn tồn tại bấy lâu nay. Đồng ý rằng, cô giáo có phần sai là áp dụng hình phạt khá nặng tay với học sinh. Nhưng về động cơ, mục đích, tôi tin rằng, việc làm của cô giáo hoàn toàn trong sáng, đầy tinh thần trách nhiệm và với mong muốn các em tiến bộ. Thế nhưng đáng buồn là, mặc dù nhà trường và bản thân cô giáo đã xin lỗi, hứa sẽ khắc phục, nhưng các phụ huynh này vẫn một mực yêu cầu cô giáo phải quỳ gối để xin lỗi họ. Rõ ràng, cách hành xử của các phụ huynh như thế đã thiếu sự thông cảm, không vị tha, mà quá thiên vị về con em của mình, quá “sòng phẳng” với người hàng ngày làm một nhiệm vụ là dạy dỗ con em họ nên người. Nhưng cái đáng bàn nhất là việc làm ấy để lại hậu quả gì trong suy nghĩ và tình cảm của chính con em của họ đối với giáo viên - những người mà con em họ hàng ngày vẫn học, phải học rất nhiều nữa để nên người. Phải chăng đó chính là sự xem nhẹ vai trò vị trí, quyền uy của người thầy. Đó là việc thiếu ý thức xem thầy cô là những tấm gương để rèn luyện. Là sự vô cảm, lạnh lùng trước đạo nghĩa “nhất tự vi sư…”… Không ai cổ xúy cho việc giáo dục bằng roi vọt, bằng những hình phạt nặng nề với học sinh. Và tôi cũng tin rằng xã hội sẽ khó chấp nhận cho những người có việc làm đi ngược lại với “đạo học” của nước nhà. Chính vì vậy, trong việc giáo dục, cần có sự kết hợp khéo léo, nhịp nhàng giữa nhà trường và gia đình để nuôi dạy con em nên người. Ngọc Tuấn |
Bình luận (0)