"Em chết đi biến thành ngọn gió
Anh đuối sức và anh đau khổ" (Khương Thế Hưng).
Khi người anh Khương Thế Hưng của tôi thốt lên từ "đau khổ" như vậy, tôi hiểu, anh đã đau khổ như thế nào. Với những người can trường, khi phải thốt lên từ "đau khổ", thì lúc ấy, nỗi đau đã lên cực đỉnh.
Văn Cao cũng đã từng như vậy, khi ông thốt trong một bài thơ của mình viết năm 1974:
"Dù hai đứa chúng ta
Chưa lúc nào sung sướng
Những ngày đau khổ ấy
Khuôn mặt em
Như mảnh trăng những đêm rừng cháy"
(Khuôn mặt em - Văn Cao)
Tôi được gặp và thân với anh Khương Thế Hưng hơi muộn, cũng như tôi gặp và chơi với anh Văn Cao hơi muộn, nhưng khi đã "bắt sóng" được với nhau, thì chuyện muộn hay sớm không thành vấn đề. Chúng tôi đã thân với nhau, chơi với nhau hết mình, và không có gì để phải ân hận.
Ngày chơi thân với tôi, coi tôi như một đứa em ruột, anh Khương Thế Hưng đã ủ trong mình rất nhiều vết thương, nhiều trọng bệnh, nhưng nhìn anh, chẳng ai nhận thấy những đau đớn mà anh phải chịu. Anh Hưng vẫn hiền hòa, vui vẻ, nhân hậu, vẫn quan tâm tới người khác, vẫn thương mến những đứa em như tôi, như Trung Trung Đỉnh.
Một người lính đã qua "hai mùa kháng chiến" từ chống Pháp tới chống Mỹ như anh Khương Thế Hưng rất biết giấu những nỗi đau của mình, không muốn cho người khác biết. Ngay chuyện tình yêu giữa anh với chị Đặng Thùy Trâm, anh cũng hoàn toàn không chia sẻ với ai, dù đó là người bạn chí thân như nhà văn Nguyên Ngọc, hay như tôi mà anh Hưng thương như một đứa em ruột.
Tôi đã hơn một lần nói, tính cách ấy của anh Khương Thế Hưng là "tính cách Ruồi Trâu", một nhân vật mà thuở nhỏ tôi đã thần tượng. Mà không chỉ tôi, biết bao người đã đọc sách hay xem phim Ruồi Trâu (của nữ tiểu thuyết gia người Ireland Ethel Lilian Voynich, 1864 - 1960) ở nhiều thế hệ đều thần tượng nhân vật quá đặc biệt này. Hồi đó, mọi người đều chỉ đọc sách hay xem phim, và những nhân vật đã hiến toàn bộ cuộc đời mình cho lý tưởng, hy sinh vì lý tưởng đều khiến chúng tôi cảm phục, trên cả cảm phục, là thần tượng.
Có thể, những người đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nhân vật Ruồi Trâu đều có những nét cực đoan trong ứng xử, nhất là những ứng xử tình cảm, nhưng không vì thế mà những người quen biết hay thân thiết với họ cảm thấy phiền lòng. Ngược lại, càng quý trọng và thương mến họ hơn. Thông cảm với họ hơn, khi biết họ dã phải nén chịu những nỗi đau, những mất mát, khi họ dấu trong lòng bao ẩn ức mà không muốn hay không thể chia sẻ.
Anh Khương Thế Hưng, hay một người anh khác mà tôi rất yêu thương là nhà thơ Chim Trắng, đều có những nét giống nhau như vậy. Kể cả khi họ chuẩn bị cho mình chuyến đi cuối cùng về cõi khác, họ vẫn bình thản, lặng lẽ, như tại.
Đó là tính cách của một người lính, một chiến sĩ, một người can trường, biết và chấp nhận những gì đau đớn nhất sẽ đến với mình. Họ cô đơn nhưng không lẻ loi. Họ bình thản nhưng dấu bên trong đầy xúc cảm.
Có thể, những cuộc chiến tranh khốc liệt, những tình huống cam go nhất trong cuộc đời mà họ phải chịu đựng đã tạo nên những tính cách như vậy.
Khi anh Khương Thế Hưng, trong nhật ký của mình đã thốt lên: "Anh đuối sức và anh đau khổ" lúc hay tin chị Đặng Thùy Trâm hy sinh, thì trang nhật ký ấy chỉ mình anh biết, mình anh giữ riêng cho mình. Như chị Thùy Trâm từng giữ quyển nhật ký của chị cho riêng mình, chỉ sau khi chị hy sinh 35 năm, cuốn nhật ký lưu lạc này mới lần đầu được tới với hàng triệu người đọc Việt Nam, và sau đó, tới với bao nhiêu người đọc nhiều quốc tịch trên thế giới.
Những tình yêu đẹp, những cặp người yêu trong chiến tranh "Xa nhau không hề rơi nước mắt/Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt/" (thơ Nam Hà trong bài Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi, Việt Nam ơi!), những cặp người yêu, những mối tình ấy không hề ít trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, một cuộc chiến tranh quá dài và trải qua bao đau thương mất mát. Phải đi từ những nỗi đau riêng tư như thế, khi "Những ngọn gió cuộn trên nỗi đau", ta mới thấm thía giá trị của hòa bình.
Mỗi khi nhớ về anh Khương Thế Hưng, tôi lại nhớ hình ảnh một người anh hiền hậu, nhân ái, đầy tình thương yêu. Những chiến công, những vết thương, những nỗi đau của người lính Khương Thế Hưng đều được "anh Hưng của tôi" dấu kín. Kể cả mối tình đã khiến anh và chị Đặng Thùy Trâm đau khổ, anh cũng không bao giờ nói ra. Anh Hưng chỉ sống được 65 tuổi, nhưng trong lòng tôi, anh vẫn sống khi đứa em của anh còn sống.
Ngày anh mất, buổi sáng hôm sau, sáng 15.11.1999, tôi đạp xe tập thể dục, khi đi ngang cầu Trà Khúc, nhìn lên núi Thiên Ấn, tự nhiên tôi bật khóc. Vì tôi nhớ câu chuyện anh Hưng kể với tôi về trận tập kích của Tiểu đoàn đặc công 48 của anh giữa một đêm khuya lên căn cứ địch gần chùa Thiên Ấn.
Khi xong "cuốc" đạp xe, về nhà, tôi đã viết ngay được bài thơ tưởng nhớ người anh Khương Thế Hưng của tôi. Rồi bài thơ ấy bị thất lạc vừa đúng… 25 năm. Sáng 24.3.2024, tự dưng tôi tìm lại được. Đúng ngày giải phóng Quảng Ngãi. Xin chia sẻ bài thơ này với bạn đọc:
Khi người lính ra đi
Tưởng nhớ anh Khương Thế Hưng
anh đi như tiếng chuông chùa bặt
như vòng quay bỗng ngưng bờ xe nước
như sáo diều mùa thu chợt khuất
mây ngang chùa Thiên Ấn tiễn đưa anh
nhập nhòa xa những trận đánh kinh hoàng
cơn gió bị thương ngất xỉu lưng chừng núi
đêm tập kích tiếng chuông chùa báo hiệu
vị sư già đêm ấy, giờ đâu?
tất cả bỗng hóa thành mây trôi
tới lượt anh đám - mây - người - lính
trôi lang thang qua vùng xưa chiến trận
trôi bâng quơ trên dòng sông lơ đãng
nước sông lành như khúc nhạc Chàm Rông
đời một người lính nhẹ như không
mây trắng lắm ngày anh rũ áo
ra chiến trường ai biết ngày trở lại
mây lưng trời muôn thuở cũng mây thôi
em ngước nhìn anh phía mây trôi…
Quảng Ngãi, sáng 15.11.1999
Bình luận (0)