Tháng 4.2022, trung úy Nguyễn Sỹ Công, Bệnh viện Quân y 103, nhận nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Cộng hòa Nam Sudan. Chứng kiến cuộc sống khổ cực của người dân bản địa, chàng trai 9X tranh thủ sau ca trực tiếp cận, chia sẻ lương khô, bánh mì, hướng dẫn người dân trồng trọt.
Trung úy Công và những người bạn mới ở châu Phi
NVCC
HÀNH TRÌNH LAN TỎA
Ngày đặt chân đến Nam Sudan, trung úy quê Nghệ An bất ngờ vì thời tiết quá khắc nghiệt, nắng cháy da thịt. "Chưa bao giờ tôi thấy cuộc sống ở đâu khổ như vậy. Người dân liên tục phải đối mặt thiên tai, thời tiết cũng không ủng hộ nên đời sống cơ cực", anh nói.
Sau ca trực ngày đầu tiên, anh đi bộ ra bãi đáp trực thăng nơi đóng quân, gặp đám trẻ đang chơi đùa ở bên kia hàng rào thép nên thăm hỏi xã giao bằng vài câu tiếng Anh.
Dần dà, qua các đợt đi dân vận hỗ trợ đồ dùng sinh hoạt, học tập, hướng dẫn người dân trồng trọt cho năng suất ở các làng lân cận đơn vị, anh tiếp xúc gần hơn với cuộc sống của người dân. "Tôi mang lương khô quân đội, bánh mì ra cho các em. Đám trẻ chỉ ăn khoảng 1/4, còn lại mang về nhà cho người lớn. Bánh mì các em giành nhau cả miếng vụn còn sót lại trong túi ăn ngon lành. Thậm chí, vài hạt đậu phộng trong lúc chia cho các em chẳng may rơi xuống bùn các em cũng nhặt lên cho ngay vào miệng. Quá xúc động, tôi bắt đầu gom đồ ăn sau mỗi buổi chưa dùng đến để chia cho các em", anh nhớ lại.
Khi thân thiết hơn, anh bắt đầu dạy đám trẻ tiếng Anh và vài câu cảm ơn, xin chào bằng tiếng Việt. 12 đứa trẻ học sáng dạ, được trung úy 9X cho gì lại nhanh nhảu nói: "Cảm ơn anh". Sau khi rành rọt hơn, các em còn có thể hát được Quốc ca VN.
"Ngày bận gác tôi không ra được nhưng bọn nhỏ đều chờ. Các em cứ thay phiên nhau trông ngóng, thấy bóng tôi ra là gọi các bạn cùng tụ tập lại. Có những hôm tôi ra muộn, trời đã tối đen mà các em vẫn đợi. Sau lần thấy các em dầm mưa đứng đợi thì tôi tặng các em cái bạt dựng lều để khi mưa thì trú vào", anh xúc động chia sẻ.
TẶNG QUÀ ĐẬM CHẤT VN
Trong chuyến về phép giữa đợt công tác, trung úy Công chuẩn bị thêm nhiều đôi dép tổ ong, áo cờ đỏ sao vàng, sách vở, mì gói. Mẹ anh làm thêm mứt tết, bánh đa để anh mang sang tặng các em. Gom chưa đủ, anh xin luôn những món đồ đồng đội không dùng nữa, chà rửa sạch rồi mang tặng.
Những đứa trẻ ngày thường vốn đi chân đất hoặc đôi dép mòn sắp đứt có dép mới, áo mới cười rộn vang cả xóm làng. Anh nói: "Được nhận những món quà đậm chất VN, các em rất hào hứng hỏi về VN. Tôi cho các em xem hình ảnh chụp trong điện thoại, tất cả đều mê mẩn".
Nam Sudan mạng internet không ổn định, anh Công phải canh nửa đêm nén clip gửi về VN nhờ em trai đăng giúp. Những câu chuyện được lan tỏa, rất nhiều người liên hệ hỏi anh cách để đến châu Phi giúp các em.
Ngày anh hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị về, đám trẻ hụt hẫng, khóc òa khiến trung úy Công cũng nghẹn ngào. "Ngày cuối đó, tôi và đồng đội còn gì là tặng hết các em. Khi lên máy bay về nước tôi chỉ còn đúng 1 bộ quân phục và 2 bộ đồ thường trong ba lô. Người dân gặp chia tay tặng chiếc lông chim", anh bộc bạch và cho biết thêm: "Hôm trước qua điện thoại đồng đội đang ở lại tôi được nói chuyện với các em, các em giành nhau vào hỏi thăm, rất xúc động".
Cùng đoàn công tác với trung úy Công, thiếu tá - bác sĩ Bùi Thu Trang, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhận xét hành trình của trung úy Công là hành trình đồng cảm, chia sẻ với mong muốn cải thiện đời sống tinh thần cho trẻ em châu Phi. "Các em rất quý trung úy Công. Cứ thấy anh Công là các em lại lao vào vui vẻ phấn khởi, hô Việt Nam làm chúng tôi rất tự hào", chị bày tỏ.
Bình luận (0)