Ánh lửa xuyên đêm

08/06/2014 09:00 GMT+7

Hơn tháng qua, công xưởng sửa tàu cảnh sát biển, kiểm ngư bị tàu Trung Quốc ngang ngược tấn công luôn đỏ lửa. Đó không chỉ là ngọn lửa hàn xuyên đêm tăng ca, mà còn là nhiệt huyết của hậu phương trước những gian lao trên thân tàu làm nhiệm vụ thực thi pháp luật ở biển Đông.

Ánh lửa xuyên đêm 1
Công nhân bắt đầu ca 3 sửa vết đâm mạn phải và mũi tàu CSB 4033 do tàu TQ gây ra

Đất liền không có đêm

Ông Mai Văn Chính, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH MTV đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn (gọi tắt là Nhà máy X50), cho biết từ khi Trung Quốc (TQ) đưa giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) xâm phạm vùng biển VN, dùng tàu tấn công gây hư hỏng nặng tàu cảnh sát biển (CSB), kiểm ngư (KN), thì nơi đất liền công trường Nhà máy X50 đêm cũng như ngày.

 

Có tận mắt chứng kiến những thân tàu sắt dày như thế mà bị đâm đến biến dạng mới hiểu độ hung hãn, tàn ác của tàu TQ. Do đó, anh em càng thêm quyết tâm chắc tay búa, tay gò, tay hàn vì trong đất liền có cực khổ đến mấy cũng chẳng sá gì so với các anh ngoài biển cả

Anh Nguyễn Văn Hiếu, công nhân Nhà máy X50

Thời gian làm việc 3 ca liên tục không chỉ một vài hôm mà sẽ tiếp tục kéo dài chừng nào tàu còn về cầu cảng. Bên cạnh Nhà máy X50, cầu cảng của Tổng công ty Sông Thu cũng lập lòe ánh đèn khò hàn lại những thân tàu, dù nửa đêm hay giữa trưa nắng như thiêu đốt. Để tiết kiệm thời gian, các công nhân ăn cơm hộp ngay tại chỗ và giờ nghỉ giữa ca trở thành khái niệm hoàn toàn xa lạ.

Ông Phan Đình Phong, Tổng công ty Sông Thu, nêu ví dụ tàu CSB 4033 và 2012 bị tàu TQ đâm thủng mạn phải, đuôi trái, thông thường phải mất cả tuần để khắc phục. Nhưng hơn 100 cán bộ, công nhân chỉ mất chưa đầy 2 ngày là hoàn thành, đảm bảo yêu cầu cả về chất lượng và mỹ thuật.

Ông Phong, ông Chính đánh giá tiến độ “phải nói là thần tốc”, bởi yêu cầu đặt ra hiện nay là không có tàu nào được sửa quá 48 giờ, cho nên khâu chuẩn bị rất quan trọng. Bộ phận thân vỏ, máy, thiết bị, điện... phải phối hợp với nhau nhịp nhàng để tiếp nối công việc không để thời gian chết.

Nhiều ngày có mặt tại cầu cảng công trường chờ đón những tàu CSB, KN để trao tận tay các anh món quà bạn đọc Báo Thanh Niên gửi gắm, chúng tôi đã quen với hình ảnh khi tàu chớm chạm bến, hàng chục công nhân liền nhảy qua lan can tàu. Trên bờ để sẵn cả chục bình gió đá, các tấm thép và thiết bị. Không ai nói ai, mỗi người một khâu điện, máy, vỏ... bắt tay ngay vào việc và hoạt động theo dây chuyền, tổ này xong là tổ khác tiếp quản vị trí không để thời gian chết. Ông Chính giải thích, trước khi tàu về đơn vị đã nắm hiện trạng và lên phương án, nên không có gì lạ khi công nhân lao vào sửa ngay lúc tàu cập bến vì đã “khám” rồi.

Ánh lửa xuyên đêm 2
Công nhân sơn lại cờ Tổ quốc trên tàu KN 761 

Ánh lửa xuyên đêm 3
Chuẩn bị sẵn sàng đồ nghề để khi tàu KN 766 vừa cập cầu cảng là tiến hành sửa chữa - Ảnh: Nguyễn Tú

Mỗi thân tàu là một đứa con

Ông Nguyễn Vực, Tổ trưởng tổ hàn Tổng công ty Sông Thu, tâm sự: Anh em công nhân xem mỗi thân tàu là một đứa con. Dù tiến độ luôn thúc sau tay hàn nhưng anh em đều muốn trau chuốt cho đứa con mình hoàn hảo nhất, để khi ra trận đảm bảo thắng lợi. Vì thế, không chỉ đáp ứng tiêu chí đẹp, trước thủ đoạn ngày càng manh động và tàn nhẫn của TQ, các tàu thực thi pháp luật lần này về sửa chữa được gia cố thêm phần mạn, đoạn cabin hoặc đuôi tàu... là những nơi tàu TQ hay “dòm ngó” nhất. Do đó, phương án “1 kèm 1” được đưa ra, đó là cán bộ kỹ thuật tàu kèm công nhân, vì bên cạnh kỹ thuật tay thợ cần có kinh nghiệm của cán bộ thực địa để điều chỉnh một số vị trí gia cố, đảm bảo chắc chắn hơn trong trường hợp có thể xảy ra va chạm sau này.

Sự kết hợp này đã cho ra đời những sáng kiến như gia cường mica ở cửa kính cabin, hàn thêm thép che, hướng ống xả, ống thông gió cụp xuống để chống súng bắn nước của tàu TQ…

Ông Mai Văn Chính kể, suốt một tháng phơi nắng công trường, anh em công nhân xót xa nhất là khi đón tàu KN 762 và KN 703 hôm 25.5. Đây là 2 tàu KN tham gia biên đội đầu ra Hoàng Sa đẩy đuổi giàn khoan phi pháp, nên ngay lập tức bị tàu TQ tấn công dữ dội. Khi tận mắt thấy tàu KN 762 kéo tàu KN 703 bị chết máy về cầu cảng, ai cũng không khỏi căm phẫn trước thân tàu tả tơi. Tàu KN 762 bị đâm húc hơn 50 lần, sàn cabin mạn phải gần như bị xẻ đôi. Còn thuyền trưởng Nguyễn Đức Thuận tàu KN 703 kể, anh em công nhân hỏi thăm tàu hỏng chỗ nào, anh cười đáp: “Nếu hỏi chỗ nào chưa hỏng thì tôi trả lời nhanh hơn”.

Công nhân Nguyễn Văn Hiếu (Nhà máy X50) tâm sự: “Có tận mắt chứng kiến những thân tàu sắt dày như thế mà bị đâm đến biến dạng mới hiểu độ hung hãn, tàn ác của tàu TQ. Do đó, anh em càng thêm quyết tâm chắc tay búa, tay gò, tay hàn vì trong đất liền có cực khổ đến mấy cũng chẳng sá gì so với các anh ngoài biển cả”.

Ai cũng xung phong ra thực địa

Ông Phan Đình Phong cho hay để đẩy nhanh tiến độ hơn nữa, đơn vị đã thưởng nóng cho các tổ đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đồng thời bố trí tổ thợ máy đóng tại Lý Sơn (Quảng Ngãi) để phục vụ vì tàu về đây gần hơn Đà Nẵng, trừ trường hợp tàu hỏng quá nặng. Đặc biệt, anh em nào cũng xung phong khi đơn vị đưa thợ ra thực địa để kịp sửa chữa các tàu hư hỏng. “Qua đây mới thấy được chất lửa của những người công nhân nơi hậu phương, luôn sát cánh cùng CSB, KN góp phần hoàn thành nhiệm vụ đẩy đuổi giàn khoan TQ ra khỏi vùng biển VN”, ông Phong nói.

Nguyễn Tú

>> Vụ đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương - 981: Chuyện những tấm đệm của tàu Hải cảnh Trung Quốc
>> Điểm mặt những tàu hải cảnh 'dữ dằn' của Trung Quốc
>> Cận cảnh: Tàu hải cảnh Trung Quốc điên cuồng tấn công tàu kiểm ngư Việt Nam
>> Tàu hải cảnh Trung Quốc lần đầu vào vùng tranh chấp ở Senkaku/Điếu Ngư 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.