Kết luận trên của các nhà điều tra đã buộc chính phủ Anh nâng mức cảnh báo khủng bố ở nước này từ nghiêm trọng lên mức cao nhất là nguy cấp, đồng thời triển khai quân đội trên đường phố khắp cả nước nhằm hỗ trợ cảnh sát đảm bảo an ninh. Tờ Financial Times dẫn lời cảnh sát trưởng Manchester, ông Ian Hopkins cho biết rõ ràng thủ phạm đánh bom tự sát Salman Abedi (22 tuổi) là thành viên của một mạng lưới thánh chiến. “Chúng tôi đang điều tra mạng lưới này”, ông Hopkins nói.
Hàng loạt nghi phạm sa lưới
Theo Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerard Collomb, giới chức Anh đã tiết lộ với Paris rằng Abedi, có cha mẹ đến từ Libya, thực hiện vụ đánh bom sau khi đến thăm Libya và “có lẽ cả Syria”. Đây là dấu hiệu cho thấy Abedi được hỗ trợ hoặc nhận lệnh từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tổ chức khủng bố có “đại bản doanh” tại Syria đã lên tiếng nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công ở TP.Manchester tối 23.5, khiến 22 người thiệt mạng và 64 người khác bị thương. Thế nhưng, các quan chức tình báo phương Tây hiện chưa xác nhận IS đứng sau vụ tấn công, theo tờ Financial Times.
Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd giải thích việc giới chức nước này nghi ngờ có mạng lưới khủng bố đứng sau vụ đánh bom một phần là vì tính chất phức tạp của vụ tấn công. Bà nói rằng vụ Manchester “phức tạp hơn nhiều so với các vụ tấn công mà chúng tôi từng thấy trước đây”. Tuy nhiên, cảnh sát đã phát hiện nhiều vật liệu dùng để chế tạo bom tại nhà của Abedi ở phía nam Manchester. Cho đến nay, các nhà điều tra Anh vẫn chưa khẳng định liệu nghi phạm có tự chế tạo bom hay không.
|
|
NATO sẽ tham gia liên minh chống IS
AFP ngày 25.5 dẫn một số nguồn tin tiết lộ NATO sẽ chính thức gia nhập liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu ở Iraq và Syria. “Đại sứ các nước thành viên NATO đã quyết định về một kế hoạch hành động nhằm vào chủ nghĩa khủng bố. Kế hoạch bao gồm NATO gia nhập liên minh toàn cầu chống IS”, theo AFP dẫn lời một nhà ngoại giao giấu tên. Nguồn tin cho biết thêm điều này có nghĩa NATO sẽ tăng cường số chuyến bay của máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không (AWACS) đang hỗ trợ các chiến dịch ở Syria và Iraq. Các lãnh đạo NATO sẽ chính thức thông qua việc gia nhập liên minh trên tại cuộc họp thượng đỉnh của khối tại thủ đô Brussels (Bỉ). Đây chỉ là bước đi mang tính chính trị vì bản thân từng nước trong 28 thành viên NATO đã là thành viên của liên minh chống IS.
|
|
|
Tính đến ngày 25.5, ít nhất 8 người đã bị bắt giữ. Theo Reuters, giới chức Libya cũng bắt giữ cha (Ramadan Abedi) và em trai (Hashem Abedi) của Abedi tại thủ đô Tripoli vì tình nghi dính líu IS. Trả lời phỏng vấn AP trước khi bị bắt, ông Ramadan nói rằng anh trai của Abedi cũng nằm trong số những người bị bắt tại Manchester song khẳng định con trai mình vô tội. Trong khi đó, Reuters dẫn lời ông Ahmed Bin Salem, phát ngôn viên của lực lượng an ninh Rada thuộc Bộ Nội vụ Libya, cho hay: “Chúng tôi có chứng cứ Hashem và anh trai liên quan đến IS. Chúng tôi đã theo dõi hơn một tháng rưỡi qua. Hashem có liên hệ với anh trai và biết về vụ tấn công”. Theo Rada, Hashem từng bay từ London đến Tripoli vào ngày 16.4. Một quan chức Rada cho biết Hashem bị tình nghi có kế hoạch tấn công khủng bố tại Tripoli.
Ngưng chia sẻ thông tin với Mỹ
Cùng ngày, London đã tỏ ra “giận dữ” sau khi giới chức tình báo Mỹ tiết lộ nhiều thông tin đang trong vòng điều tra về vụ đánh bom ở Manchester cho báo giới nước này. Bộ trưởng Rudd nói rằng vụ rò rỉ có thể cản trở tiến trình điều tra, khiến cảnh sát khó khoanh vùng “nghi phạm chế tạo bom”. Khi được hỏi liệu bà sẽ xem xét lại việc chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ theo sau vụ tiết lộ hay không, bà Rudd nói với BBC rằng: “Có”, đồng thời cho hay bà đã yêu cầu Washington “đừng để sự việc như vậy lặp lại”.
Trước đó, tờ The New York Times vào ngày 24.5 đã đăng tải nhiều bức ảnh chụp ba lô của thủ phạm Abedi, đinh ốc và thiết bị kích nổ bom nằm lăn lóc khắp nơi tại hiện trường vụ đánh bom ở nhà thi đấu Manchester. Tờ báo này còn cung cấp thông tin về danh tính thủ phạm Abedi. Ngay lập tức, các phương tiện truyền thông Anh cũng đã đăng tải lại vì họ chưa được chính phủ cung cấp thông tin.
Các quan chức thuộc lực lượng chống khủng bố Anh nói rằng vụ rò rỉ trên là không thể chấp nhận vì khiến các nhân chứng và nạn nhân mất lòng tin vào nhà chức trách. BBC sau đó đưa tin cảnh sát Anh đã ngưng chia sẻ thông tin về vụ đánh bom ở Manchester với Mỹ. Cũng theo BBC, Sở Cảnh sát Manchester đã bày tỏ hy vọng sớm khôi phục lại mối quan hệ tình báo bình thường với Washington. Một số nguồn tin giấu tên tiết lộ với Reuters rằng việc chia sẻ tin tình báo chỉ nối lại sau khi phía Anh nhận được sự đảm bảo rằng các vụ rò rỉ sẽ không bao giờ tái diễn.
Anh xem Mỹ là đồng minh thân cận và hai nước thường chia sẻ thông tin tình báo theo thỏa thuận “Ngũ nhãn” (Five Eyes), vốn bao gồm cả Úc, Canada và New Zealand.
Bình luận (0)