Theo CNN và Reuters, hãng Standard & Poor's (S&P) hạ xếp hạng tín nhiệm của Anh xuống hai bậc, đến mức AA vào hôm 27.6. Đây là hậu quả mới nhất từ Brexit.
S&P cảnh báo Brexit sẽ “làm suy yếu khả năng đoán trước, tính ổn định và tính hiệu quả” của các chính sách Anh, cản trở đầu tư nước ngoài tại Anh. Hãng cũng cho biết Brexit có thể khiến kinh tế Anh “xuống cấp”, đặc biệt là trong ngành ngân hàng quan trọng của đất nước, và thậm chí có thể kích hoạt một “cuộc khủng hoảng lập hiến” nếu có một cuộc trưng cầu dân ý về sự độc lập của Scotland.
Hãng xếp hạng tín nhiệm có trụ sở ở Mỹ giữ triển vọng “tiêu cực” về Anh quốc, cho hay họ có thể tiếp tục hạ mức đánh giá nếu bảng Anh mất vị trí đồng tiền dự trữ hàng đầu, tình hình tài chính công xấu đi hay nền kinh tế sụt giảm nhiều hơn lo ngại ban đầu. Brexit đã thay đổi tình hình nhiều đến mức S&P cho hay họ không còn xem kết cấu của Anh là điểm mạnh.
Fitch Ratings, một trong số ba hãng xếp hạng tín nhiệm lớn thế giới, cũng hạ xếp hạng tín nhiệm của Anh. Hiện Fitch Ratings đánh giá Anh ở mức AA, hạ một bậc từ AA+ trước đó và cho biết họ có thể cắt giảm thêm.
Dù có nhiều lo ngại, các thị trường vẫn chưa cho thấy dấu hiệu về việc nước Anh sẽ khó vay mượn hơn. Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp kỷ lục mới là 0,93% hôm 27.6.
Hiện tại, nước Anh đang chịu mức đánh giá xấu hơn so với đợt S&P hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ xuống AA+ vào năm 2011, gây ra hỗn loạn tài chính.
tin liên quan
Brexit xóa sổ hơn 2.000 tỉ USD khỏi thị trường chứng khoán toàn cầuĐợt lao dốc chứng khoán khiến 2.080 tỉ USD bốc hơi hậu Brexit, tức nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), là đợt lao dốc tồi tệ nhất trong lịch sử.
Bình luận (0)