Mấy ngày nay, mạng xã hội lại chia sẻ tấm bảng quảng cáo bông cúc ngày Tết của anh Minh Râu (tên thật là Phạm Hồng Minh, 39 tuổi, ngụ Đồng Nai). Vốn nổi tiếng vì vẻ ngoài phong trần nhưng tính tình hào sảng, anh bán rau thường có một túi rau, củ miễn phí cho mọi người cần thì lấy.
Tấm bảng này khiến nhiều người nghĩ ngay đến chuyện bán xổ, ép giá hoa kiểng vào ngày 29, 30 Tết. Còn người trong cuộc nghĩ thế nào?
“29 Tết bán gấp đôi, bán không hết thì tặng bạn bè!”
Chia sẻ với Thanh Niên, anh Minh Râu cho hay, anh viết tấm bảng như vậy để ai có nhu cầu mua bông thì mua sớm, giáp Tết đỡ cập rập. Anh Minh Râu khẳng định, anh bán hàng không bao giờ nói thách, sau khi lấy bông từ vườn, anh cộng thêm tiền vận chuyển, nhân công rồi công khai giá bán.
Bảng quảng cáo bông Tết gây bão mạng xã hội của anh Minh Râu |
NVCC |
Anh kể, những ngày giáp Tết, thấy bán rau ế ẩm hơn, anh quyết định đánh một “canh bạc cuộc đời” – bán hoa Tết. “Được thì lời hai, ba chục triệu, không được thì mất hai, ba chục triệu, cũng chả sao”, anh cười sảng khoái.
Theo anh Minh Râu, việc mua bông, ép giá vào chiều 29 (đối với tháng thiếu) hay chiều 30 Tết là chuyện mà ai cũng biết. Anh cho rằng, ở góc độ người mua, nếu không có điều kiện thì đợi đến ngày cuối mới ra các sạp bên đường tìm mua chậu bông về để nhà cửa có không khí Tết. Nhưng ở góc độ người bán, nhiều tiểu thương cũng đưa ra giá những ngày đầu khá cao.
“Tôi bán cho người có nhu cầu mua, bán giá thống nhất để người bán, người mua cùng vui vẻ. Chứ thấy cảnh người mua vui vẻ, mà người bán cắn răng hay ngược lại thì tôi thấy cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì. Một số người bán hàng nói tôi đôn giá cao lên lúc đầu để bù giá những ngày cuối nhưng tôi không chấp nhận. Tôi cứ công khai giá vậy, đúng 13 giờ 29 Tết tôi tăng giá gấp đôi. Đến tối không hết thì mang tặng họ hàng, bạn bè, tôi nhiều bạn mà”, anh Minh cười bộc bạch.
“Canh bạc” cuối năm
Những ngày cuối năm này, anh Minh vẫn bận rộn với sạp rau, anh bán thêm bưởi và bông cúc Tết. Sạp bông trước UBND P.An Bình (TP Biên Hòa) với hơn 400 chậu cúc được anh giao cho em trai trông coi.
Anh Minh Râu nổi tiếng trên mạng xã hội vì sự hào sảng |
NVCC |
Đến hôm nay, anh Minh Râu mới bán được khoảng ¼ số chậu nhưng vẫn cảm thấy vui vì bông nào cũng đẹp, nhiều khách tin tưởng nhờ anh chọn giùm. Anh vẫn cười thật thà: “Tôi thấy chậu nào cũng đẹp, mà khách nhờ thì tôi sẽ lấy chậu đẹp nhất đi giao. Còn ai không tin tưởng thì đến sạp coi bông rồi chọn, tôi biết gì đâu mà tư vấn”.
Cách đây vài ngày, có khách ở Q.Tân Bình đặt mua 1 cặp bông cúc cao 1m, giá 4 triệu. Anh báo tiền vận chuyển 600.000 đồng, khách chốt cái rụp, chuyển khoản nhờ anh chở lên tận nơi. Anh cho hay, đến chiều 28 Tết thì mới xác định được “canh bạc” cuối năm này lời hay lỗ, vì giờ nhiều nhà chưa dọn dẹp xong, chưa nghỉ Tết nên họ chưa mua sắm.
“Buổi chiều trước giao thừa tôi thấy có tiểu thương đập bỏ bông kiểng, lãng phí lắm. Nhưng nhiều người bán cũng có lý do của mình, quyết không bán xổ vì sợ sẽ tạo tiền lệ, mất giá. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, một số nơi bán đôn giá ngay từ đầu nên người mua chờ ngày cuối để đi tìm bông giá rẻ”, ông chủ sạp rau nhận xét.
Dịp Tết này, anh Minh bán thêm bưởi và bông cúc |
nvcc |
Ông Huỳnh Văn Hải (48 tuổi, chủ vườn mai Sáu Hải) với hơn 30 năm bán mai Tết cũng tâm sự, ông thường gặp cảnh người mua ép giá ngày cuối năm. Theo chủ vườn mai Sáu Hải, ngày cuối năm rất đông khách đi coi mai, hỏi giá và trả nửa giá so với giá vườn đưa ra.
“Tôi chăm mai cả năm chỉ chờ ngày Tết gặp vậy thì thường tôi ôm luôn để năm sau bán, mai để lại năm sau thì cây mai tăng giá trị chứ không như cây kiểng ngắn ngày. Còn không nữa tôi để người ta xổ hết hàng rồi tôi bán để không bị phá giá, không bõ công chăm sóc. Xổ giá sẽ tạo thành thói quen. Năm nay thấy tình hình kinh tế người dân TP.HCM khó khăn do dịch nên tôi đã giảm 30 – 40% giá ngay từ sớm, chứ quyết không báo giá cao ngày đầu rồi bán xổ ngày 29 Tết”, chủ vườn mai Sáu Hải nói.
Bình luận (0)