Ban ngày lang thang bán vé số, ban đêm đấu cờ với người sáng mắt. Anh đã từng đoạt huy chương vàng cờ vua dành cho người khuyết tật...
Đó là Nguyễn Anh Tấn (27 tuổi), quê ở tỉnh Ninh Thuận, bị khiếm thị bẩm sinh. Tấn cho biết anh chơi cờ vua, cờ tướng, cờ vây “ngang ngửa nhau”. Nhưng do cờ vua có hệ thống giải dành cho người khuyết tật nhiều hơn nên Tấn có cơ hội tập luyện thường xuyên hơn.
|
Tấn đến với những môn cờ vào năm 11 tuổi, sau khi chuyển vào học tại Hội Người mù TP.HCM (từ năm 1995-2006). “Nhiều hôm đến giờ “giới nghiêm”, toàn bộ học viên khu nội trú phải đi ngủ, mình và đứa bạn chờ giám thị kiểm tra xong thì tiếp tục rờ quân cờ đánh ngay trong mùng”, Tấn nhớ lại. Tự mò mẫm học là chính, mãi đến năm 2009, Tấn mới được giới thiệu đến Trung tâm TDTT Q.3 học miễn phí. Từ đây, Tấn bắt đầu đăng ký đấu cờ vua với người khiếm thị lẫn người sáng mắt. Tại Đại hội TDTT người khuyết tật TP.HCM năm 2011, Tấn đã đoạt huy chương vàng cờ vua.
Tấn cho biết anh từng đấu giao hữu nhiều lần với những kỳ thủ sáng mắt. Tấn rất thích chơi với người giỏi hơn mình để được học hỏi. Tấn bộc bạch: “Người mù chơi cờ chủ yếu là chơi ở trong đầu. Phải thuộc làu cả bàn cờ, từng quân cờ đang ở vị trí nào”. Anh ví von chơi cờ cũng giống như đi bán vé số vậy. Đi một lần có thể không nhớ đường, nhưng đi nhiều lần, thậm chí chấp nhận bị vấp ngã thì sẽ nhớ lâu.
Với Tấn, ngay cả khi thi đấu thì những bàn cờ cũng đơn giản, không phức tạp bằng “bàn cờ cuộc đời”. Vì hoàn cảnh khó khăn, Tấn đành dở dang đèn sách lúc đang học năm thứ ba khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Từ đó đến nay, Tấn theo hẳn nghề bán vé số dạo. Thu nhập ít ỏi, anh không có tiền điều trị bệnh thấp khớp lâu nay. Vậy mà, thỉnh thoảng Tấn lại gửi chút tiền phụ giúp người chị ruột (cũng bị mù) để nuôi mấy cháu ăn học. Tấn tâm sự: “Đôi khi mình cũng đụng phải những kẻ bất lương. Thấy mình mù, họ tráo vé số cũ lấy vé mới hoặc mua xong bỏ đi mất. Lần bị mất nhiều nhất là 114 tờ vé số, mình chỉ biết năn nỉ chủ đại lý cho trả góp dần”.
Dẫu vậy, vượt lên tất cả là nghị lực và sự tự trọng dường như luôn hiện hữu trong tính cách của người thanh niên này. Tấn khẳng khái: “Mình không thích những người vin vào lý do bị khuyết tật rồi lê la ăn xin, trừ phi họ già cả hoặc không còn sức lao động. Mình tâm niệm hễ còn hơi sức là tự làm nuôi bản thân. Nếu người ta muốn giúp mình nhưng mình không cố gắng thì cũng bó tay”. Chàng trai này cho biết mơ ước lớn nhất của anh là một lần trong đời được bước đấu trường Para Games để thi thố cờ vua.
Như Lịch
Bình luận (0)