Báo Le Monde ngày 25.11 dẫn nguồn tin cho biết Pháp và Anh đã tái khôi phục thảo luận về việc đưa quân sang Ukraine giữa lúc cuộc xung đột đang bước vào một đợt leo thang mới.
Nguồn tin cho biết đây là những thảo luận nhạy cảm, hầu hết là tuyệt mật, được tái khởi động trước viễn cảnh Mỹ rút lại sự hỗ trợ cho Ukraine sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào ngày 20.1.2025.
Thảo luận về việc đưa binh sĩ và các công ty quốc phòng tư nhân phương Tây sang Ukraine bị một số nước châu Âu, trong đó nổi bật là Đức, phản đối mạnh mẽ. Ý tưởng từng được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xướng vào tháng 2 tại Paris và được nhen nhóm trở lại trong những tuần gần đây sau chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Anh Keir Starmer hôm 11.11, theo Le Monde.
NATO e dè gì mà chưa đưa bộ binh đến Ukraine?
Trong chuyến thăm London ngày 22.11, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot nói với truyền thông rằng các đồng minh phương Tây không nên đặt ra lằn ranh đỏ cho sự ủng hộ của họ dành cho Ukraine. Khi được hỏi về khả năng đưa binh sĩ Pháp sang Ukraine, ông Barrot tuyên bố "không bác bỏ lựa chọn nào".
Theo Le Monde, kế hoạch bao gồm việc đưa nhân sự từ các công ty quốc phòng tư nhân sang Ukraine để huấn luyện binh sĩ và bảo trì các hệ thống vũ khí do phương Tây cung cấp. Chính phủ Pháp nắm cổ phần trong các công ty này.
Le Monde dẫn lời ông Elie Tenenbaum, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu an ninh tại Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI) cho rằng các nước châu Âu, trên hết là Pháp và Anh, có thể đưa quân sang Ukraine để đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn và cam kết an ninh đối với Kyiv.
Chính phủ Pháp và Anh chưa bình luận về thông tin của Le Monde. Lãnh đạo đảng cánh hữu Les Patriotes (Những người yêu nước) Florian Philippot đã gọi bài báo là thông tin gây sốc và kêu gọi biểu tình để phản đối. "Không một công dân Pháp, không một binh sĩ nào có thể hoặc nên chấp nhận điều này bởi nó chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân thế giới thứ 3", ông Philippot viết trên mạng xã hội X.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói không biết rõ mức độ xác thực của thông tin nhưng ý tưởng này từng gây ra những ý kiến trái chiều tại châu Âu, theo TASS. "Không có sự nhất trí giữa các nước châu Âu về vấn đề này nhưng đương nhiên, một số cái đầu nóng vẫn xuất hiện", ông Peskov nói. Người phát ngôn từng nhấn mạnh rằng việc triển khai binh sĩ nước ngoài đến Ukraine sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng không thể đảo ngược.
Bình luận (0)