Hãng RIA ngày 6.5 dẫn lời một nhà ngoại giao Nga cho hay nước này sẽ tăng toàn bộ kho vũ khí tên lửa để răn đe phương Tây, trong bối cảnh Moscow hiện "đối đầu công khai" với Mỹ và các đồng minh.
Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí và hiện được Mỹ dự báo sẽ sản xuất nhiều pháo trong năm nay hơn toàn bộ 32 thành viên NATO cộng lại, theo Reuters.
"Hiện chúng ta đang ở giai đoạn đối đầu công khai, mà tôi hy vọng sẽ không dẫn đến xung đột vũ trang trực tiếp", theo Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga Grigory Mashkov.
Nga ra tối hậu thư quân sự cho Anh
Ông cho rằng sẽ cần thực hiện "các bước tiếp theo để tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước, bao gồm xây dựng kho vũ khí tên lửa, nhằm ngăn cản bất kỳ kẻ thù tiềm tàng nào thử thách sức mạnh của Nga".
Ông Mashkov cho biết Nga đã cần phải làm nhiều hơn nữa vì điều mà ông cho là mối đe dọa ngày càng tăng từ phương Tây và những tiến bộ công nghệ ở hầu hết các loại tên lửa, từ chiến thuật đến liên lục địa.
Cứng rắn hơn, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố rằng việc phương Tây điều quân đến Ukraine sẽ bị xem như các nước này tuyên chiến đối với Nga, và dẫn đến thảm họa quy mô toàn cầu.
Việc gửi quân đến lãnh thổ Ukraine "đồng nghĩa với việc họ tham gia trực tiếp vào cuộc chiến. Chúng tôi sẽ phải phản ứng điều này. Và than ôi, không phải trên lãnh thổ Ukraine cũ", ông viết trên Telegram.
Ông cảnh báo thêm rằng trong trường hợp đó, lãnh đạo các nước phương Tây "sẽ không thể ẩn nấp ở Điện Capitol, Điện Elysee hay số 10 Phố Downing" và "một thảm họa toàn cầu sẽ xảy ra".
Trong diễn biến liên quan, Bộ Quốc phòng Nga ngày 6.5 thông báo sẽ thử nghiệm năng lực triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật. Cuộc diễn tập sẽ diễn ra trong tương lai gần theo mệnh lệnh của Tổng thống Vladimir Putin, đài RT dẫn thông báo nêu.
Miền đông Ukraine đón lễ Phục sinh lần thứ ba trong bom đạn
Lực lượng tên lửa của Quân khu miền nam Nga sẽ tham gia trực tiếp cuộc diễn tập, cộng với máy bay quân sự và Hải quân Nga. Mục đích của hoạt động này là nhằm củng cố việc chuẩn bị và triển khai vũ khí hạt nhân phi chiến lược.
Bộ Quốc phòng Nga cho rằng chính những tuyên bố khiêu khích và mối đe dọa chống lại Nga từ các quan chức phương Tây là nguyên nhân khiến Moscow tiến hành diễn tập hạt nhân. Tương tự, Bộ Ngoại giao Nga nói rằng Moscow hy vọng việc diễn tập "sẽ làm nguội những cái đầu nóng ở các thủ đô phương Tây".
Theo AFP, người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin ngày 6.5 làm rõ rằng đợt diễn tập hạt nhân sắp tới nhằm đáp trả những bình luận chưa từng thấy của các quan chức phương Tây, gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, về khả năng đưa quân sang Ukraine.
Trong khi đó, phía Mỹ chỉ trích "lời lẽ vô trách nhiệm" khi Nga ra lệnh diễn tập hạt nhân.
Khả năng Mỹ - Pháp đưa quân sang Ukraine
Tổng thống Macron hồi tháng 2 nói rằng không loại trừ khả năng đưa quân sang Ukraine và mới đây lặp lại ý kiến này, cho rằng vấn đề sẽ được các nước phương Tây cân nhắc nếu Ukraine đưa ra đề nghị và nếu Nga phá vỡ tiền tuyến.
Ông Macron nói rằng việc phương Tây điều quân đến Ukraine sẽ là "hợp pháp" nếu Ukraine đề nghị và Nga đột phá phòng tuyến của Ukraine.
Nhiều thành viên NATO tại châu Âu đã phản đối ý tưởng này, cảnh báo việc đưa quân sang Ukraine có thể dẫn đến Thế chiến 3.
Tổng thống Pháp Macron: 'Châu Âu có thể chết' nếu không củng cố phòng thủ
Mới nhất, ông Hakeem Jeffries, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Mỹ, nói không loại trừ khả năng đưa lính Mỹ sang Ukraine nếu Kyiv thất bại.
"Chúng ta không thể để Ukraine sụp đổ bởi vì nếu điều đó xảy ra, nhiều khả năng Mỹ sẽ phải đưa vào xung đột không chỉ là tiền bạc mà còn cả những quân nhân của chúng ta", ông Jeffries nói trong cuộc phỏng vấn với đài CBS được phát sóng ngày 5.5.
Hãng TASS ngày 6.5 đưa tin Bộ Quốc phòng Nga đang xem xét thông tin Pháp đã gửi 1.500 binh sĩ đến hỗ trợ lực lượng Nga ở khu vực Sloviansk (vùng Donetsk).
Trước đó, truyền thông dẫn lời cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Bryen nói rằng Pháp đã điều 1.500 binh sĩ đến hỗ trợ Ukraine.
Reuters ngày 6.5 đưa tin Bộ Ngoại giao Pháp phủ nhận việc gửi quân đến Ukraine, bác bỏ các thông tin liên quan là một "chiến dịch thông tin sai lệch". "Không, Pháp không gửi quân đến Ukraine", Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh.
Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu Đại sứ Anh Nigel Casey hôm 6.5 để phản đối chính thức sau khi Ngoại trưởng Anh David Cameron nói Ukraine có quyền sử dụng vũ khí của Anh để tấn công Nga.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết bình luận của ông Cameron thừa nhận rằng Anh hiện trên thực tế là một phần của cuộc xung đột. Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo rằng các cơ sở quân sự của Anh có thể bị nhắm mục tiêu cả bên trong Ukraine và bên ngoài Ukraine để đáp trả các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.
Nga phản ứng sau khi bị Mỹ cáo buộc sử dụng chất hóa học bị cấm ở Ukraine
Nga kiểm soát thêm 2 làng
Bộ Quốc phòng hôm 6.5 cho biết lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát các khu định cư Soloviove và Kotliarivka ở miền đông Ukraine.
Theo đó, Nga đã đạt được những bước tiến chậm nhưng ổn định kể từ khi chiếm Avdiivka, với hàng loạt ngôi làng trong khu vực rơi vào tay lực lượng Moscow.
Hãng TASS dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng các nước phương Tây thừa nhận tình hình ngày càng xấu đi ở mặt trận Ukraine và cần nghĩ cách không thua Nga trong xung đột.
Ukraine chưa lập tức bình luận về thông tin trên. Cơ quan Tình báo quân đội Ukraine ngày 6.5 cho hay lực lượng nước này đã phá hủy một xuồng tấn công nhanh của Nga ở Crimea.
Cuộc tấn công được cho là được thực hiện bằng máy bay không người lái (UAV) đa năng Magura V5 ở Crimea trong đêm.
Ngoài ra, Không quân Ukraine cho biết các đơn vị phòng không nước này đã phá hủy 12 trong số 13 UAV của Nga, phóng từ tỉnh Kursk của Nga nhằm vào tỉnh Sumy phía đông bắc Ukraine.
Trong một diễn biến khác, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 6.5 cho biết Trung Quốc từ lâu đã tích cực tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraine, theo Reuters.
Bình luận (0)