“Cận Tinh, cách mặt trời khoảng 4,2 năm ánh sáng, đã đột ngột phát sáng gấp 14.000 lần so với mức bình thường, và hiện tượng này kéo dài vỏn vẹn vài giây trước khi tắt ngúm”, theo trưởng nhóm nghiên cứu, trợ lý giáo sư vật lý học thiên thể Meredith MacGregor của Đại học Colorado-Boulder (Mỹ).
Theo báo cáo đăng trên chuyên san The Astrophysical Journal Letters, vết lóa từ Cận Tinh không chỉ thuộc nhóm mạnh nhất từng quan sát được trong Dải Ngân hà, mà còn là kỷ lục đối với Cận Tinh (vốn chỉ là một sao lùn đỏ nhỏ bé).
Để so sánh, vết lóa vừa ghi nhận phải mạnh hơn gấp hàng trăm lần so với bất kỳ vết lóa nào của mặt trời chúng ta.
Trong toàn bộ quá trình, hiện tượng bí ẩn chỉ kéo dài 7 giây và các nhà khoa học ghi nhận được sự bộc phát khủng khiếp của các bức xạ tia cực tím và bước sóng milimét.
Năm 2016, giới thiên văn học phát hiện một hành tinh xoay quanh Cận Tinh ở khoảng cách có thể cho phép sự sống sinh sôi. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các vết lóa dạng này ở sao trung tâm khiến các chuyên gia hoài nghi về khả năng sự sống có thể sống sót trước những đợt tấn công bức xạ như thế.
“Các hành tinh thuộc Cận Tinh hứng chịu sự bộc phát tia cực tím và bức xạ ở bước sóng milimét theo tần suất ít nhất một lần/ngày chứ không phải cả thế kỷ mới có một lần, và thậm chí vài lần trong ngày”, theo trưởng nhóm MacGregor.
Nếu bất kỳ thứ gì có thể tồn tại được trong hệ sao láng giềng của Trái đất, chúng phải hoàn toàn khác với mọi sinh vật của địa cầu.
Bình luận (0)