(Tin Nóng) Anh chuẩn bị triển khai quân ở châu Á - Thái Bình Dương để bảo vệ lợi ích của nước này và các đồng minh đối phó với những thách thức về an ninh đang gia tăng tại khu vực.
|
Theo tạp chí IHS Jane's 2.2.2015, Bộ trưởng Ngoại giao Anh, ông Philip Hammond ngày 30.1.2015 phát biểu tại Singapore rằng Anh chuẩn bị triển khai quân lính và khí tài cần thiết để bảo vệ lợi ích của Anh và các đồng minh trong khối FPDA tại Đông Nam Á trong bối cảnh xảy ra khủng hoảng ở châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai.
Bộ trưởng Anh phát biểu như trên tại một hội thảo do Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (RSIS, Singapore) tổ chức. Ông Hammond, cựu bộ trưởng quốc phòng, trong bài thuyết trình đã ghi nhận "có rất nhiều yêu sách về lãnh thổ tại khu vực" và nói ông thất vọng với việc hoà giải diễn ra chậm chạp bất chấp sự liên kết kinh tế đang tăng lên.
Vị ngoại trưởng Anh lưu ý rằng các cường quốc bên ngoài khu vực đang chú ý đến các nguy cơ an ninh tiềm năng tại châu Á, nhưng cho rằng tất cả các vấn đề cần được giải quyết thông qua đối thoại và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, ông Hammond cảnh báo sự liên kết kinh tế không đảm bảo rằng khu vực này không thể bị chia cắt bởi sự cạnh tranh chiến lược, và dẫn ví dụ về Chiến tranh thế giới thứ nhất ở châu Âu. "Nhiều người trong và ngoài khu vực châu Á lo lắng theo dõi những căng thẳng về chính trị và chủ nghĩa dân tộc đang tăng cao ở khu vực Đông Á", ông Hammond nói.
Theo ông Hammond, nước Anh không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông, nhưng bác bỏ việc áp đặt luật lệ dựa trên sức mạnh quân sự ở châu Á, và cho rằng những tranh chấp lãnh thổ ở khu vực này nên được giải quyết theo các quy định quốc tế. "Điều quan trọng đối với sự ổn định trong khu vực, và cho sự toàn vẹn của hệ thống luật pháp quốc tế, là các tranh chấp trong khu vực nên được giải quyết không phải bằng vũ lực hoặc ép buộc mà thông qua đối thoại và phù hợp với luật pháp quốc tế", ông Hammond nói.
Ông cũng lưu ý rằng nước Anh có một phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh ở châu Á, nơi có đến gần 5.000 tỉ USD hàng hoá thông thương qua Biển Đông mỗi năm. Do vậy, Anh duy trì cam kết với các hiệp ước an ninh đa phương trong khu vực, gọi là Thoả thuận quốc phòng 5 nước (FPDA) gồm Anh, Úc, Malaysia, New Zealand và Singapore.
FPDA được thành lập vào năm 1971, là hiệp ước quốc phòng đa phương còn tồn tại ở Đông Nam Á. Theo đó, bất cứ cuộc tấn công nào vào các thành viên FPDA sẽ nhận lấy đòn giáng trả từ khối này.
|
Bộ trưởng Ngoại giao Anh nhắc lại việc Anh cử tàu chiến HMS Daring và tàu sân bay HMS Illustrious tham gia khắc phục hậu quả siêu bão Hải Yến tàn phá Philippines cuối năm 2013, hay tàu khảo sát HMS Echo và tàu ngầm hạt nhân Tireless tìm kiếm máy bay MH370 của Malaysia tháng 3.2014 “là ví dụ về phản ứng của Anh trong việc triển khai lực lượng quân sự tới khu vực này”.
Bài phát biểu của Bộ trưởng Hammond ở Singapore có lẽ là lần đầu tiên FPDA đề cập đến tranh chấp ở Biển Đông, theo IHS Jane's. Nhận xét của ông về việc Anh sẵn sàng triển khai các lực lượng quân sự đến châu Á trong khuôn khổ của FPDA một khi lợi ích của mình trong khu vực bị đe dọa là phản ánh ý định của Anh qua Báo cáo Chiến lược quốc gia về an ninh hàng hải, xuất bản tháng 5.2014. Báo cáo này nhấn mạnh các vấn đề khác của Anh gồm có "những lợi ích đáng kể về chính trị và kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương" và mối quan tâm đặc biệt của Anh về các vấn đề an ninh ở biển Đông.
|
Anh Sơn
>> Nhật Bản tuyên bố xem xét bay tuần tra ở Biển Đông
>> Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông là để đối phó với Mỹ ?
>> Nguy cơ va chạm tàu ngầm trên Biển Đông
>> Mỹ lo ngại Trung Quốc ồ ạt xây đắp tại các bãi đá ở Trường Sa
>> Máy bay Trung Quốc ở Trường Sa có thể tấn công tới Úc
>> Trung Quốc xây xong một mô hình tàu sân bay trên cạn
>> Mỹ kêu gọi NATO phát triển vũ khí mới để vượt Nga, Trung Quốc
Bình luận (0)