Hơn một năm trước, ông Graham Stuart có chuyến thăm Việt Nam đầu tiên trên cương vị Đặc phái viên thương mại của Thủ tướng Anh tại Việt Nam, Campuchia và Lào. Khi ấy, ông trải nghiệm dịch vụ xe đạp công cộng và sử dụng xe buýt điện ở TP.HCM và đặc biệt ủng hộ quá trình chuyển dịch năng lượng sạch của Việt Nam.
Quay lại Việt Nam trong chuyến công tác mới nhất (từ ngày 31.7-3.8), ông Stuart hiện là Quốc vụ khanh Phụ trách An ninh năng lượng và trung hòa carbon của Vương quốc Anh, vị trí được bổ nhiệm từ đầu tháng 2 năm nay. Trên cương vị mới, ông đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai năng lượng sạch được Anh đang áp dụng nhằm duy trì vị thế kinh tế hàng đầu ở châu Âu và trên thế giới.
Thông điệp của ông hết sức rõ ràng: thế giới đang thay đổi và các nước buộc phải làm sạch hệ thống năng lượng quốc gia nếu không muốn cánh cửa của cơ hội khép lại.
Sự tương đồng giữa Anh và Việt Nam
Quốc vụ khanh Stuart cho rằng điều quan trọng đầu tiên để thuyết phục người dân ủng hộ nghị trình chuyển đổi năng lượng xanh của quốc gia là phải làm cho quá trình chuyển đổi xanh tương thích với mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Ở trường hợp Vương quốc Anh, nền kinh tế nước này phụ thuộc vào nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Với chiều hướng chung của thế giới, ngày càng có nhiều công ty, tập đoàn từ chối rót vốn đầu tư, xây dựng nhà máy nếu nước sở tại không thể cung cấp năng lượng sạch. Điều thú vị là Việt Nam cũng đang trong tình trạng tương tự Anh quốc, ông chỉ ra.
Kế đến, Liên minh châu Âu (EU) từ đầu tháng 10 sẽ tiến hành thí điểm Cơ chế điều chỉnh biên giới đối với phát thải carbon (CBAM) trước khi thực hiện đầy đủ từ năm 2026.
Về bản chất, CBAM quy định EU sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường của khối, dựa trên mức độ phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Dựa trên cơ chế mới, EU khuyến khích mọi đối tác thương mại hãy tiến hành khử carbon trong lĩnh vực sản xuất.
"Nếu một quốc gia không làm sạch hệ thống năng lượng, hàng hóa xuất khẩu sang châu Âu sẽ vấp phải những rào cản pháp lý, trong khi kinh tế Anh hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu. Một lần nữa, Việt Nam cũng đứng trước tình thế tương tự. Và đó là lý do chúng ta, Vương quốc Anh lẫn Việt Nam cần định hướng lại cách lèo lái con tàu", ông Stuart cho biết.
"Vì thế, về khía cạnh đầu tư, xuất khẩu, sự hợp tác giữa Anh và Việt Nam là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện tại", Quốc vụ khanh Anh nhấn mạnh.
Chuyển dịch năng lượng sạch và rẻ
Từ một quốc gia có nền công nghiệp đầu tiên trên thế giới, với hệ thống tàu điện ngầm đô thị đầu tiên được xây dựng cách đây 150 năm, Vương quốc Anh đang dồn sức xanh hóa toàn bộ hệ thống năng lượng và đã thay thế năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ năm 2012.
Năm 2012, điện than ở Anh chiếm 40% trong tổng nguồn cung năng lượng. Đến năm 2020, tỷ lệ này chỉ còn nhỉnh hơn 2%. Dự kiến đến năm sau, Anh sẽ đóng cửa toàn bộ các nhà máy nhiệt điện than. Và nước này cũng là quốc gia đầu tiên thuộc nhóm các nền kinh tế lớn ban hành luật phát thải bằng 0 vào năm 2050.
Chia sẻ cho thành công trên, ông Stuart cho biết nước Anh có đường bờ biển dài ấn tượng ở châu Âu, mang đến nguồn tài nguyên điện gió quý giá, "Bằng cách khai thác tất cả những gì thiên nhiên ban tặng cho nước Anh, chúng tôi có thể sở hữu hệ thống điện giá rẻ, mang lại lợi thế cho nền kinh tế", ông Stuart đề cập. Xây dựng lưới điện xanh, giá rẻ được áp dụng song song với quá trình nước Anh khử carbon cho lĩnh vực công cũng như ngành công nghiệp nặng.
Theo ông, Anh và Việt Nam không những đối đầu cùng các thách thức, cơ hội và nguy cơ, mà đồng thời có cùng tiềm năng để trở thành thế lực kinh tế mạnh mẽ hơn nếu hoàn tất quá trình chuyển dịch năng lượng sạch.
Xanh hóa hệ thống năng lượng cũng có nghĩa là Việt Nam có thể gia tăng sản lượng điện sản xuất trong nước, dù là điện gió và điện mặt trời tại tỉnh Bình Thuận, hay phát triển điện gió ngoài khơi. "Việt Nam có rất nhiều cơ hội nếu có thể tận dụng tốt", ông nhận xét.
"Anh đã thông qua luật phát thải ròng bằng 0, và vì thế chúng tôi có trách nhiệm ràng buộc về pháp lý để hoàn thành mục tiêu đã đặt ra", ông Stuart cho biết. Vì thế, điều quan trọng để thực thi các mục tiêu đề ra liên quan đến nỗ lực giảm khí phát thải là các quốc gia cần xây dựng và kiện toàn luật liên quan và xây dựng phương hướng hành động cụ thể.
Ông cũng một lần nữa khẳng định Vương quốc Anh sẵn sàng tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn, quan hệ đối tác và thiết lập chương trình chuyển dịch năng lượng và biến đổi khí hậu cho Việt Nam.
Vương quốc Anh hiện là một trong những đại diện của Nhóm Đối tác quốc tế (International Partner Group - IPG) hỗ trợ Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) tại Việt Nam.
Bình luận (0)