Chung kết EURO 2024, Anh 1-2 Tây Ban Nha: 'Bò tót' lần thứ 4 đăng quang

15/07/2024 00:11 GMT+7

Đội tuyển Tây Ban Nha và Anh đã cống hiến một trận chung kết đầy kịch tính tại sân vận động Olympic, Berlin (Đức). Theo đó, đội bóng xứ bò tót đã lần thứ 4 lên ngôi ở châu Âu và khiến người Anh tiếp tục chờ đợi danh hiệu EURO đầu tiên.

* NHẬN ĐỊNH TRƯỚC TRẬN ĐẤU

2 giờ rạng sáng 15.7, cả thế giới sẽ nhìn về Berlin, Đức, nơi diễn ra trận chung kết EURO 2024 giữa đội tuyển Anh và đội tuyển Tây Ban Nha. Trong khi Tây Ban Nha đang gây ấn tượng khi toàn thắng cả 6 trận trước thềm chung kết, Anh cũng lầm lũi vượt qua khó khăn để đi đến trận đấu cuối cùng.

Chung kết EURO 2024, Anh 1-2 Tây Ban Nha: 'Bò tót' lần thứ 4 đăng quang- Ảnh 1.

Chung kết EURO 2024 rất đáng chờ đợi

AFP

Sức mạnh của Tây Ban Nha

Biệt danh của đội tuyển Tây Ban Nha là "La Furia Roja", dịch ra là "cơn thịnh nộ màu đỏ". Màn thể hiện của thầy trò HLV Luis de la Fuente ở EURO 2024 đang thể hiện đúng biệt danh này, khi Tây Ban Nha trút cơn thịnh nộ lên phần còn lại của châu Âu sau tròn 12 năm chìm trong khó khăn, kể từ lần gần nhất vô địch EURO.

Khi HLV De la Fuente mang đến EURO 2024 đội hình với phần lớn là cầu thủ trẻ (Lamine Yamal, Nico Williams), hoặc hạng hai (Unai Simon, Robin le Normand, Dani Olmo, Mikel Merino), chỉ có rất ít ngôi sao trong đội hình như Dani Carvajal, Rodri, Alvaro Morata, nhiều người tin rằng giải đấu tại Đức sẽ thuần túy chỉ là bàn đạp để Tây Ban Nha tái thiết lực lượng và chuẩn bị cho giai đoạn thành công mới.

Chung kết EURO 2024, Anh 1-2 Tây Ban Nha: 'Bò tót' lần thứ 4 đăng quang- Ảnh 2.

Đội tuyển Tây Ban Nha toàn thắng cả 6 trận để vào chung kết EURO 2024

AFP

Tuy nhiên, thành công đã đến với Tây Ban Nha theo cách vượt ngoài mong đợi. Một tập thể bình dân, dưới bàn tay huấn luyện của một HLV với bản hồ sơ cũng rất bình thường như De la Fuente, đã trình diễn lối đá ở đẳng cấp rất cao. Tây Ban Nha vẫn kiểm soát bóng tốt, nhưng không hề "một màu", mà tấn công đa dạng, triển khai cực nhuần nhuyễn và đồng bộ nhờ sự gắn kết chặt chẽ giữa các tuyến. Đội bóng của HLV De la Fuente cũng có thể thực dụng khi cần, đơn cử như trận gặp Pháp, Tây Ban Nha đã phòng ngự vững chãi trước sức ép của đối thủ nhờ tuyến hậu vệ bọc lót tốt, cùng tuyến giữa kiểm soát nhịp độ trận đấu rất tốt.

Bên cạnh lối chơi vừa hiệu quả, vừa đẹp mắt (thứ ngày càng khan hiếm trong thế giới bóng đá hiện đại), Tây Ban Nha còn thể hiện nhiệt huyết và sự dũng cảm, minh chứng là màn tỏa sáng của những cầu thủ lần đầu bước ra sân khấu lớn nhất của bóng đá châu Âu như Yamal hay Williams. Tây Ban Nha toan tính nhưng không khô cằn, trẻ trung nhưng không non nớt.

"La Furia Roja" là tập thể tiệm cận hoàn hảo khi mang đến cảm xúc cho khán giả, song vẫn đầy chắc chắn và kiên cường để vượt qua những thế lực hàng đầu bóng đá châu Âu như Đức, Pháp, Ý. Chức vô địch EURO 2024 chỉ còn cách thầy trò HLV De la Fuente một nấc thang nữa.

Chung kết EURO 2024, Anh 1-2 Tây Ban Nha: 'Bò tót' lần thứ 4 đăng quang- Ảnh 3.

HLV De la Fuente giúp Tây Ban Nha lột xác

AFP

Đội tuyển Anh bùng nổ

Dù vậy, cửa ải cuối của Tây Ban Nha sẽ vô cùng khó khăn, đó là đội tuyển Anh. Dù bị chỉ trích xuyên suốt giải đấu bởi lối đá quá thận trọng và thực dụng, Anh vẫn lầm lũi vượt qua khó khăn.

Trong khi Tây Ban Nha trình diễn lối chơi bắt mắt, đan bóng nhuần nhuyễn và biến ảo để gợi lại thời thống trị châu Âu, rất khó cắt nghĩa Anh của HLV Gareth Southgate đang đá theo phong cách nào.

Đội tuyển Anh hiện tại là tập thể "lai căng" giữa kiểm soát bóng, đánh biên, đôi khi lại chơi phòng ngự phản công. Phải đến trận bán kết gặp Hà Lan, diện mạo của Anh mới được định hình rõ ràng hơn, thay vì có phần hỗn loạn, nhạt nhòa như các trận đấu trước.

Chung kết EURO 2024, Anh 1-2 Tây Ban Nha: 'Bò tót' lần thứ 4 đăng quang- Ảnh 4.

Anh (áo trắng) vượt nhiều ải khó

AFP

Tuy nhiên, không vì thế mà Anh bị đánh giá thấp hơn Tây Ban Nha ở chung kết. Bởi ở vòng đấu loại trực tiếp, yếu tố quyết định thành bại không phải triết lý, mà là khả năng ứng biến linh hoạt với hoàn cảnh. Những nhà vô địch EURO gần nhất như Bồ Đào Nha (2016) hay Ý (2020) là đại diện tiêu biểu. Muốn vô địch châu Âu, các đội cần biết chống lại nghịch cảnh, có lối chơi đa dạng, đồng thời sở hữu lực lượng đủ dày để tạo ra khác biệt.

Trên khía cạnh chống lại nghịch cảnh, cả Anh và Tây Ban Nha đều thể hiện được. Về độ dày lực lượng, đội tuyển Tây Ban Nha đã chứng minh sức mạnh từ chiều sâu đội hình. Dù vắng 3 trụ cột (Robin le Normand, Dani Carvajal, Pedri), Tây Ban Nha vẫn thắng thuyết phục trước Pháp ở bán kết. Dù vậy, đội tuyển Anh lại đang nổi trội hơn với khả năng tạo đột biến từ băng ghế dự bị. Để bù đắp thiếu hụt về triết lý thi đấu, HLV Southgate đang tận dụng rất hiệu quả những nhân tố dự bị, giúp Anh trở thành tập thể khó lường đến phút cuối.

Chung kết EURO 2024, Anh 1-2 Tây Ban Nha: 'Bò tót' lần thứ 4 đăng quang- Ảnh 5.

HLV Southgate sẽ làm nên lịch sử trong lần thứ hai vào chung kết EURO?

AFP

Trong 4 đội góp mặt ở bán kết, Anh đang là đội có số bàn thắng trực tiếp mang về chiến thắng được ghi hoặc kiến tạo bởi cầu thủ dự bị nhiều nhất, với 2 pha lập công. Ở trận gặp Slovakia, tiền đạo Ivan Toney chỉ cần ít phút có mặt trên sân để đánh đầu kiến tạo cho Harry Kane ghi bàn. Đến trận gặp Hà Lan, Cole Palmer chọc khe cho Ollie Watkins sút tung lưới Hà Lan ở phút bù giờ, đưa Anh vào chung kết.

Đội tuyển Anh có chiều sâu lực lượng ấn tượng hơn nhiều so với những bại tướng của Tây Ban Nha trước đó như Đức, Pháp, Ý. HLV Southgate dù bị chỉ trích ở khả năng xây dựng lối chơi, nhưng lại thay người rất "mát tay".

Đấy là lý do một đội tuyển bị chê bai nhạt nhẽo như Anh lại trở nên khó lường. Đặc biệt ở trận chung kết, đội nào tận dụng thời cơ tốt hơn sẽ chiến thắng. Mà ở khoản này, chưa chắc Tây Ban Nha đã hay hơn Anh.

Chung kết EURO: Jude Bellingham hay Lamine Yamal sẽ đi vào lịch sử?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.