Ca sĩ, nhạc sĩ Trần Lập - Ảnh: Tư liệu |
Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của anh Trần Nhất Hoàng (Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, cựu thành viên ban nhạc Bức Tường, từng nhiều năm gắn bó với những hoạt động của ban nhạc từ khi thành lập tới nay), về chuyến đi xa của “thủ lĩnh” Trần Lập và tinh thần của “người anh cả Bức Tường” muốn gửi gắm lại.
“23 giờ ngày 17.3.2016, chia tay anh Trần Tuấn Hùng, về nhà nằm vật ra giường, tin nhắn Facebook kêu từ chiều, mỗi tiếng chuông kêu là một lời luyến tiếc, đôi khi của một người lạ muốn qua tôi nhắn đến gia đình anh.
Chúng tôi từ những cậu bé 20 tuổi hợp với nhau thành một ban nhạc sinh viên, đi qua bao nhiêu thăng trầm, thực hiện được bao nhiêu ước mơ: từ có những cây đàn xịn, làm một CD riêng, một liveshow riêng, một chuyến xuyên Việt, một lần được đại diện Việt Nam diễn cho bạn bè quốc tế… Thậm chí, có những điều chúng tôi gọi là kỳ tích, nhưng lần này, lần quan trọng nhất, không kỳ tích hay phép màu nào ghé qua. Anh thật sự đã ra đi, để lại một khoảng trống mênh mông bất tận.
Trong một mớ hỗn độn những hình ảnh quá khứ, thoáng chốc tôi lưu lại được toàn những nụ cười của anh. Thân quen nhất là nụ cười góc cà phê vỉa hè hay nụ cười rạng rỡ trên sân khấu. Tôi muốn kể bạn nghe có ba nụ cười ám ảnh tôi nhất về anh Trần Lập:
- Đó là khi cả ban nhạc chúng tôi (thế hệ đầu tiên) lần đầu tiên được đi diễn ở Pháp với tư cách đại diện cho gương mặt nghệ thuật đương đại Việt Nam năm 2003. Khi ấy, cả ngày và đêm là cười, cười như trẻ con khi phóng xe đạp quanh một cái tượng đài trung tâm thành phố, cười khi cả hội làm trò nghịch ngợm bên vỉa hè một ngõ vắng. Nụ cười của tuổi 28, ngất ngây, hạnh phúc.
- Gần đây nhất là vào khoảng 11 giờ đêm ngày 5.3.2016, Tuấn Hùng thông báo “Lập phải chuyển gấp từ Nam ra vì cơ thể suy kiệt”. Mấy anh em chúng tôi phóng xe ra sân bay để làm các thủ tục sẵn sàng đón anh về. Tôi có thẻ ra vào nên anh em đứng ngoài chờ, tôi vào khu nhận hành lý. Từ xa có chiếc xe lăn và một người trùm chăn. Tôi nghe rất rõ anh gọi “Ơ, Hoàng!”. Anh đã cười rất tươi vì tưởng tình cờ anh em bắt được nhau. Tôi tiến lại gần và nói rằng “Anh em ra đón anh, mọi việc sẽ ổn”. Nụ cười tươi trên gương mặt mệt mỏi, hốc hác bỗng chuyển sang một trạng thái đăm chiêu khác lạ. Sau này tôi mới hiểu, anh đã không ngờ tình trạng của anh nặng đến mức phải có anh em ra đón. Với anh, khi đó chỉ là cùng vợ về Hà Nội từ từ chữa trị bằng cách khác mà thôi. Một nụ cười hoang mang pha chút hoài nghi yếu ớt.
- Nhưng nụ cười của anh khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất là vào ngày 15.1.2016, đúng vào tối trước liveshow Đôi bàn tay thắp lửa. Đạo diễn Phạm Hoàng Nam hẹn “cuối giờ qua đón anh đến nhà Trần Lập để thống nhất kịch bản”, việc chính chỉ chốc lát là xong. Tôi còn nhớ toàn bộ câu chuyện sau đó đều về thực phẩm bẩn và mình có thể làm được gì qua show này. Anh Nam kể một câu chuyện vui đại ý là: “Ông trồng chè khoe với bạn là họ đang uống chè từ khu trồng sạch nhà quây riêng dành cho gia đình, khu còn lại tất nhiên là trà bẩn để bán; bà bán rau cũng hân hoan nói với gia đình là người nhà được ăn rau ở khu trồng sạch, khu nhiều thuốc là để bán; ông bán thịt lợn cũng vậy… Niềm vui của họ thật ngây thơ, ngớ ngẩn và độc ác. Họ không thể cả đời chỉ uống trà, ăn rau hay ăn thịt. Họ uống trà nhà sạch nhưng vẫn phải ăn rau bẩn của kẻ khác, ăn rau nhà sạch nhưng vẫn ăn thịt bẩn của kẻ khác… Chúng ta đang giết nhau trong khi cảm thấy an tâm đã bảo vệ được gia đình mình ở một góc nhỏ hẹp hòi… Ba anh em đã cười rất lâu ở câu kết, nhưng tôi thấy trong nụ cười của anh có cái gì đó chua xót, oán hờn.
Tôi cứ ám ảnh mãi nụ cười ấy, vì dù bạn là ai đi nữa, khi vào tình thế đau và khổ, bạn vẫn cần một lý do để trách cứ. Chúng tôi đã rất cay đắng khi nói đi nói lại: Ai sẽ khiến những con người độc ác và ngây thơ kia thức tỉnh, ai sẽ thay đổi để họ trở nên có lương tri, ai sẽ cho họ hiểu rằng họ được lợi hằng ngày khi bán đi những kg thịt bẩn thì họ lại mua về những kg rau bẩn. Bằng cách nào để những điều bất nhân được khai trừ. Sao ta cứ bỏ mặc những điều xấu nhan nhản hằng ngày ta thấy và cho qua như chuyện phải thế… Về mong muốn thì đó là một phần ý nghĩa của liveshow Đôi bàn tay thắp lửa - thức tỉnh một điều lương thiện.
Chúng tôi cũng chỉ nói và dường như chưa thật dám tin rằng hình tượng Trần Lập và những người anh em nghệ sĩ tuyệt vời đêm nhạc đó có thể làm thay đổi điều gì lớn lao. Nhưng đó là lý tưởng, đó là tuổi trẻ, đó là điều đẹp nhất mà Trần Lập trong cơn bạo bệnh vẫn mong gắng gượng để chia sẻ, để thắp một tia hi vọng.
Ngày mai, mọi điều dang dở vẫn còn đó, những ước mơ ấp ủ vẫn còn đó!
Nhưng anh đừng buồn, anh ra đi nhưng điều anh đã làm được và muốn làm sẽ sống mãi người anh em nhé!
Trong hàng trăm dòng tin nhắn của bạn bè, một người em gái gửi một hình ảnh có ghi mẩu đối thoại:
“Con gái: Mẹ ơi, sao có người tốt lại chết trẻ?
Mẹ: Khi vào một vườn hoa, con sẽ ngắt bông hoa nào?
Con gái: Bông hoa đẹp nhất!”
Cả chiều nay, tôi đã không khóc, nhưng giờ đây nước mắt cứ chảy ra khi mở mail có một bức ảnh graphic mà tôi nhờ người bạn Trịnh Minh Trung (MarknB) làm để treo tưởng nhớ anh. Tôi sẽ dán nó vào đâu đó, để hồi tưởng về một Trần Lập ngước mắt nhìn, thân thiện và đầy ước mơ!
Vĩnh biệt anh - điều đẹp đẽ nhất!”
Lễ truy điệu của ca sĩ - nhạc sĩ Trần Lập dự kiến diễn ra vào 7 - 9 giờ sáng 23.3 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Sau đó sẽ được đưa đi an táng tại nghĩa trang quê nhà ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định theo tâm nguyện của anh khi còn sống.
|
Bình luận (0)