Ảnh thầy tôi nhìn từ những kỷ niệm

03/10/2012 03:20 GMT+7

Sinh thời, thầy (bố) tôi - nhà văn Phan Khôi, không phải là người thích chụp ảnh. Vì vậy mà cho tới lúc qua đời tại Hà Nội, ngày 16.1.1959, số ảnh ông để lại cho con cháu cũng chẳng có là bao.

Sinh thời, thầy (bố) tôi - nhà văn Phan Khôi, không phải là người thích chụp ảnh. Vì vậy mà cho tới lúc qua đời tại Hà Nội, ngày 16.1.1959, số ảnh ông để lại cho con cháu cũng chẳng có là bao. 

Có thể đó là do bản tính của ông, mà cũng có thể là do việc chụp ảnh ở vào nửa đầu thế kỷ trước không hề dễ dàng như bây giờ. Không kể những ngày gian khổ trên chiến khu Việt Bắc mà ngay cả lúc đã về lại thủ đô Hà Nội, muốn chụp một kiểu ảnh, không có cách nào khác hơn là phải tới hiệu. Mà hiệu ảnh thì không phải lúc nào cũng gần nhà và hễ tới là có thể chụp ngay được! Có khi phải cất công đi bộ hoặc ngồi xích lô một, hai cây số và phải chờ đợi mất cả tiếng đồng hồ. Ở độ tuổi bảy mươi, hơn bảy mươi và thời gian ông phải dành cho việc dịch thuật, nghiên cứu lúc ấy, đó là cả một vấn đề. Đến lúc trả tiền mới càng thêm hãi. Một kiểu ảnh đen trắng, ba tấm, cỡ 9 x 12 cm, nếu tôi nhớ không nhầm, có lẽ cũng phải trả không dưới một phần mười số tiền lương ông nhận được hằng tháng lúc đó. Rồi hết kháng chiến chống Pháp, đến chiến tranh chống Mỹ kéo dài mấy chục năm; đang sống tại Hà Nội lại phải khăn gói về vùng nông thôn xa hàng trăm cây số, ăn tạm ở nhờ nhà bà con nông dân, khó khăn thiếu thốn trăm bề; thêm không biết cách bảo quản nên số ảnh vốn đã ít ỏi cứ thất lạc hoặc hư hỏng dần.

nhà văn Phan Khôi 1 

Vì thế cho đến nay, anh chị em tôi cũng chỉ còn giữ được một hay hai kiểu ảnh ông chụp lúc còn trẻ, cỡ bốn mươi hay hơn bốn mươi. Số ảnh hồi ông ở Việt Bắc thì còn nhiều hơn nhưng cũng chỉ có ba hay bốn tấm. Nhiều hơn nữa là ảnh ông chụp chung với gia đình các anh chị hoặc với hai mẹ tôi, tôi và mấy đứa em sau khi về lại thủ đô Hà Nội. Thời gian ông chụp nhiều ảnh nhất có lẽ là vào cuối tháng 10.1956, khi ông được cử sang Trung Quốc dự lễ tưởng niệm hai mươi năm ngày mất của văn hào Lỗ Tấn. Nào là ảnh lúc ông đang đọc diễn văn; ảnh ông chụp chung với đoàn đại biểu Hội Nhà văn các nước Liên Xô và Đông u cũ; ảnh ông và nhà thơ Tế Hanh viếng mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái tại nghĩa trang Hoàng Hoa Cương thuộc tỉnh Quảng Châu; ảnh ông với bà Hứa Quảng Bình, phu nhân nhà văn Lỗ Tấn và cuối cùng trên đường về nước là ảnh ông chụp chung với các đồng chí lãnh đạo và các em học sinh khi ghé thăm Khu học xá Trung ương Nam Ninh, nơi con trai út và cháu ngoại của ông đang theo học. Không phải lúc này ông đã chuyển qua thích chụp ảnh, cũng chẳng phải vì tiền chụp ảnh ở Trung Quốc rẻ hơn ở Việt Nam mà đơn giản là do các phóng viên nhiếp ảnh được nước bạn cử đi theo đoàn đại biểu Việt Nam, chụp rồi gửi tặng ông làm kỷ niệm. Có điều lạ, không rõ là do tài năng người chụp ảnh hay do tình cảm của con đối với cha mà mỗi khi nhìn vào ảnh ông, tôi đều như thấy lại chính khoảnh khắc ấy trong cuộc đời ông mà tôi còn lưu được trong ký ức nhờ những ngày sống gần ông hay bởi những gì ông hoặc người khác viết mà ngay lúc đó và về sau này tôi đã đọc rồi cảm nhận được. Ông đang khỏe hay yếu, vui hay buồn, đắc ý hay thất vọng, tin tưởng hay ngờ vực, bình thản hay ngơ ngác, đang tịnh tâm hay đang bồn chồn, lo lắng…bởi chính mình hay vì những gì ông đang chứng kiến. Nghĩa là đối với tôi, ông như người đang sống vậy!

nhà văn Phan Khôi  
Phan Khôi (thứ 2 từ phải qua) chụp tại Trung Quốc trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất của văn hào Lỗ Tấn

Như đã nói, hiện em gái tôi còn giữ được một tấm ảnh chân dung thầy tôi, cỡ 3 x 4 cm, phía sau ảnh có ghi năm 1928. Nếu đúng như thế thì lúc đó ông mới bốn mươi mốt tuổi. Thời gian này tương ứng với thời gian ông viết cho tờ Trung lập sau đó một, hai năm là cho tờ Phụ nữ tân văn của ông bà Nguyễn Đức Nhuận ở Sài Gòn. Đây có lẽ là thời gian đắc ý nhất trong cuộc đời hơn bốn mươi năm bôn tẩu làm báo viết văn của ông. Đó là một bức ảnh bán thân.

Trong ảnh, ông mặc vét tông, thắt cà vạt, nét mặt nghiêm nghị như thường thấy nhưng vẫn có một chút gì đó như là sự mãn nguyện và tự tin. Điểm nổi bật trên khuôn mặt ông lúc này có lẽ là hàm râu hình chữ “nhất” viết lối “lệ”, nói theo cách Lỗ Tấn miêu tả hàm râu của mình, to rậm và đen bóng, có cảm giác như từng sợi râu đều được chăm chút tỉ mỉ, cẩn thận; sau này nghe nói đâu như là mốt của người đàn ông Sài Gòn thành đạt lúc đó. Tôi nhớ không chắc lắm nhưng hình như đây là bức ảnh được hai nhà phê bình Hoài Thanh và Hoài Chân đưa vào mục “Phan Khôi” trong cuốn Thi nhân Việt Nam ở lần xuất bản đầu tiên. Tôi không rõ ông để kiểu râu này từ lúc nào và kéo dài bao lâu nhưng vào khoảng những năm 1930 - 1931, ông còn có một kiểu ảnh tương tự nữa, nhưng lần này là ảnh toàn thân. Kiểu ảnh này đã được Phan Toàn đưa vào bài Một số ý kiến của nhà báo Phan Khôi về nạn hối lộ đăng ở Xưa & Nay số 356, tháng 5.2010. Nhìn vào bức ảnh mà em gái tôi còn giữ được và cả bức ảnh này nữa, tôi có cảm giác như ông đang phấn khích vươn vai, thở phào nhẹ nhõm sau nhiều ngày đêm lao tâm khổ tứ, tìm kiếm, đối chiếu các nguồn tư liệu khác nhau để viết xong một loạt hơn mười bài phân tích những tác hại của Nho giáo tới đời sống tinh thần người Việt hàng ngàn năm nay. Lần khác, cũng nhìn vào chính bức ảnh ấy nhưng tôi lại thấy ông như vừa thoát ra khỏi cơn bực tức sau khi đã hoàn thành loạt bài viết phản bác cuốn Nho giáo của Trần Trọng Kim như sau này đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Đình Nghi thuật lại với nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn. Ở vào thời ấy, hỏi có nhà báo nào như ông, được ông bà chủ báo trả đến 25 đồng cho một bài viết, nghĩa là gấp năm lần các nhà báo khác mà nào phải họ không nổi tiếng. Và, như nhà phê bình Thiếu Sơn trong Những văn nhân chính khách một thời thì hầu hết dân Sài Gòn lúc đó chịu bỏ ra 15 xu mua một số Phụ nữ tân văn để được đọc bài của Phan Khôi hay Chương Dân mà theo nhận xét của nhà phê bình này là “những bài viết gãy gọn, sáng sủa, đanh thép với những đề tài mới mẻ, những lý luận thần tình làm cho người đọc say mê mà thống khoái”. (Còn tiếp)

Phan Nam Sinh

>> Điều ít biết về Phan Khôi và Nhất Linh
>> Phan Khôi, tác phẩm đăng báo 1930
>> Nhiều tác phẩm của Lỗ Tấn bị loại khỏi sách giáo khoa Trung Quốc

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.