Cứ mỗi lần ngọn gió thu xao xác ngoài đồng, mẹ tôi thường rọc lá chuối gói một thứ bánh nếp có nhân được làm bằng những hạt đậu xanh để dành trong nhà. Đêm trung thu rước đèn xong mẹ phát cho mỗi đứa một cái cất trong túi áo, đêm nằm ấp ủ cùng với giấc mơ thần tiên. Hương vị của loại bánh dân dã này còn đọng mãi trong tôi. Bây giờ tìm đỏ mắt không gặp. Nó gần gũi đấy mà xa xôi đấy. Bởi mỗi thời mỗi khác, trẻ con bây giờ được bố mẹ mua cho nhiều bánh kẹo hiện đại, đắt tiền. Chúng làm sao hiểu được cái hồn của bánh, và niềm xao xuyến ngây ngô khi được mẹ ban phát cho từ tấm lòng quê kiểng mộc mạc hương đồng.
Rồi khi lớn lên một chút, lũ chúng tôi được cha dạy cho cách làm lồng đèn. Đứa nào nhà rộng rãi hơn có thể mua năm bảy tấm giấy màu. Đứa nào đơn sơ hơn thì tự nghĩ ra cách chế tác những chiếc lồng đèn theo hình dáng ông sao, cá chép hoặc gì gì nữa tùy theo sự khéo tay của nó. Dù được làm bằng những vật liệu thô sơ, nhưng lồng đèn chúng tôi ngày xưa “đẹp” hơn nhiều so với bây giờ. Bây giờ những cô cậu bảnh bao được cầm trên tay những lồng đèn điện tử, những lồng đèn bán trong các cửa hiệu màu mè lòe loẹt mà đánh mất đi niềm khao khát tuổi thơ. Bởi ngày xưa lũ chúng tôi muốn tạo ra ánh sáng cho lồng đèn phải nghĩ ra nhiều cách. Có đứa dùng đèn mù u, nhưng thường vẫn là đèn cầy. Ánh sáng lung linh huyền ảo trên khắp nẻo quê làng như rồng rắn lên mây đẹp một cách lạ thường. Riêng tôi có một cách chế đèn độc đáo là bắt đom đóm bỏ vào lồng đèn. Thứ ánh sáng lân tinh này khiến nhiều đứa trẻ làng tôi thèm chảy nước miếng, vì không ngọn gió cắc cớ nào có thể tắt được chúng.
Trung thu - tết mùa thu, vầng trăng như biểu hiện tâm hồn tuổi thơ, trong sáng mà mờ ảo, đầy đặn mà khiếm khuyết, hồn nhiên mà soi rõ. Chính vì thế mà không nên làm mất ý nghĩa của Tết Trung thu. Hãy để cho ánh trăng và tuổi thơ đồng điệu. Người lớn chúng ta có thể tìm thấy chính mình bằng cách để cho trăng soi rõ từng ngóc ngách tâm hồn.
Nguyễn Thánh Ngã
Bình luận (0)