Trò ảo thuật vốn được xem là "của độc" trong các chương trình giải trí, song những người theo đuổi nó ngày càng ít dần. Thế nhưng, điều thú vị là một bộ phận giới trẻ đang gìn giữ loại hình nghệ thuật độc đáo này một cách rất tự nhiên, với diện mạo mới hơn, thực tế hơn và tất nhiên, đường phố hơn!
Hội những người chơi ảo thuật ở Hà Nội chỉ đếm trên đầu ngón tay, và có chung một đặc điểm là rất trẻ, hầu hết là học sinh, sinh viên. Họ đến với ảo thuật vì đam mê và bằng cả sự tò mò. Xuân Khánh, một tín đồ của ảo thuật đường phố cho biết: "Ngày bé mê tít các trò ảo thuật, xem trên truyền hình thấy các chú ấy sao giỏi thế. Lớn lên chút, mình đã mày mò trên các web ảo thuật và quyết tâm học bằng được trò chơi thú vị này". Bị mê hoặc bởi sự kỳ diệu do chính bàn tay con người tạo ra, một số người trẻ như Khánh đã tự tìm tòi trên sách báo, rồi vào các forum nước ngoài để tự học.
Theo Khánh, thời gian để có thể trở thành một ảo thuật gia nghiệp dư không hề đơn giản và phải kiên trì, bởi ảo thuật đòi hỏi sự khéo léo của đôi bàn tay, và sự tinh ý của đôi mắt. "Làm thế nào để kết hợp được một cách nhịp nhàng giữa bàn tay và cử động cơ thể là điều không dễ, nếu không may sẩy tay, "phép thuật" của bạn sẽ bị lộ ngay", Mạnh - một tín đồ khác của ảo thuật đường phố chia sẻ thêm. Vì thế, một khi đã chấp nhận "vào cuộc", họ phải tự xác định cho mình một điều: phải khổ luyện như bất kỳ môn nghệ thuật nào khác!
Chuyện họ bỏ ra hàng giờ đồng hồ chỉ để bắt chước một điệu xoay người của một ảo thuật gia chuyên nghiệp, hoặc mải mê sáng tạo những động tác mới đến quên ăn quên ngủ đã trở thành chuyện thường ngày của những người chơi. "Trò này càng chơi càng bị hút, vì nó kỳ bí y như tên gọi vậy" - Mạnh tâm sự.
Theo chân Long - một "9X" chơi ảo thuật có thâm niên ở Hà Nội đi diễn mới thấy hết chất "nghiện" của trò này. Chỉ với một cỗ bài, khoác trên người bộ đồ ảo thuật, mũ đen đội đầu, chọn một góc đường có ánh sáng vừa phải, Long thoăn thoắt xoay bộ bài trên tay, từng con bài như có sức mạnh vô hình di chuyển một cách đều đặn trong khoảng không, rồi đột nhiên mất hút... Đám đông ồ lên một cách khoái trá. Anh chàng hãnh diện ngả mũ chào rồi nhanh nhẹn rút lui trước sự nuối tiếc của khán giả. "Mỗi lần chỉ cho họ thưởng thức một món để họ cảm thấy "thèm". Hơn nữa, nếu diễn nhiều, mình dễ bị "lộ bài", và thế là ảo thuật không còn gì hấp dẫn!", Long giải thích khi thấy tôi thắc mắc.
Cái thú vị của ảo thuật đường phố là có thể lôi kéo được khán giả một cách tự nhiên, có thể diễn bất cứ nơi nào. Họ thường chọn những nơi có ánh sáng mờ ảo và một khoảng không rộng rãi để "hành nghề" như công viên, hoặc bờ hồ. Với những "nghệ sĩ" trẻ hơn, là những người đang ngồi ở ghế nhà trường thì ảo thuật luôn được xếp vào danh sách những tiết mục "hot" trong các buổi biểu diễn văn nghệ hoặc thi thố tài năng. Được chào đón nồng nhiệt, được coi như "nghệ sĩ", đặc biệt là được khám phá những điều bí ẩn mà trước đây tưởng chừng như chỉ những "siêu nhân" mới làm được là những "chất kích thích" tạo hưng phấn cho dân ảo thuật nghiệp dư.
Tụ tập nhau trong một quán nào đó để chia sẻ kinh nghiệm, rảnh rỗi lại rủ nhau diễn trên đường phố, trong công viên, có khi hứng lên lại tự bỏ tiền túi tổ chức show miễn phí cho những người yêu ảo thuật, những nghệ sĩ nghiệp dư này đã đóng góp cho thực đơn giải trí của giới trẻ một "món ăn" không mới, nhưng luôn được xem là "đặc sản", đầy lôi cuốn. Một điều nữa, có thể họ không nghĩ đến, là chính họ đã kéo môn nghệ thuật đang bị mai một ở nước ta lại gần khán giả hơn một cách rất tự nhiên!
Phương Anh
Bình luận (0)