|
Giỏi thì có quyền ?
Trung Quân, sinh viên (SV) Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, không ngần ngại cho rằng câu chuyện này đã rất phổ biến chứ không còn xa lạ trong giới học sinh (HS), SV. Quân kể, ở trường có SV tham gia một cuộc thi âm nhạc trên truyền hình, nhờ lọt vào top 10 đã nghiễm nhiên cho mình là người nổi tiếng, suốt ngày tự nhận là ca sĩ.
Hay như Thùy Mai, HS Trường THPT Hàn Thuyên, Q.Phú Nhuận, TP.HCM cho biết trước đây học THCS cô có người bạn rất thân. Tuy nhiên khi thi vào THPT, vì đậu vào trường chuyên nên bạn ấy xem thường người khác. Khi được góp ý, thay vì bớt chảnh hơn, người bạn đó lại bảo “tớ giỏi thì tớ có quyền”.
Không chỉ vậy, hiện tượng này còn xuất hiện rất nhiều trên mạng xã hội. Hoàng Anh, HS Trường THPT Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), cho biết trong lớp có vài người vì có tài khoản Facebook với hàng chục nghìn người theo dõi nên cứ ngỡ mình là “sao”, là “hot girl”, “hot boy”. “Họ khoe mỗi khi tớ đăng ảnh hay viết câu status gì đó là sẽ thu hút hàng nghìn lượt yêu thích. Chính điều này khiến họ tự kiêu, làm mất thiện cảm và gây khó chịu với bạn bè trong lớp, trong trường”, Hoàng Anh cho biết thêm.
Thu Hằng, HS Trường THPT Trần Phú, Q.Tân Phú (TP.HCM), cũng kể việc nhiều HS trong trường bị ảo tưởng nặng. “Họ đi đâu cũng tự có cảm giác nhiều người đang chú ý đến mình, tưởng là ngôi sao nên chảnh. Tất cả cũng chỉ vì những lượt like trên các mạng xã hội”, Thu Hằng nói.
Đừng ảo tưởng !
Có những luồng quan điểm trái chiều về vấn đề này. Anh Tuấn, SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng “bệnh” này là xấu, không chấp nhận được, vì sẽ khiến đánh mất tình bạn, gây khó chịu với mọi người. Vì thế, với những người trẻ đã và đang mắc phải cần “chữa”, loại bỏ tư tưởng này.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nếu đạt được một giải thưởng thì hoàn toàn có quyền tự hào và xứng đáng nhận những lời khen tặng. Và sự tự tin đó sẽ làm tiền đề cho sự cố gắng, phát triển của bản thân.
Chuyên viên tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy, Giám đốc Công ty tư vấn và giáo dục WE Link, cho biết nhiều bạn trẻ hiện nay tự thổi phồng quá mức về hình ảnh của bản thân. Tuy nhiên, theo ông đây không phải là “bệnh” mà là sự khủng hoảng về các giá trị trong xã hội.
“Sự thổi phồng đã từng được hưởng ứng nên tiếp tục có cơ hội để lan rộng. Nhiều nơi trong xã hội đã đánh giá con người qua những gì được tô vẽ bên ngoài chứ không phải từ thực lực bên trong, cũng là mầm mống gây ra hiện tượng này”, ông Uy nói.
Ông Uy cho rằng không đơn giản để kết luận điều này là tốt hay xấu, nhưng có thể nói là nó “không khỏe mạnh”. Nếu việc trưng thành tích ra chỉ để thể hiện sự hạnh phúc, tự hào thì hoàn toàn ổn. Còn khi chấp nhận nhắm mắt để tự ca ngợi hoặc phô trương những thứ không thực chất nghĩa là tự lừa dối chính mình. Và khoảng cách giữa điều được quảng cáo với chất lượng thực sự của "sản phẩm" có thể tỷ lệ thuận với những hệ lụy tiêu cực.
“Sự bền vững và hạnh phúc thật sự của con người luôn gắn liền với những điều là sự thật chứ không phải là những điều được tô vẽ. Hơn nữa, sự nổi tiếng không bao giờ có thể tạo niềm hạnh phúc dài lâu, mà chỉ trong chốc lát. Vì thế, cần biết rõ bản thân, biết rõ những điểm mạnh của bản thân và sống hài lòng với những điều thật sự của bản thân”, ông Uy gợi ý với giới trẻ.
Từng là người trong cuộc, Vũ Toàn, SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chiêm nghiệm: “Đã có quãng thời gian mình ảo tưởng, thổi phồng giá trị của bản thân, nhưng sau đó nhận ra rằng đây không phải là thước đo cho khả năng thật sự. Vậy nên đừng bao giờ ảo tưởng, hãy biết khiêm tốn để được mọi người ngưỡng mộ”.
Bình luận Nguyễn Thị Phương Thảo
Trần Phú Nguyên
Nguyễn Thị Thuận |
Trâm Anh - Nhật Hạ
>> Giữa kỳ vọng và ảo tưởng
>> Lạc quan không ảo tưởng
>> Chớ ảo tưởng chuyện "kéo dài"!
>> Chúng tôi không ảo tưởng
Bình luận (0)