Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại Big C Đà Nẵng

TAND TP.Đà Nẵng cho biết đã có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm Công ty CP EB Hải Phòng (tên trước đây là Công ty CP thương mại quốc tế và dịch vụ Đại siêu thị Big C Hải Phòng) chuyển nhượng quyền sử dụng mặt bằng từ tầng 1 đến tầng 4 Trung tâm thương mại Vĩnh Trung, nơi đặt Big C Đà Nẵng.

Theo đó, Công ty CP EB Hải Phòng và Chi nhánh công ty này tại Đà Nẵng (sau đây gọi tắt là Big C Đà Nẵng) không được ký kết các văn bản cho thuê mặt bằng, sử dụng mặt bằng để ký kết các hợp đồng hợp đồng hợp tác đầu tư đối với các cá nhân, tổ chức kinh tế tại khu vực nói trên. Sau quyết định của tòa án, Cục Thi hành án dân sự TP.Đà Nẵng cũng đã ra quyết định thi hành án chủ động với nội dung trên.
Đối tác hiện tại “không chính chủ”
Tháng 7.2016, hàng trăm công nhân viên siêu thị Big C Đà Nẵng đã giăng băng rôn, biểu ngữ gây náo động khu vực trung tâm thành phố. Nguyên nhân bắt đầu vào tháng 11.2015, chủ tòa nhà nơi BigC Đà Nẵng đang hoạt động đã gửi thông báo chấm dứt hợp đồng thuê, đồng thời yêu cầu trả lại mặt bằng vào cuối năm. Đến đầu năm 2016, đơn vị chủ tòa nhà là Công ty CP Đức Mạnh thông báo thu hồi mặt bằng với các cửa hàng nhỏ lẻ tại các khu vực do Big C quản lý, đồng thời tiến hành cắt nước, thang máy...
Nguyên nhân được phía Công ty CP Đức Mạnh, chủ tòa nhà, từ chối cho BigC Đà Nẵng thuê từ tầng 1 đến tầng 4 không gian tòa nhà Vĩnh Trung (đường Hùng Vương, Q.Thanh Khê) mà Big C đã hoạt động ở đây 10 năm. Khi hợp đồng cho thuê đến kỳ hạn sửa đổi, bổ sung thì chủ nhà phát hiện phía đối tác là “không chính chủ” như chủ ký hợp đồng ban đầu. Vào thời điểm căng thẳng nói trên, lãnh đạo thành phố đã triệu tập một cuộc họp để nghe hai bên trình bày. Hai bên cũng đưa nhau ra Trung tâm trọng tài quốc tế VN (VIAC) tại TP.HCM để giải quyết tranh chấp. Thời gian VIAC giải quyết tranh chấp, BigC Đà Nẵng cũng đã nộp đơn lên TAND TP.Đà Nẵng.
Phía Công ty CP Đức Mạnh cho rằng lý do cản trở và thu hồi một số khu vực là bởi Big C nhiều lần bị cảnh sát PCCC nhắc nhở và kiểm tra các hoạt động dễ xảy ra cháy nổ và có nhiều cảnh báo tới đơn vị sở hữu tòa nhà. Nhưng lý do chính mà đơn vị này không đồng ý cho Big C tiếp tục thuê là vì đối tác hiện này không phải là đối tác ký hợp đồng ban đầu.
Cụ thể, hợp đồng cho thuê được chủ tòa nhà ký vào năm 2006 với Công ty Vindémia (công ty thành lập và có trụ sở tại Pháp) với thời gian 40 năm (được sửa đổi bổ sung theo từng thời điểm), nhưng hiện nay chủ sở hữu của thương hiệu Big C tại Việt Nam là Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua lại từ tay Tập đoàn Casino (Pháp).
Ngày 24.5, TAND TP.HCM đã ra quyết định chấp nhận khiếu nại của Công ty CP Đức Mạnh và yêu cầu VIAC đình chỉ giải quyết tranh chấp vì không thuộc thẩm quyền. Sau đó, VIAC đã đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp giữa nguyên đơn là Big C Hải Phòng (công ty mẹ của Big C Đà Nẵng) và bị đơn là Công ty CP Đức Mạnh. Căn cứ đưa ra là bởi Big C Đà Nẵng chưa được kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của Công ty Vindémia do chưa xuất trình được tài liệu, chứng cứ chứng minh Công ty Vindémia nhượng quyền theo quy định của pháp luật.
Làm rõ việc chuyển nhượng để trốn thuế
Bà Nguyễn Thị Chi, Tổng giám đốc Công ty CP Đức Mạnh (Đà Nẵng), cho biết công ty đã gửi văn bản đến TAND TP.Đà Nẵng đề nghị tòa án và Tổng cục Thuế xem xét thu hồi thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty Vindémia và Casino Group (Pháp). Lý do, Công ty Vindémia là công ty được thành lập theo pháp luật Cộng hòa Pháp. Cuối năm 2007 đầu 2008, Vindémia đã chuyển nhượng toàn bộ hệ thống siêu thị Bourbon và một số doanh nghiệp do công ty này thành lập bằng 100% vốn nước ngoài ở VN cho Casino Group. Ngày 29.4.2016, Casino Group đã chuyển nhượng Big C VN cho Central Group (Thái Lan) với giá trị đạt 1 tỉ euro.
Văn bản nói trên đề nghị Tổng cục Thuế truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp của 2 đơn vị trong 2 lần chuyển nhượng nói trên để đảm bảo mọi hành vi vi phạm đều được xử lý một cách nghiêm minh trước pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.