Hành động làm đơn "tự thú" tập thể của 68 người dân thôn Nhĩ Trung là hành vi phản kháng việc áp dụng luật thiếu hiệu quả từ lâu nay với nạn cướp chó. Là trạng thái tự vệ trong bất lực.
Nó biểu thị dưới hình thức cực đoan một yêu cầu dường như khá tuyệt vọng của người dân mấy năm nay, là "pháp luật hãy bảo vệ sự bình yên của người dân trước bọn cướp chó".
Câu chuyện 68 người dân thôn Nhĩ Trung (xã Gio Thành, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) làm đơn "tự thú" tập thể nhận mình tham gia đánh hai kẻ "trộm" chó thật là tình huống thú vị cả về góc độ xã hội lẫn pháp luật.
Tôi đọc lại hết các vụ "trộm" chó nhiều năm qua và lập được một bảng tóm tắt như sau:
Địa bàn: Nhiều tỉnh khắp cả nước.
Thời gian: Nhiều năm nay.
Trang bị: bột vôi, bột ớt, chất gây mê, roi dài 2 m, đèn pin cực sáng (để chiếu vào mắt chó), súng bắn đạn chì (súng bắn cò), đao, dao dài, súng bắn điện tự chế, súng cao su bắn đá, nỏ, kiếm, thòng lọng bắt chó, biển kiểm soát xe máy giả, chĩa bằng tăm xe đạp mài nhọn nối vào ắc quy của xe máy dùng để dí vào chó. Chó bị dí sẽ chết ngay...
|
Hoạt động và hậu quả:
- Tối 22.6.2012, 4 thanh niên đi trên 2 xe gắn máy ập vào nhà ông Trần Ri (xã Đức Minh, Mộ Đức, Quảng Ngãi), nói: “Con chó kìa, vô bắt bay ơi!” rồi tung thòng lọng bắt chó. Ông Ri hô hoán liền bị họ đập vỡ cửa, vỡ bình xăng xe gắn máy của ông, bật lửa đốt rồi tẩu thoát.
- Theo ông Tiêu Viết Thạnh, Trưởng Công an xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi): Công an xã đuổi bắt đến nơi vắng thì bị nhóm trộm chó quay ngược lại dùng mã tấu tấn công. Trong đêm tối, lực lượng ít nên anh em công an viên phải bỏ xe chạy vào nhà dân. Chiếc xe máy bị nhóm trộm chó đập bể nát.
- Tối 6.7.2009, anh Lê Quảng Khải ở xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) cùng một người bạn chạy xe máy đuổi theo nhóm trộm chó, bị tung ớt bột trúng vào mắt khiến người bạn loạng choạng tay lái, anh Khải té xuống đường tử vong.
- Sáng sớm 23.10.2012, tại khu đô thị An Huy, thành phố Bắc Ninh, anh Nguyễn Trung Hiếu (SN 1982), cán bộ Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh bị bọn trộm dùng súng tự chế bắn thẳng. Anh Hiếu tử vong.
- Cùng ngày, tại xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), người dân đuổi theo nhóm trộm chó bị nhóm này quay trở lại dùng dao tấn công.
- Ngày 19.9.2011 tại thị xã Hà Đông, hai người trộm chó trên đường đi đã nhặt một viên gạch lát đường bằng xi măng để khi phát hiện sẽ dùng gạch ném chống trả. Khi bị truy đuổi, họ ném đá trúng ngực anh Lâm Xuân Hân khiến anh chết tại chỗ.
- Ngày 10.3.2012, anh Trần Văn Dũng (xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) bị nhóm trộm chó bắn thẳng vào ngực cây chĩa nhọn có cán bằng gỗ dài khoảng 50 cm, mũi chĩa 7 cm được đấu vào dây điện khoảng 3m. Anh Dũng thoát chết do nhóm trộm chó không kịp bấm điện.
- Ngày 25.6.2012, Võ Hoàng Nam (19 tuổi, ngụ ấp Cẩm Đường, xã Cẩm Đường, Long Thành, Đồng Nai), sinh viên tại đại học Công nghiệp TP.HCM, bị nhóm trộm chó dùng súng tự chế bắn tên sắt có phóng điện vào ngực. Nam chết tại chỗ.
- Khoảng tháng 5.2012 ở xã Long Mai, huyện Minh Long, Quảng Ngãi, một nhóm trộm chó dùng gậy gộc tấn công lại người truy đuổi, gây thương tích nặng cho hai người.
- Sáng 9.7.2011, người dân xã Nghi Liên (thành phố Vinh, Nghệ An) phát hiện hai người đang bắt trộm chó. Bị đuổi đánh, một người lao vào nhà dân bắt một bé gái 5 tuổi làm con tin. Người này từng có một tiền án trộm cắp tài sản và vừa mãn hạn tù tháng 10.2010.
- Tối 4.10.2012, anh Nguyễn Quốc Khánh, Tổ trưởng tổ nhân dân tự quản ấp Trời Mọc (xã Tân Phú, huyện Thới Bình, Cà Mau), bị nhóm trộm chó dùng súng tự chế có mũi sắt nhọn nối điện bắn vào cổ gây trọng thương.
***
Liệt kê ra như trên, dễ nhìn thấy hành vi của "trộm chó" đều hết sức ngang ngược, công khai và đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc chứ không còn lén lút. Nó thể hiện tội "cướp" nhiều hơn "trộm".
Tôi cho rằng họ phải bị xét xử về tội cướp (Điều 133 Bộ luật Hình sự về tội cướp: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản..). Khoản 2 điều này quy định nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tố chức; có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác... thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
Hầu như tình tiết nào trong khoản này các nhóm "trộm" chó hung hãn đều phạm phải cả. Nếu áp dụng điều luật như trên thì các nhóm cướp chó sẽ bị mức tù khá thích đáng.
Tuy nhiên, thực tế cơ quan công an địa phương đang áp dụng tội trộm với hành vi này, do đó khi bắt được nhóm trộm chó thì họ căn cứ vào giá trị số chó (quy ra thịt!) để xem xét. Nếu số chó quy ra thịt trị giá dưới 2 triệu đồng thì chỉ bị xử lý hành chính, tức nộp phạt rồi ung dung ra về. Số tiền phạt, nếu chỉ tính về "thịt" là khá nhẹ. Dễ hiểu tại sao các nhóm cướp chó ngày càng lộng hành còn người dân ngày càng uất ức.
Đến nỗi nhiều nơi như ở Nghệ An, Quảng Ngãi, người dân đã hùn tiền mua barie chắn đầy ắp các con đường trong xóm. Xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) có cả trăm barie, còn ở Quảng Ngãi người dân phải nghĩ ra mô hình "dây, gậy, mõ", phát hiện cướp chó cả làng đánh mõ báo động, kéo barie chắn đường rồi đổ ra đuổi bắt.
Sự bất trắc dâng cao đến nỗi người lạ đi vào làng thăm bạn bè bị nhìn lườm lườm, nhiều người đã bị dân làng hiểu lầm là cướp chó, bị đánh đến thương tích. Ban đêm thì dân nghe tiếng rồ xe máy phải lật đật bật đèn mở cửa xem chó có bị trộm không. Nhốt chó vào nhà cho chắc thì heo, gà, thóc lúa, máy bơm nước.. ngoài vườn ai coi? Có nhà chỉ trong vài tháng mất đến 9 con chó, mất hết gà vịt ngoài vườn. Biết nhà mất sạch chó, trộm còn ngang nhiên cạy cửa ăn cắp. Sự thanh bình thường có ở các vùng quê hoàn toàn biến mất.
Trong tâm lý bất an, bất lực và uất ức thường xuyên như vậy, thật khó yêu cầu người dân luôn luôn hành xử thật bình tĩnh, thật quy chuẩn, thật đúng pháp luật.
Hành động làm đơn "tự thú" tập thể của 68 người dân thôn Nhĩ Trung, do vậy, theo tôi không có gì khác với việc dựng barie trong các con đường thôn xóm. Đó chỉ là hành vi phản kháng việc áp dụng luật thiếu hiệu quả từ lâu nay đối với các nhóm cướp chó. Là trạng thái tự vệ trong bất lực. Nó biểu thị dưới hình thức cực đoan một yêu cầu dường như khá tuyệt vọng của người dân mấy năm nay, là "pháp luật hãy bảo vệ sự bình yên của người dân trước nạn trộm chó, cướp chó".
Vì thế theo tôi không cần và không nên phân tích việc pháp luật sẽ hành xử thế nào với lá đơn này. Chỉ cần tập trung vào việc định tội và xét xử đúng luật các nhóm cướp chó, trả lại sự thanh bình cho thôn quê thì mọi việc đều yên.
Tóm tắt sự việc: Có hai người trộm chó lọt vào thôn, bị phát hiện và người làng ùa ra đuổi đánh. Hai người này chống trả quyết liệt và ném ớt bột, đèn pin loại lớn về phía những người rượt đuổi nhưng đã bị rất nhiều người đánh. Hậu quả, hai người trộm chó tử vong. Cuối tháng 3 vừa qua, TAND tỉnh Quảng Trị xử sơ thẩm và tuyên 10 bị cáo là người dân ở thông Nhĩ Trung từ 2 năm tù treo đến 3 năm tù giam vì tội “cố ý gây thương tích” dẫn đến cái chết của 2 người nghi trộm chó. Mười ngày sau, 68 người dân ở đây gởi đơn tự thú đến Công an xã vì "không thể để 10 người chịu tội thay cho cả làng". Trong đó, có người phụ nữ nhận "đánh ba tát tai", có cụ ông nhận "lấy gậy chống đánh một cái vào chân". Ngay khi vụ việc vừa xảy ra, dư luận đã hết sức bàng hoàng. Nhiều người thương xót cho hai nhân mạng với lý lẽ chung "mạng chó làm sao so với mạng người". Đây là lý lẽ không nhằm làm sáng tỏ bản chất vụ việc, theo tôi không nên mất thời gian phân tích. |
Hoàng Xuân*
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là người viết báo đang sống và làm việc tại TP.HCM
>> Đánh chết trộm chó: Tội ác của đám đông
>> 68 người dân tự thú đánh chết nghi can trộm chó
>> 68 người tự thú đánh chết nghi can trộm chó: Tự thú hay quấy nhiễu?
>> Vụ 68 người tự thú đánh chết nghi can trộm chó: Chuyện chưa có tiền lệ!
Bình luận (0)