Theo các chuyên gia, người dân, chủ yếu là dân tộc thiểu số, đang thiếu trầm trọng đất rừng sản xuất, trong khi các lâm trường quản lý đất rừng rất nhiều nhưng khai thác chưa hiệu quả. Để giúp người dân có việc làm, thoát nghèo, nên giao đất rừng sản xuất lại cho người dân quản lý và khai thác.
|
Người dân thiếu đất trầm trọng
Tại xóm Nhót, xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, anh Bùi Văn Nhịn, Bí thư Chi bộ xóm Nhót, cho biết gia đình anh không được chia đất rừng. Nhà được 1.000 m2 đất nông nghiệp trong khi có đến 6 nhân khẩu. Để có đất canh tác, anh Nhịn cũng theo làng, theo xóm vào rừng “xí” được 3.000 m2 đất để trồng cây keo.
Trong khi đó, ông Kim Danh Hà, Phó giám đốc chi nhánh Công ty lâm trường Tân Lạc, cho biết lâm trường chỉ có 8 người nhưng quản lý đến 1.200 ha đất rừng. Do thiếu người nên công ty đã liên doanh với các hộ dân khai thác và quản lý hơn 200 ha rừng. Từ năm 2008 đến nay, lâm trường bị lấn chiếm hơn 100 ha.
Ông Bùi Văn Huyền, Chủ tịch UBND xã Thanh Hối, tỉnh Hòa Bình cho biết tình trạng tranh chấp, xâm lấn đất giữa người dân và Lâm trường Tân Lạc diễn ra nóng bỏng. Tại địa bàn xã Thanh Hối, lâm trường quản lý 43 ha, hiện dân lấn chiếm cả chục héc ta. Tình trạng này cũng xảy ra ở các xã lân cận nơi lâm trường đóng quân.
Nghiên cứu thực tế tại Đắk Lắk, Lâm Đồng, Quảng Bình và Lạng Sơn của CODE và Forest Trends (một tổ chức phi chính phủ của Mỹ) cho thấy những con số cụ thể. Công ty Đông Bắc (Lạng Sơn) bị xâm lấn hơn 17.000 ha trong tổng số gần 22.000 ha; Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đông Bắc đang quản lý gần 22.000 ha, nằm trên địa bàn 3 tỉnh: Bắc Giang (3.235,2 ha), Lạng Sơn (14.124,9 ha) và Thái Nguyên (4.465,7 ha), bị các hộ dân lấn chiếm lên tới 17.095 ha.
Ông Lê Văn Lân, điều phối viên các dự án phát triển của Trung tâm phát triển nông thôn miền Trung nêu con số: Tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên-Huế) có 45 cán bộ nhưng quản lý trên 15.000 ha. Trong khi bình quân một hộ dân tộc thiểu số Cờ Tu vùng này chỉ có bình quân 1,5 - 2 ha, kể cả đất nông nghiệp và lâm nghiệp, không đủ để người dân có cuộc sống ổn định. Dẫn đến tình trạng người dân xâm lấn đất của lâm trường.
Công ty lâm công nghiệp Long Đại được giao quản lý 100.035 ha (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Xã Trường Sơn có 15 bản đồng bào dân tộc, tất cả đều mâu thuẫn đất đai với công ty.
|
Giao đất cho người dân
Ông Phạm Quang Tú, Phó viện trưởng CODE, cho rằng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) báo cáo mỗi năm mất đi 30.000 ha rừng. Các công ty lâm nghiệp thì thông tin hiện có khoảng 76.000 ha đất lâm nghiệp nằm trong diện tranh chấp, lấn chiếm. Tuy nhiên, con số trên chỉ là phần nhỏ của tảng băng chìm. Các lâm trường nắm nhiều đất nhưng ít người quá nên phải khoán cho người dân. Tuy nhiên họ không khoán cho người ở địa phương mà khoán cho người dân nơi khác trong khi dân địa phương đang thiếu đất sản xuất trầm trọng, dẫn đến tranh chấp. Thống kê của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2012 cho thấy, giai đoạn 2002-2008 cả nước có trên 421.000 hộ thiếu đất ở, đất sản xuất. Giai đoạn 2009-2011 có trên 347.000 hộ thiếu đất.
Giám đốc Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình Phạm Mậu Tài, cho biết tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh có 911 hộ thì đến 57% chưa có đất rừng sản xuất, 85% người dân có nhu cầu muốn được giao đất rừng. Tại 3 xã Ngân Thủy, Kim Thủy, Lâm Thủy của huyện Lệ Thủy có hơn 40% người dân chưa có đất rừng sản xuất. Đất gần với khu vực dân sinh sống, đường giao thông gần như đã được giao cho lâm trường, người dân phải đi rất xa mới tới được đất của mình.
“Phải áp dụng “Khoán 10” đối với đất rừng. Cần có cuộc cách mạng về đất rừng, tương tự như đất nông nghiệp thay vì giao cho hợp tác xã thì giao cho người dân, hộ gia đình. Cách làm này đưa Việt Nam từ một quốc gia thiếu đói đến nay đã xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Đất rừng cũng nên làm tương tự. Nhà nước nên giao thẳng cho người dân chứ không nên thông qua các lâm trường”, ông Phạm Quang Tú đề xuất. Đề xuất này được nhiều chuyên gia đồng tình.
Để giải quyết các mâu thuẫn đất rừng hiện nay giữa các hộ dân và lâm trường, ông Tô Xuân Phúc, Trưởng đại diện tổ chức Forest Trends tại VN, cho rằng nên bóc tách các phần diện tích đất tranh chấp, lấn chiếm trả lại cho chính quyền địa phương làm cơ sở giao cho các hộ dân đảm bảo đủ diện tích đất canh tác. Khuyến khích cộng đồng phát triển cơ chế nhằm hạn chế những giao dịch về đất đai dẫn đến người dân bị mất đất (ví dụ: giao đất cho nhóm hộ, cho cộng đồng). Tạo quỹ đất dự phòng cần thiết cho cộng đồng. Sau khi đã thực hiện các bước trên, đối với phần quỹ đất còn lại của lâm trường, tổ chức tiến hành thực hiện cho thuê đất trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng giữa các nhóm đối tượng, nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh rừng. Bên cạnh đó các thông tin có liên quan đến thay đổi sử dụng đất và tài nguyên rừng (ví dụ như khoán, bảo vệ rừng) cần phải được công khai, minh bạch đặc biệt đối với người dân. Người dân tại chỗ cần ưu tiên đối với nguồn tài nguyên đất, rừng trước khi thực hiện việc giao, khoán cho các đối tượng bên ngoài cộng đồng.
Đình Sơn
Bình luận (0)